Chủ Nhật, 22/9/2024
Pháp luật
Thứ Ba, 27/11/2012 17:36'(GMT+7)

Không chỉ dân mà người thực thi NĐ 71 cũng hiểu chưa đúng

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền

 

PV: Thứ trưởng đánh giá thế nào về công tác tuyên truyền, PBGDPL hiện nay khi mà có nhiều người dân còn " bị động " trước một số quy định của pháp luật, như NĐ71/2012/NĐ-CP đối với phương tiện chưa đăng ký chính chủ chẳng hạn?

Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền: Có rất nhiều giải pháp để văn bản pháp luật đến được với người dân. Thứ nhất là của Nhà nước, cụ thể là Bộ, ngành soạn thảo có trách nhiệm PBGDPL đối với dự thảo đó ngay từ khi soạn thảo, đưa lên phương tiện thông tin đại chúng, như cổng thông tin điện tử để người dân hiểu, tiếp cận và thấm dần tư tưởng và đóng góp ý kiến. Đó là trách nhiệm của cơ quan soạn thảo theo luật. Đây cũng là một kênh để người dân tiếp cận ngay từ khi hình thành chính sách và có ý kiến để chính sách phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện cụ thể về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và điều kiện sống của người dân. Khi văn bản được ban hành thì cơ quan chủ trì soạn thảo phải phổ biến sâu rộng cho người dân từ trung ương đến cơ sở, cụ thể Chủ tịch UBND cấp tỉnh, huyện có trách nhiệm phổ biến văn bản pháp luật cho người dân trên địa bàn qua các phương tiện thông tin đại chúng, cho các nhóm đối tượng cụ thể. Những qui định chung, liên quan nhiều đến cuộc sống của người dân càng phải được phổ biến sâu rộng.

Một vấn đề nữa là người dân chưa quen sử dụng các dịch vụ pháp lý như tư vấn pháp luật hay luật sư. Tôi nghĩ bản thân người dân phải tự học, tự tìm hiểu để tuân thủ pháp luật chứ không thể đổ hết trách nhiệm cho Nhà nước.

Đối với NĐ 71/2012/NĐ-CP thì trước khi thi hành cũng phải phổ biến sâu rộng để người dân biết và thực hiện. Phải có đợt phổ biến tập trung, sâu rộng, cao điểm để người dân nhớ và không bất ngờ khi bị áp dụng chính sách rồi bức xúc. Đối với Nghị định này, không kể người dân mà ngay những người thực thi cũng còn hiểu không đúng về chính sách, pháp luật.

PV: Nhưng rõ ràng trước khi thi hành một văn bản bao giờ cũng có một khoảng thời gian trước khi có hiệu lực chứ không thể thực hiện kiểu NĐ 71?

Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền: Có thời gian cụ thể để làm bước đệm trước khi thi hành một văn bản như đối với Luật là từ sáu đến12 tháng, NĐ là từ 30-45 ngày. Đó là thời gian để các cơ quan chức năng tuyên truyền phổ biến cho người dân hiểu và biết về văn bản. Nhưng việc tuyên tuyền về NĐ 71 rõ ràng là chưa phù hợp lắm nên người dân còn phản ứng. Do đó, vai trò tuyên truyền, phổ biến của Bộ Tư pháp đối với các vấn đề liên quan đến quyền lợi của người dân cũng cần được tăng cường hơn.

PV: Theo quy định tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật PBGDPL, để tăng cường công tác xã hội hóa hoạt động PBGDPL, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có đủ điều kiện tham gia PBGDPL sẽ có chính sách hỗ trợ. Vậy cụ thể các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sẽ được hưởng lợi gì từ việc thực hiện nhiệm vụ công này thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền: Vấn đề hỗ trợ cho doanh nghiệp, tổ chức thì chúng tôi vẫn đang nghiên cứu. Trước mắt chúng tôi đang muốn thu hút các hội nghề nghiệp liên quan đến pháp luật như Hội Luật gia, Liên đoàn Luật sư với trách nhiệm xã hội của mình thực hiện PBGDPL liên quan đến quyền và lợi ích của người dân. Việc cấp kinh phí cho các tổ chức này cũng đang dự kiến như cho tham gia đấu thầu các dự án tuyên truyền pháp luật lớn. Theo đó Nhà nước đặt hàng và dùng tiền ngân sách để xã hội đứng ra làm.

Vấn đề hỗ trợ và bảo đảm nguồn hỗ trợ cho các doanh nghiệp chuyên sản xuất kinh doanh tham gia PBGDPL thực sự là khó. Có thể sẽ giảm thuế (khấu trừ trước thuế) cho hoạt động PBGDPL của doanh nghiệp nhưng vẫn chưa được sự đồng thuận của các chuyên gia từ các Bộ, ngành. Trong Luật PBGDPL cũng giao trách nhiệm cho người sử dụng lao động PBGDPL cho người lao động nhưng vẫn đang nghiên cứu chính sách hỗ trợ.

PV: Hiện công tác tuyên truyền PBGDPL vẫn còn nhiều hạn chế và cần sự phối hợp của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Tuy nhiên nhiều cơ quan đang “e ngại” vì câu chuyện nhân sự và kinh phí. Liệu thiếu kinh phí có phải là yếu tố quyết định khiến việc thực hiện công tác PBGDPL đạt hiệu quả cao?

Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền: Kinh phí là một trong những nguyên nhân khiến công tác tuyên truyền PBGDPL chưa đạt hiệu quả như ý muốn nhưng nói là yếu tố quyết định thì không hẳn. Theo tôi yếu tố quyết định chính là nhận thức của người đứng đầu trong mỗi cơ quan, tổ chức, đoàn thể. Nếu nhận thức đúng và có quan tâm thì sẽ có kế hoạch, chương trình thực hiện chứ nếu không thì dù có tiền cũng chỉ làm qua loa, xong chuyện.

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Hương Nguyên/
ND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất