Thứ Bảy, 23/11/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thứ Tư, 30/3/2016 9:50'(GMT+7)

Chủ động phòng, chống các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng Internet

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hiện nay, các thế lực thù địch đẩy mạnh các hoạt động chống phá cách mạng nước ta trên tất cả các bình diện của đời sống xã hội, nhất là trên lĩnh vực chính trị tư tưởng với những thủ đoạn hết sức thâm hiểm, phản động nhằm xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành quả cách mạng; nguy hiểm hơn cả là chúng phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Chủ trương thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thực hiện diễn biến hòa bình chia rẽ đoàn kết nội bộ ta, làm lung lay ý chí, tha hóa nhận thức của cán bộ, đảng viên từ đó dẫn đến những thay đổi về đường lối, chính sách – những biểu hiện của chuyển hóa chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở nước ta sang một qũy đạo khác. 

Từ bài học thực tiễn sụp đổ các nước XHCN ở Đông Âu và Liên Xô đã chứng minh, khi Đảng Cộng sản mất vai trò lãnh đạo đối với xã hội sẽ là khâu đột phá trong chiến lược chống chủ nghĩa xã hội, là đòn tiến công quyết liệt và quyết định làm tan rã chế độ và hệ thống XHCN. Vì vậy, các thế lực thù địch đang hàng ngày, hàng giờ tung ra nhiều tài liệu, bài viết, các ấn phẩm phản động, dựng chuyện, làm giả công văn giấy tờ, đơn nặc danh tới các cơ quan công quyền để khiếu nại tố cáo...tán phát ở khắp nơi thông qua nhiều phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt  thông qua mạng Internet. Đây là một hình thức chống phá cực kỳ nguy hiểm. 

Bởi vì, Internet có ưu thế vượt trội là: chứa đựng rất lớn lượng thông tin; tốc độ truyền tin nhanh, chuyển tải đơn giản, vừa thỏa mãn nhu cầu nghe - nhìn - đọc lại thỏa mãn sự tò mò, tác động nhanh vào giác quan của mỗi cá nhân. Lại tạo được niềm tin ban đầu vì ít nhiều đóng vai trò của một cơ quan báo chí cung cấp thông tin nhanh nhạy; nội dung phát tán trên diện rộng, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh và khắc phục. Bên cạnh đó việc truy nhập các kênh thông tin độc hại trên Internet rất dễ dàng nhưng đến nay chưa có biện pháp ngăn chặn tích cực và triệt để từ các cơ quan quản lý an ninh mạng. Nhiều khi chỉ cần khởi động máy tính hoặc điện thoại thông minh có chức năng kết nối Internet các luồng thông tin độc hại đã hiện ra để lôi cuốn người đọc. Điều đáng lo ngại là phần lớn số người truy cập này lại là thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên, hoặc giới trẻ. 

Lợi dụng hệ thống thông tin mạng toàn cầu World Wide Web (WWW) - đây là hệ thống thông tin lớn nhất thế giới, các thế lực thù địch, phản động nước ngoài đã tập trung xây dựng rất nhiều các trang thông tin có nội dung xấu độc, nhằm lôi kéo, kích động, xuyên tạc, bóp méo sự thật để chống phá Đảng, chế độ và Nhà nước ta. Các trang tin này được thiết kế sử dụng tiếng Việt, với nhiều hình thức thông tin với tên bài “nhạy cảm” có tác dụng thu hút người dân trong nước truy cập vào, để rồi sau đó xen lồng vào các thông tin phản động, chống đối. 

Thư điện tử (email) là một dạng dịch vụ phổ biến đối với người sử dụng Internet, có hàng tỷ thư điện tử được truyền đi qua Internet mỗi ngày, vậy nên các đối tượng phản động triệt để lợi dụng danh sách thư điện tử gửi các tài liệu chống đối ta với số lượng rất lớn. Gần đây trên mạng Internet xuất hiện một số trang thông tin điện tử (Website) tiếng việt như: Website của một số cơ quan thông tin chính thức nước ngoài; Website của nhóm người Việt phản động lưu vong ở nước ngoài; Website của một số cơ sở dịch vụ công nghệ thông tin và bưu chính viễn thông nước ngoài. Hay lợi dụng các trang mạng xã hội như facebook, zalo, youtube… để tung, chèn, những thông tin, hình ảnh mang nội dung sai trái, phản động nhằm chống phá Đảng và chế độ. 

Theo GS, TS Hoàng Chí Bảo: “Việc hiến định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội trong hiến pháp năm 2013 là một tất yếu lịch sử, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Bởi nó xuất phát từ bản chất, vai trò, uy tín của Đảng, được nhân dân tin tưởng, lựa chọn và ủy thác. Đó là điều không thể bác bỏ!” [1]. Bản Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội khóa XIII thông qua là sự kết tinh trí tuệ và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, thực sự thể hiện được lợi ích, quyền lực, ý chí của toàn dân đối với chính thể dân chủ. Trong đó tại Điều 4, chương I (Về chế độ chính trị) của Hiến pháp đã hiến định vai trò của Đảng, khẳng định địa vị pháp lý của Đảng cầm quyền, đảm nhận trọng trách lịch sử mà dân tộc và nhân dân giao phó – đó là Đảng Cộng sản Việt Nam – lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Việc khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội là một thực tế khách quan, một tất yếu lịch sử. Bởi vì mục tiêu mà Đảng và dân tộc ta theo đuổi, phấn đấu đó là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Chúng biết rằng sức mạnh của Đảng ta và chế độ XHCN là sự thống nhất, gắn bó giữa Đảng với Nhà nước và nhân dân. Điều này đã được lý luận về chính đảng cũng như thực tế lịch sử dân tộc và cách mạng nước ta chứng minh.

Các thế lực thù địch lập luận rằng: “kinh tế tư nhân không cần Đảng lãnh đạo; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không có sự lãnh đạo của Đảng sao vẫn hoạt động hiệu quả, còn các doanh nghiệp nhà nước do Đảng lãnh đạo thì làm ăn, yếu kém, thậm chí thua lỗ…”; do đó họ lớn tiếng đề nghị - Đảng nên lãnh đạo theo kiểu “mới” để làm sao “vừa có lợi cho dân tộc, vừa có lợi cho Đảng”. Tức là, họ cố ý đem lợi ích của Đảng đối lập với lợi ích của quốc gia, dân tộc. Thực chất những quan điểm thù địch này là thủ đoạn thâm độc, nham hiểm nhằm đối lập Đảng với Nhà nước và nhân dân, dọn đường cho sự hình thành tư tưởng “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” để vô hiệu hoá vai trò lãnh đạo của Đảng. 

Với quan điểm “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”, chúng cho rằng đa nguyên, đa đảng bao giờ cũng tốt hơn nhất nguyên, một đảng, chúng tuyên truyền rằng  “sự lãnh đạo của một đảng duy nhất là không dân chủ, là độc tài”. Lợi dụng đường lối chính sách đổi mới kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng và nhà nước ta chúng lại giải thích theo cách: Thích ứng với nền kinh tế “đa nguyên” thì không thể “nhất nguyên chính trị”, “không thể duy trì sự lãnh đạo của một đảng duy nhất”. Với cách diễn đạt đó một số kẻ xấu đã luôn đánh giá một cách chủ quan, phiến diện và bộc lộ cái đuôi phản động, thực ra là đóng vai những học giả “giả tạo” lớn tiếng nhấn mạnh “nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô là do thực hiện nhất nguyên một đảng”. Rồi áp đặt nguyên nhân kéo dài tình trạng đói nghèo ở Việt Nam “là hậu quả của chính sách cai trị độc tài của Đảng Cộng sản Việt Nam, là do Đảng Cộng sản Việt Nam yếu kém trong lãnh đạo để nảy sinh tham nhũng…”, nên “phải xoá bỏ điều 4 ghi trong hiến pháp về quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với cách mạng Việt Nam”. 

Lợi dụng mạng Internet, các thế lực thù địch đưa tràn lan lên mạng với vô số loại thông tin bịa đặt. “Lập các trang web, trang blog, kích động người dân, xuyên tạc nhằm chia rẽ nội bộ Việt Nam, giả là người trong nước để lên tiếng chỉ trích tất cả”. Trong lúc đó chúng ta thiếu chủ động, không kịp thời cung cấp thông tin đúng đắn, chính xác cho đại đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân, ,… dẫn tới băn khoăn, thắc mắc của cán bộ, đảng viên và người dân. Điều này đã làm gia tăng những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng, chế độ có mặt bị giảm sút.

Những vấn đề trên đây không phải cho đến nay các thế lực thù địch mới tiến hành mà chúng đeo đuổi hàng chục năm nay. Mưu toan bao trùm của các tư tưởng thù địch, sai trái là nhằm xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, thay đổi mục tiêu và đường lối phát triển đất nước và cuối cùng là “phủ định” định hướng XHCN ở nước ta. Do đó, cần tỉnh táo nhận diện đúng, cảnh giác và vạch trần âm mưu thủ đoạn của địch, không để bị động, bất ngờ hay hoảng hốt trước sự tấn công trên mặt trận chính trị, tư tưởng; bình tĩnh xem xét, phân tích và nhận rõ những vấn đề trọng tâm, trọng điểm mà các thế lực thù địch đang ra sức chống phá. Cần phân biệt các quan điểm sai trái với các thư, ý kiến phát biểu, kiến nghị của một số cử tri có ý thức tổ chức, tâm huyết với đất nước….Chủ động có giải pháp đúng đắn để ngăn chặn phòng, chống và vô hiệu hoá mọi thủ đoạn tung tin, truyền bá những quan điểm thù địch, sai trái trên mạng Internet nhằm tạo ra khả năng “miễn dịch” cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ - đây là vấn đề cực kỳ quan trọng ảnh hưởng đến sự sống còn của Đảng, của chế độ ta trong tình hình hiện nay. 

Để phòng chống có hiệu quả thực trạng nêu trên, theo PGS, TS Đào Duy Quát kiến nghị nên có một “tư lệnh” trong cuộc chiến thông tin này. Tuy nhiên, báo chí tuyệt đối không được “chạy theo thông tin xuyên tạc, bịa đặt trên mạng” mà phải vào cuộc với sự tỉnh táo, trách nhiệm. Các cơ quan Nhà nước phải làm tốt công việc là vai trò người phát ngôn, cung cấp thông tin chính thống, chính xác, nhanh nhạy và liên tục. Đồng thời, “Cần phải có một cơ chế cung cấp thông tin thật nhanh và chính xác cho báo chí trong nước. Các phương tiện truyền thông trong nước phải đưa thông tin thật nhanh nhạy, hấp dẫn, bổ ích để đáp ứng nhu cầu bạn đọc. Khi công chúng được đáp ứng đủ nhu cầu thông tin thì họ không cần phải tìm kiếm ở bên ngoài”.

Đối với đảng viên, cần gương mẫu chấp hành 19 điều đảng viên không được làm, trong đó chú trọng các điều liên quan đến phát ngôn. Đây cũng là vấn đề thời gian qua, còn một số cán bộ, đảng viên vi phạm. Trong đó, đáng chú ý có cả phát biểu của cán bộ cấp cao về kinh tế thị trường, hoài nghi về con đường xã hội chủ nghĩa, gây phân tâm trong cán bộ, đảng viên, bị nhiều đài, báo nước ngoài lợi dụng, xuyên tạc. Không ít cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đúng tính chất nguy hiểm của “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ; thậm chí có người còn phụ họa theo những quan điểm sai trái. Sinh thời, Lênin từng căn dặn: “Không có kẻ thù nào, dù là hung bạo nhất có thể chiến thắng được những người cộng sản, ngoại trừ chính họ tự tan rã, chính những lỗi lầm của họ và họ không kịp sửa chữa”. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4 (khóa XI) cũng nhấn mạnh: “Chủ động phòng ngừa, đấu tranh phê phán những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng”. Những biểu hiện sai lệch trên mạng xã hội cần được cảnh báo và xử lý./.

Đặng Công Thành 
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng


Tài liệu tham khảo:
1.Hoàng Chí Bảo – “Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội điều không thể bác bỏ” Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội.2014.

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất