Vòng đàm phán mới về hòa bình Syria, do Liên hợp quốc bảo trợ, đã kết thúc tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 19/5 mà không đạt được tiến triển lớn nào nhằm hướng tới việc chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài trong suốt 6 năm qua ở quốc gia Trung Đông này.
Phát biểu với báo giới, Đặc phái viên Liên hợp quốc về vấn đề Syria Staffan de Mistura mong muốn cuộc hòa đàm giữa các phe phái đối địch tại Syria sẽ được nối lại trong tháng Sáu tới nhằm bàn thảo toàn bộ các vấn đề quan trọng vốn chưa được giải quyết trong tuần này.
Ông thừa nhận các bên đã không đủ thời gian để thảo luận sâu toàn bộ 4 vấn đề trong chương trình nghị sự gồm: cách thức điều hành, hiến pháp, bầu cử và cuộc chiến chống khủng bố.
Tuy nhiên, các bên đã thảo luận các vấn đề chính cùng quan tâm và thúc đẩy việc bàn thảo mọi vấn đề trong chương trình nghị sự của vòng đàm phán tới.
Ông đã thuyết phục các bên về việc thành lập các ủy ban chuyên gia nhằm thảo luận các vấn đề hiến pháp song song với các cuộc đàm phán.
Theo đặc phái viên Mistura, vòng hòa đàm này thiết thực hơn và các phe phái đưa ra ít tuyên bố khoa trương hơn.
Tuy nhiên, thông tin các bên tham gia đàm phán đưa ra lại trái ngược nhau. Người đứng đầu phái đoàn Chính phủ Syria Bashar al-Jaafari cho biết không có vấn đề nào trong 4 vấn đề thuộc chương trình nghị sự được đưa ra bàn thảo.
Trong khi đó, người đứng đầu phái đoàn phe đối lập Nasr al-Hariri cho biết vòng hòa đàm đạt được ít tiến triển, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các cuộc hòa đàm do Liên hợp quốc bảo trợ.
Giống như các cuộc hòa đàm trước, đặc phái viên Mistura sẽ phải thông báo vắn tắt về kết quả cuộc hòa đàm lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào tuần tới và tham vấn với Tổng Thư ký Liên hợp quốc về thời gian tiến hành các cuộc hòa đàm mới.
Đây là vòng hòa đàm thứ 3 giữa các phe phái về tình hình Syria trong năm 2017. Trong khi các bên đã đạt được tiến triển về vấn đề nhân đạo, thì tương lai của Syria vẫn tiếp tục là một trở ngại trong việc tìm ra tiếng nói chung.
Theo thống kê, kể từ khi nổ ra cuộc xung đột ở Syria vào năm 2011, đã có hơn 320.000 người thiệt mạng và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn./.
̣(TTXVN)