Chủ Nhật, 17/11/2024
Thế giới
Thứ Năm, 14/1/2010 16:39'(GMT+7)

Không thể cải tổ các cơ quan tình báo Mỹ

Việc thu thập thông tin tình báo giống như trò mèo vờn chuột. Và Tổng thống Obama đã hứa làm cho mèo mạnh hơn, nhanh hơn và thông minh hơn. Nhưng cuối cùng, có phải ông đã đưa ra một giải pháp thực sự nhằm thuần hoá chuột?

Trong một bài diễn văn dài 13 phút đọc tại phòng ăn chính của Nhà Trắng, Tổng thống Obama không muốn nhấn mạnh đến trách nhiệm sau âm mưu khủng bố chống lại chuyến bay Northwest 253 Amsterdam-Détroit hôm 25/12. Ông chỉ nói tới “thất bại liên tiếp” và khước từ một chuỗi các giải pháp nhằm cảnh báo các âm mưu khác dạng trên: cải thiện công nghệ kiểm soát an ninh sân bay, sử dụng các thiết bị chính xác để theo dõi các đối tượng đặc biệt và mở rộng diện giám sát đối với những đối tượng tiềm năng trở thành những kẻ khủng bố. (Trong số danh sách cần giám sát, chúng ta có thể kể ra danh sách cấm bay).

Ông Obama đã nhấn mạnh, theo đánh giá của cơ quan tình báo, vụ khủng bố bằng bom bất thành trên không phải là một sự kiện 11/9 khác. Các quan chức tình báo đã có khá nhiều thông tin về Umar Farouk Abdulmutallab, trước khi hắn lên máy bay tại Amsterdam và cố gắng kích nổ một quả bom khi bay đến Detroit. Vấn đề không phải là do thiếu trao đổi thông tin tình báo, mà là các cơ quan tình báo “đã không liên kết được các thông tin trên và hiểu chúng”. Các cơ quan tình báo có đầy đủ các yếu tố, song không chắp nối lại.

Ba dấu hiệu đặc biệt rõ nét đáng lẽ đã phải làm họ lo ngại. Thứ nhất, chính cha của Abdulmutallab đã đến Đại sứ quán Mỹ tại Nigêria vào tháng 11 để cảnh báo rằng con trai họ đã trở thành một phần tử Hồi giáo cực đoan và rằng có thể anh ta ẩn náu ở Yêmen. Thứ hai, một người Nigêria cung cấp một bản báo cáo không rõ ràng nhắc tới một vụ khủng bố có thể xảy ra từ Yêmen. Thứ ba là việc tổ chức al Qaida tại Bán đảo Arập cảnh báo không chỉ phá hoại lợi ích của Mỹ tại Yêmen mà cả ở trên lãnh thổ Mỹ. (Một trong những yếu tố làm lúng túng đó là Bộ Ngoại giao Mỹ không nhận thấy là Abdulmutallab đã có thị thực hợp lệ vào Mỹ do một lỗi chính tả trong đánh vần tên của hắn). Chính ông Michael Leiter, Giám đốc Trung tâm Chống khủng bố quốc gia Mỹ (NCTC) là người đã bị chỉ trích do không thấy mối liên quan giữa các thông tin trên. Cũng thật dễ hiểu: NCTC là cơ quan có nhiệm vụ tổng hợp và phân tích các dữ liệu thu được từ 16 cơ quan tình báo Mỹ, trong đó có Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), Cục Điều tra liên bang (FBI), Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA). Mặt khác, một bài báo của tờ New York Daily News đã tiết lộ rằng ông Leiter đã từ chối rời khu trượt tuyết nơi ông đang nghỉ sau khi biết âm mưu khủng bố. Điều này đã đổ thêm dầu vào lửa.

Tổng thống Obama đã cố gắng giảm thiểu chỉ trích. Theo các cố vấn của ông Obama, ông Leiter đã làm việc với chính quyền trung ương và các cơ quan khác. Theo đó, từ nay ông chỉ được đi nghỉ sau khi đã tham vấn Nhà Trắng. Chúng ta không thể khiển trách NCTC nữa. Trong cuộc họp gấp sau bài diễn văn của tổng thống, Cố vấn chống khủng bố của Mỹ John Brennan đã bày tỏ mong muốn nhận toàn bộ trách nhiệm về thất bại này: “kết cục, chính tôi chịu trách nhiệm (…) Khi hệ thống suy yếu, đó chính là lỗi của tôi”.

Cùng lúc, ông Obama đã bác bỏ những chỉ trích mà theo đó ông không coi trọng an ninh quốc gia. Phó chủ tịch uỷ ban điều tra vụ 11/9 đã bày tỏ mối lo ngại, trong đó chê trách vị tổng thống dễ dãi. Việc kiểm tra lần lượt vai trò của nhiều cơ quan bắt đầu từ đâu, từ một bài diễn văn của tổng thống, từ buổi họp khẩn cấp với hai vị cố vấn hàng đầu và một cuộc tranh cãi trên trang web Facebook với Trợ lý Cố vấn An ninh Quốc gia Denis McDonough. Phó Tổng thống Dick Cheney đã chê trách tổng thống bởi vì ông đã không sử dụng từ “chiến tranh” khi nói tới cuộc chiến chống khủng bố. Lần này, ông Obama đã sử dụng từ này hai lần: “Chúng ta đang ở trong một cuộc chiến tranh. Chúng ta đang ở trong một cuộc chiến tranh chống al Qaida”.

Xử lý thông tin là một nhiệm vụ khó khăn. Điều này ông Obama đã dám nói, nhưng điều này cũng đã xuất hiện trong báo cáo phân tích của Nhà Trắng. Trong hàng triệu mẩu tin do 16 cơ quan tình báo thu thập được, không có một thông tin nào có thể đối chiếu với ba hay bốn thông tin trong số chúng để có thể kết luận rằng cần phải hành động. Thật đúng là nói thì dễ hơn làm. Ông xác nhận là các bộ phận khác của hệ thống tình báo đã hoạt động. Abdulmutallab nằm trong danh sách cơ sở dữ liệu về khủng bố (TIDE). Cảnh sát biên phòng được thông báo rằng hắn đang xuất phát đến Détroit; họ dự kiến sẽ hỏi cung hắn ngay khi đến.

Nhưng những cảnh báo-chuyến thăm Đại sứ quán Mỹ của bố kẻ khủng bố, cũng như các báo cáo về mục tiêu khủng bố của một người Nigêria-đã không đủ để phát động quá trình cấm bay đối với những kẻ nằm trong danh sách TIDE. Hệ thống cảnh báo đã không nhạy cảm. Như nhà báo Spencer Ackerman đã giải thích, đây không phải là một thất bại ở cấp các cơ quan tình báo mà là ở các thủ tục.

Ông Obama đã hứa điều trên. Việc phân tích dữ liệu sẽ được thúc đẩy. Các cơ quan đặc biệt sẽ xử lý các trường hợp cá nhân. Danh sách cấm bay đã được liệt kê dài thêm. Các cơ quan đặc biệt sẽ cần phải nâng cao cảnh giác. (Từ nay, bằng mọi cách). Ông Obama nói thêm: “chắc chắn không có giải pháp nào tuyệt đối”. Không có một phương tiện theo dõi nào quán xuyến hết mọi ngả đường mà CIA bủa vây, như ngài tổng thống đã ra lệnh cho họ, cho dù các nguồn tin sẵn sàng phục vụ họ. Không một ai có đôi đũa thần cả.

Chính bởi thế mà từ lâu ông Obama nhấn mạnh rằng chiến dịch chống khủng bố sẽ đi xa hơn là việc bắt giữ những kẻ nghi ngờ tại sân bay. Nhiệm vụ này bao gồm ngăn chặn ngay từ trong trứng nước để chúng không trở thành những kẻ khủng bố. Tổng thống Obama đã tuyên bố: “Chính vì vậy, Mỹ cần phải đưa ra thông điệp rõ ràng đến tất cả những người Hồi giáo trên thế giới để thuyết phục họ rằng al Qaida không thể mang lại cho họ gì khác ngoài một con đường bất hạnh, chết chóc không lối thoát-cộng với những yếu tố khác tạo thành các vụ giết hại những người đồng đạo. Trong khi nước Mỹ là của những người yêu chuộng công lý và tiến bộ”. Đây chính là bức thông điệp mà ông đã đọc trong bài diễn văn tại Cai-rô khi nói về châu Mỹ và thế giới Hồi giáo. Chánh văn phòng Nhà Trắng Rahm Emanuel đã tuyên bố với tờ New York Times Magazine: Nếu bạn hỏi Tổng thống Obama rằng đâu là những sáng kiến chính mà ông ấy đã sử dụng để chống lại chủ nghĩa khủng bố trong năm đầu tiên nắm quyền, bài diễn văn tại Cai-rô sẽ là một trong ba câu trả lời đầu tiên”.

Điều này không quên làm cho Phó Tổng thống Dick Cheney và những người của ông căm phẫn. Tuy nhiên, sau một âm mưu khủng bố đã chứng minh rằng ngay cả một con mèo được đào tạo tốt, được cung cấp thông tin đáng tin cậy và được trả lương cao cũng có thể mắc lỗi, ý tưởng thuần hoá chuột cũng bắt đầu trở nên hấp dẫn…

Thái Hà Theo báo SLATE.fr  (Bài dịch)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất