Trường hợp thực sự cấp thiết, việc mua sắm phải đảm
bảo các nguyên tắc: sử dụng dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2013 còn
lại, sau khi đã tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên. Việc mua sắm tài
sản phải theo đúng tiêu chuẩn, định mức và chế độ hiện hành; không bổ
sung nguồn kinh phí ngoài dự toán, kể cả nguồn tăng thu ngân sách để mua
sắm trang thiết bị, xe ô tô.
Trình tự, thủ tục mua sắm tài sản phải đảm bảo thực
hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước;
đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Tài sản sau khi mua sắm phải hạch toán,
báo cáo và quản lý, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật về quản lý,
sử dụng tài sản Nhà nước.
Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan Trung ương, Chủ
tịch UBND cấp tỉnh quyết định việc mua sắm theo thẩm quyền và chịu trách
nhiệm về quyết định của mình.
Trước đó, ngày 24/5/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký
ban hành Chỉ thị số 09/CT-TTg về việc tăng cường chỉ đạo điều hành thực
hiện nhiệm vụ tài chính-ngân sách Nhà nước năm 2013.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện tiết kiệm thêm
10% dự toán chi thường xuyên còn lại của những tháng cuối năm (không bao
gồm các khoản: chi tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản chi cho
con người theo chế độ; tiết kiệm 10% chi thường xuyên để tạo nguồn cải
cách tiền lương theo dự toán đầu năm và tiết kiệm 10% chi thường xuyên
tăng thêm đang giữ lại ở các cấp ngân sách).
Bên cạnh đó, cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện
các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết, các khoản chi mua sắm trang
thiết bị, xe ô tô; hạn chế tối đa tổ chức hội nghị, hội thảo quốc gia,
lễ khởi công, khánh thành, công bố quyết định; tiết kiệm tối thiểu 20%
chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu; tiết kiệm tối
thiểu 30% dự toán kinh phí đã phân bổ cho nhiệm vụ chi tổ chức lễ hội,
tiếp khách, hội nghị, hội thảo, đi công tác trong và ngoài nước…
Chinhphu.vn