Những ngày qua, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và các cấp chính quyền địa phương nơi xảy ra sự cố đã tích cực vào cuộc nhằm điều tra nguyên nhân, khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường do cá chết, trợ giúp ngư dân bị thiệt hại. Các nhà khoa học trong và ngoài nước đang khẩn trương nghiên cứu nhằm tìm ra nguyên nhân cá chết để có biện pháp xử lý. Cả nước cùng cảm thông, gỡ khó với ngư dân miền Trung...
Chiêu trò cắt dán, lắp ghép thông tin
Thế nhưng, bất chấp những nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành và các cấp chính quyền địa phương, các thế lực phản động ở hải ngoại cấu kết với một số đối tượng cực đoan, chống đối trong nước đã lợi dụng mạng lưới truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội, “ký sinh” vào sự cố về môi trường nói trên để thực hiện mưu đồ chính trị, ra sức tuyên truyền, kích động, lôi kéo người dân thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật, chống đối Đảng, Nhà nước, phá hoại an ninh kinh tế, chính trị của đất nước. Một bộ phận cộng đồng mạng, do thiếu thông tin và ảnh hưởng của “hội chứng đám đông”, đã gián tiếp cổ vũ, tiếp tay cho các hành vi sai trái này.
Ngay sau khi xảy ra sự cố hải sản chết bất thường, trên mạng xã hội, nhất là facebook, zalo, xuất hiện một số thông tin với những hình ảnh gán ghép về cá chết hàng loạt, nổi trắng cả một vùng bờ biển mà khi mới nhìn vào, bất cứ ai cũng phải hốt hoảng, xót xa nếu không nắm rõ nguồn gốc.
Đơn cử như bức ảnh cá chết đăng kèm bài viết này, là một trong những bức ảnh được các phần tử chống đối Đảng, Nhà nước sử dụng nhiều nhất để đăng kèm các thông tin về sự cố hải sản chết bất thường ở ven biển Miền Trung. Đa số các trang mạng phản động thường đăng ảnh kèm bài viết mà không có chú thích, hoặc chú thích mập mờ theo kiểu “đánh bùn sang ao”. Sự thật là, bức ảnh này cùng với nhiều bức ảnh khác có cùng nội dung được chụp từ tháng 4-2008 tại Mỹ và đã được đăng tải trên một số trang mạng về môi trường, trong đó có trang https://www.flickr.com. Giảng viên Uông Thiện Hoàng, Học viện Chính trị, kể rằng, không chỉ người dân mà ngay cả một số sinh viên, trí thức trẻ cũng bị giác quan đánh lừa khi xem những hình ảnh, clip đăng kèm bài viết về sự cố phát tán trên facebook, zalo, nên có tâm lý lo lắng, bất an.
Hình ảnh chụp ở Mỹ tháng 4-2008 được nhiều đối tượng sử dụng, gán ghép cho thông tin hải sản chết bất thường ven biển miền Trung.
Trên trang cá nhân của một nhân vật thường xuyên đưa thông tin sai sự thật về tình hình trong nước theo kiểu “thầy bói mù xem voi” mang ý đồ kích động, cũng đăng những bức ảnh gán ghép kiểu này kèm thông tin thất thiệt rằng “Hàn Quốc khuyến cáo người dân không ăn, không nhập hải sản Việt Nam”. Họ còn dựng lên nhiều “giả thuyết”, nhiều thông tin thất thiệt gây hoang mang dư luận như: Âm mưu phát tán chất độc từ nước ngoài, xuất hiện những con tàu “ma” đi rải cá chết... Đáng tiếc, do thiếu thông tin hoặc thiếu ý thức, không ít người đã like, bình luận, chia sẻ, phát tán những thông tin, hình ảnh gán ghép này và coi đó là sự phản ánh thực trạng “khủng khiếp” của sự cố môi trường ven biển Miền Trung. Nhiều trang cá nhân dẫn lại đường link từ các bài viết trên các trang mạng có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước ta, rồi chia sẻ trên mạng xã hội để câu like, comment... tạo nên sự nhiễu loạn thông tin, thật-giả, trắng-đen lẫn lộn, từ đó mà chỉ trích Đảng, Nhà nước, kích động người dân gây rối.
Từ sự kích động, tạo dựng thông tin xấu đó, họ đánh vào niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, cho rằng các cấp lãnh đạo “vì lợi ích nhóm mà bỏ quên môi trường”, “biết kết quả nhưng giấu thông tin”, tạo sự nghi ngờ, bức xúc trong dư luận, từ đó kích động người dân tụ tập, tuần hành, xuống đường với những lời kêu gọi “vì môi trường”, “chọn cá không chọn thép”, “đòi biển sạch”. Trên thực tế, đã xuất hiện nhiều lời kêu gọi người dân, nhất là giới trẻ tụ tập, tuần hành nhân sự cố môi trường này trên mạng xã hội và đã xảy ra các cuộc tụ tập ở một số địa điểm tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Bình... Trong những cuộc tụ tập “xuống đường” này xuất hiện một số gương mặt được cho là tham gia các tổ chức phản động, thường xuyên gây rối ở các đô thị. Hiện nay, dư luận đang quan tâm và bất bình trước việc có hai đối tượng đã thu thập, phát tán tài liệu, hình ảnh xuyên tạc, kích động người dân biểu tình, chống đối Nhà nước. Bị bắt quả tang khi đang thực hiện hành vi trái phép, hai đối tượng này đều khai nhận được một số tổ chức phản động ở hải ngoại móc nối, lợi dụng sự cố môi trường để thực hiện mưu đồ chính trị.
Thực ra, việc cắt dán, gán ghép thông tin kiểu “Râu ông nọ cắm cằm bà kia” không phải là thủ đoạn mới. Các thế lực thù địch thường xuyên sử dụng chiêu trò này để đánh lận con đen, tung hỏa mù kích động một bộ phận dân chúng nhẹ dạ, cả tin. Còn nhớ trước đây, khi đồng chí Nguyễn Bá Thanh, nguyên Trưởng ban Nội chính Trung ương, lâm trọng bệnh đi điều trị ở nước ngoài, trên nhiều trang mạng phản động lan truyền bức ảnh chụp một bệnh nhân với thân hình tiều tụy mà chúng chú thích là "Nguyễn Bá Thanh". Thực ra đây là ảnh của một bệnh nhân khác được chúng cố tình ghép vào bài viết xuyên tạc về bệnh tật của đồng chí Nguyễn Bá Thanh, bịa đặt chuyện đồng chí bị đầu độc nhằm gây hoang mang trong dư luận trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Sau khi vụ việc này bị lật tẩy, các trang đăng thông tin, hình ảnh này đã bị cộng đồng mạng chỉ trích dữ dội. Nhiều kiều bào yêu nước đã viết bài, làm clip phân tích, bóc mẽ chiêu trò này của các phần tử phản động.
Sau khi Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và cả hệ thống chính trị địa phương vào cuộc, sự cố môi trường ở 4 tỉnh ven biển Miền Trung từng bước được xử lý, ngư dân vùng bị thiệt hại được hỗ trợ để tái sản xuất, ổn định cuộc sống, những chiêu trò cắt dán, gán ghép thông tin đã có phần “hạ nhiệt”. Tuy nhiên, âm mưu kích động vẫn chưa dừng lại. Một số trang mạng phản động, trong đó có trang facebook Việt Tân, lại lấy hình ảnh chim trời chết để gán ghép với thông tin bịa đặt rằng, sau cá chết đến lượt chim trời ở Quảng Bình chết.
Rõ ràng, kiểu thông tin đơm đặt, lập lờ đánh lận con đen để làm “nóng” thêm vấn đề, từ đó mà xúi giục, kích động dư luận, cho thấy các thế lực thù địch và những phần tử phản động luôn lợi dụng bất cứ cơ hội nào có thể nhằm thực hiện ý đồ chính trị chống phá Đảng, Nhà nước, gây rối ren nội bộ, làm mất lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước.
Không thể phủ nhận những nỗ lực, trách nhiệm
Tại cuộc làm việc với các địa phương bị ảnh hưởng do hải sản chết bất thường vào ngày 1-5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ: “Một số địa phương còn chậm trong việc báo cáo đề xuất giải pháp xử lý; một số bộ, ngành chưa kịp thời xử lý các tình huống nảy sinh trong lĩnh vực quản lý của ngành; công tác phối hợp giữa các bộ, ngành với nhau và giữa các bộ, ngành với địa phương còn lúng túng, thiếu chặt chẽ, thiếu thống nhất nên hiệu quả xử lý vấn đề này chưa đáp ứng yêu cầu; công tác quản lý môi trường còn nhiều bất cập, nhất là việc quan trắc, giám sát nước thải ở một số nhà máy liên quan còn lỏng lẻo; một số đối tượng xấu đã lợi dụng tình trạng hải sản chết có ảnh hưởng đến đời sống người dân để kích động, lôi kéo quần chúng gây rối, làm phức tạp tình hình...”.
Bên cạnh những hạn chế đó, không ai có thể phủ nhận những nỗ lực của Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương trong việc xử lý và khắc phục hậu quả sự cố môi trường ở vùng ven biển một số tỉnh Miền Trung. Việc giúp ngư dân tái sản xuất, ổn định cuộc sống, từng bước khắc phục sự cố môi trường, ổn định tình hình là hệ quả từ sự chỉ đạo, vào cuộc trách nhiệm và đồng bộ của Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương liên quan.
Những ngày qua, hàng loạt chủ trương, giải pháp hỗ trợ, tiếp sức cho ngư dân, ổn định tình hình an ninh trật tự, quan trắc môi trường biển, đánh bắt và tiêu thụ hải sản sạch... đã được triển khai nhanh chóng, đồng bộ, hiệu quả. Cộng đồng doanh nghiệp, hệ thống siêu thị và người dân cả nước cũng hướng về đồng bào ven biển miền Trung bằng những hành động hỗ trợ đầy tính nhân văn, thiết thực.
Đời sống, sản xuất của ngư dân đang từng bước được khôi phục. Vấn đề dư luận quan tâm hiện nay là điều tra nguyên nhân sự cố, kết luận chính xác, khách quan để có giải pháp khắc phục hiệu quả và phòng ngừa nguy cơ tái diễn. Nhưng điều tra nguyên nhân sự cố nói trên là vấn đề khoa học, đòi hỏi thời gian, chứ không thể phỏng đoán, nói ẩu, nói bừa, nói lấy được, kiểu như: “Tôi chỉ cần một ngày điều tra là tìm ra nguyên nhân cá chết”. Đây là cách nói cảm tính, thiếu cơ sở khoa học, không thể nói là mang tính xây dựng. Ngay cả các chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm cũng chưa thể tìm ra nguyên nhân “chỉ trong một ngày”, chưa có quốc gia nào gặp sự cố tương tự tìm ra nguyên nhân “chỉ trong một ngày”. Sự thận trọng, điều tra xác minh sự cố môi trường một cách bài bản, có hệ thống chính là thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Đảng, Nhà nước ta để sớm tìm ra nguyên nhân, có giải pháp tháo gỡ kịp thời. Chính phủ đã huy động nhiều bộ, ngành, nhiều viện nghiên cứu, mời cả các nhà khoa học, chuyên gia nước ngoài đồng thời lắng nghe cả những tư vấn, nghiên cứu độc lập. Tìm được nguyên nhân đúng mới có giải pháp đúng. Một sự việc liên quan đến nhiều địa phương ven biển, ảnh hưởng đến nghề cá và cuộc sống của nhiều triệu người không cho phép chủ quan, thiếu cân nhắc.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, việc điều tra để có kết luận về nguyên nhân hải sản chết bất thường đang được tiến hành khẩn trương. Các động thái, giải pháp của Chính phủ cho thấy sự kiên quyết, khẩn trương, toàn diện, vừa khoanh vùng, hạn chế các nguy cơ, vừa khắc phục sự cố vừa ổn định sản xuất, vừa điều tra làm rõ nguyên nhân, vừa xử lý nghiêm khắc các hành vi sai phạm. Người dân cần bình tĩnh, tỉnh táo, có niềm tin vào nỗ lực của Chính phủ, các cơ quan chức năng và các nhà khoa học, không nên nghe theo những phát biểu cảm tính và những luận điệu xuyên tạc, khích bác làm rối ren, phức tạp tình hình.
Việc tái thiết môi trường, phát triển nghề cá ổn định, bền vững ở vùng biển miền Trung và cả nước là vấn đề sống còn của môi trường và kinh tế biển, an ninh biển. Đây là sự cố môi trường nghiêm trọng đầu tiên ở nước ta nên việc nghiên cứu, tìm ra nguyên nhân để có giải pháp tổng thể là trách nhiệm nặng nề, cần được khẩn trương xem xét, điều tra, kết luận chính xác và có biện pháp ngăn chặn, khắc phục hiệu qủa nhất. Chắc chắn sau sự cố này, chúng ta sẽ có những kinh nghiệm, bài học trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó kịp thời, huy động nguồn lực giải quyết sự cố nhanh chóng, ngăn chặn và hạn chế tối đa sự cố tương tự có thể xảy ra, khắc phục những “khoảng trống” thông tin để không cho kẻ xấu và lực lượng chống đối lợi dụng để kích động, chống phá.
Chúng ta cần tỉnh táo, nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực chống đối, nêu cao cảnh giác trước những thông tin bịa đặt trên mạng truyền thông để không mắc mưu, vô tình tiếp tay cho kẻ xấu.