Trong hai ngày 24-25/7, Bộ trưởng Bộ Y tế đã đi thăm, kiểm tra thực tế
về công tác y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, Trạm Y tế xã
Đoàn Kết (huyện Vân Đồn), Trung tâm y tế huyện Vân Đồn.
Hàng chục trẻ và phụ huynh ngồi tại hành lang của trạm y tế xã chờ
cho trẻ tiêm chủng hay tại phòng lưu lại bệnh nhân 30 phút sau tiêm
nhưng không có tivi để xem.
Ngược lại, phòng truyền thông được lập ra trong trạm y tế xã với
tivi, tài liệu không ai xem, đa phần được sử dụng để giao ban. Đó là
những tồn tại mang tình hình thức, cần khắc phục để đưa ra khu vực phục
vụ người dân cần xem nhất là khu chờ khám bệnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhấn mạnh như vậy khi đi thực tế y tế cơ sở tuyến xã tại tỉnh Quảng Ninh.
TRUYỀN THÔNG PHẢI THỰC TẾ
Trong hai ngày 24-25/7, Bộ trưởng Bộ Y tế đã đi thăm, kiểm tra thực
tế về công tác y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, Trạm Y tế xã
Đoàn Kết (huyện Vân Đồn), Trung tâm y tế huyện Vân Đồn.
Trong sáng 25/7, tại Trạm Y tế xã Đoàn Kết, gần 70 trẻ được gia đình đưa đi tiêm chủng vắcxin phòng dịch bệnh. Phụ huynh và trẻ nhỏ ngồi chờ khám, chờ tiêm tại hành lang của trạm y tế.
Bác sỹ Bùi Thị Hằng - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đoàn Kết cho hay, mỗi
ngày tại trạm có từ 20-25 bệnh nhân tới khám bệnh. Trong đợt tiêm chủng có khoảng 70 bé tới tiêm/ngày, có khoảng 5-7 ca khám về sản khoa/tháng.
Qua kiểm tra, Bộ trưởng Bộ Y tế ghi nhận và biểu dương Trạm Y tế xã
Đoàn Kết (huyện Vân Đồn) đã có những sáng tạo như thay đổi cách thức ở
sổ ghi chép, in các thông tin khám chữa bệnh trên excel rõ ràng và khoa
học.
Bộ trưởng Bộ Y tế kiểm tra công tác tiêm chủng tại Trạm y tế xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn. (Ảnh: T.G/Vietnam+)
Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, qua công tác thăm và kiểm tra tại trạm y
tế cho thấy, tại trạm y tế xã không có phòng chờ cho trẻ khi tới khám,
tiêm chủng, khiến phụ huynh và trẻ nhỏ ngồi chờ ngoài hành lang la liệt,
trời nắng nóng hay lạnh ảnh hưởng không nhỏ tới sức khoẻ của trẻ. Phòng
theo dõi sau tiêm cho trẻ rất chật, trong khi đó, phòng phục vụ sinh
sản ít khi sử dụng lại rất rộng và đóng cửa thường xuyên. Đây là những
bất cập cần khắc phục, bởi 3 ngày mới có một người đến khám về sinh sản,
trong khi phòng khám đa khoa bình thường có từ 20-25 người tới
khám/ngày và phòng tiêm chủng bé và chật hẹp.
Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ ra những bất cập tại trạm y tế xã cần được khắc
phục, phòng không khám cần chú ý bố trí lại thành không gian ngồi chờ
khám cho bệnh nhân thoải mái.
Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị lãnh đạo Trạm Y tế xã Đoàn Kết cần linh
hoạt bố trí phòng ốc cho hợp lý, phòng tiêm, khám cho trẻ cần được thay
đổi rộng hơn. Những ngày đông bệnh nhân tới khám và tiêm chủng cần thay
đổi công năng của các phòng sao cho hợp lý.
Bác sỹ Bùi Thị Hằng - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đoàn Kết cho hay, hiện
nay một bệnh nhân đến khám tại trạm y tế xã chỉ được thanh toán một lần
khám từ 50-70.000 đồng, chi phí rất khiêm tốn nên không đủ để kê đơn
thuốc cho người bệnh. Vì vậy, bác sỹ Hằng kiến nghị cơ chế tăng chi tiền
thanh toán khám chữa bệnh tại trạm y tế xã.
Kiểm tra Phòng truyền thông tại Trạm y tế xã Đoàn Kết,
Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay: “Phòng truyền thông được bố trí vẫn mang
tính hình thức. Trong phòng truyền thông có tivi, tài liệu nhưng không
ai xem, không ai đọc, bởi người bệnh hay phụ huynh đưa trẻ đi khám bệnh,
đi tiêm họ đều ngồi ngoài hành lang chờ hay tại phòng tiêm, phòng chờ
sau tiêm.”
Tiêm chủng cho trẻ nhỏ tại Trạm Y tế xã Đoàn Kết. (Ảnh: T.G/Vietnam+)
Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ rõ, tivi hay màn hình chiếu truyền thông cần
được chuyển ra những vị trí như người dân và trẻ tới khám bệnh ngồi chờ
khám để xem hay tại các phòng chờ sau tiêm, có như vậy, công tác truyền
thông mới đi vào hiệu quả thực sự.
“Lập ra một phòng truyền thông mang tính hình thức như hiện nay có
tivi mà không ai xem, có tài liệu nhưng không ai đọc. Vì vậy, các trạm y
tế xã cần sáng tạo và có sự điều chỉnh kịp thời, không nên thiết kế một
phòng truyền thông như vậy mà cần đưa ra truyền thông bên ngoài tại khu
vực người bệnh ngồi chờ”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ VỚI Y TẾ CƠ SỞ
Chiều 27/7, Bộ trưởng Bộ Y tế có buổi làm việc với Uỷ ban Nhân dân tỉnh
Quảng Ninh về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW về
tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong
tình hình mới, công tác y tế cơ sở…
Tại buổi làm việc bà Vũ Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân
tỉnh Quảng Ninh cho hay, trong năm 2018 và 6 tháng năm 2019, trên địa
bàn, không xảy ra dịch bệnh lớn, không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm đông
người mắc và dịch bệnh qua thực phẩm; công tác khám cữa bệnh, các chương
trình mục tiêu về y tế được thực hiện, đảm bảo tiến độ kế hoạch; tăng
cường tự chủ về tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập…
Kết quả một số chỉ tiêu cơ bản về y tế và sức khỏe năm 2018 đã tiệm
cận mục tiêu Nghị quyết Trung ương 6 đề ra đến năm 2020: Tỷ lệ tham gia
bảo hiểm y tế đạt 94,2% (trong khi kế hoạch đặt ra là 93,16%); Tỷ số
giường bệnh đạt 56,42/10.000 dân (đạt kế hoạch: 56,42/10.000 dân); đạt
14,7 bác sỹ/10.000 dân (kế hoạch đặt ra 14,5/10.000 dân); Tỷ lệ đạt Tiêu
chí quốc gia về y tế xã là 100%; Tỷ lệ chất thải rắn y tế được xử lý
đạt 100%.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn. (Ảnh: T.G/Vietnam+)
Bà Thuỷ nhấn mạnh, về công tác nhân lực y tế, nhất là y tế cơ sở hiện
nay ở một số đơn vị thiếu, yếu. Ngành y tế Quảng Ninh rất khó thu hút
được nguồn nhân lực có chất lượng về công tác tại các trung tâm y tế và
trạm y tế; cơ chế, chính sách cho đối tượng lao động hợp đồng còn bất
cập (đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm, phụ cấp…); chưa có khung chương trình
đào tạo phù hợp cho từng tuyến cơ sở y tế.
Chính vì vậy, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu đề
xuất xây dựng chương trình đào tạo phù hợp cho từng loại hình cơ sở y tế
(theo tuyến); đặc biệt là có khung đào tạo đặc thù cho y tế cơ sở sát
với yêu cầu thực tế để vừa đảm bảo có nhân lực làm việc, vừa ổn định
được đội ngũ; xây dựng chính sách đặc thù đối với y tế cơ sở, nhất là
đội ngũ cán bộ y tế tuyến xã (trong tuyển dụng, đãi ngộ và cơ hội phát
triển) để có thể thu hút, ổn định nhân lực cho y tế cơ sở phát triển bền
vững.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến
cho hay, những năm qua, ngành y tế Quảng Ninh đã có nhiều đổi mới trong
công tác y tế, đã hình thành nhiều khu khám chữa bệnh thực hiện được các
kỹ thuật cao, phát triển nhiều dịch vụ hay xây dựng khu công nghiệp y
dược công nghệ cao tại huyện Vân Đồn… Bên cạnh những thành tựu về kinh
tế đứng trong số top đầu của cả nước, ngành y tế Quảng Ninh cần đổi mới
đột phá để phát triển, tuy nhiên cần tránh việc thị trường hoá quá
trong công tác y tế.
Về vấn đề khó khăn nguồn nhân lực tại y tế tuyến cơ sở, người đứng
đầu ngành y tế cho hay: “Để giải quyết đề nghị của sở y tế về vấn đề
nhân lực khó khăn tại y tế tuyến cơ sở, tỉnh Quảng Ninh cần làm đề án
phát triển nhân lực chất lượng cao, đề xuất để Bộ Y tế cử bác sỹ khá
giỏi của Dự án đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về xã khó khăn, về 62 huyện
nghèo để hỗ trợ. Bên cạnh đó, tỉnh cần kết hợp mô hình nhà trường và
bệnh viện. Luân chuyển cán bộn từ tuyến trên về tuyến dưới 1 tuần, 2
tuần 1 lần về công tác tại các trạm y tế xã.”
Trong công tác cơ chế tài chính, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, Bộ Y
tế cũng đang đề xuất với Chính phủ về việc điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y
tế với các mức đóng khác nhau, để đảm bảo đủ chi phí khám, chữa bệnh
cho người tham gia bảo hiểm y tế và nguồn thu cho các cơ sở y tế.../.
Thuỳ Giang (Vietnam+)