Theo một đài nước ngoài, những ngày vừa qua đã có “bạo loạn” của người Mông ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên (MNĐB). Thực chất của việc này thế nào?
Căn cứ vào số liệu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nước ta thì huyện Mường Nhé là một trong những huyện nghèo, nằm trong 62 huyện đang được Nhà nước hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, theo Nghị quyết 30a của Chính phủ (năm 2008). Huyện Mường Nhé có tới 13 dân tộc sinh sống với 52.684 người. Người Mông có 36.811 người, bao gồm cả trẻ em và người già!
Ông Giàng A Dình, người địa phương cho biết, sự việc diễn ra từ ngày 30/4/2011, khi một số người Mông trên địa bàn huyện và một vài nhóm người Mông ở ngoài tỉnh nghe theo một số người xúi giục kéo về Mường Nhé tham gia vụ việc đòi tự do tín ngưỡng và đòi thành lập “Vương quốc Mông riêng" nhưng đã bị công an ngăn chặn và người dân đã trở về nhà”.
Những ai thật sự quan tâm đến các quyền và lợi ích thật sự của người Mông thì phải trả lời câu hỏi: Liệu người Mông có thể thành lập được “Vương quốc” của mình không? Và nếu họ không thể làm được điều đó thì những kẻ gây ra vụ việc ở Mường Nhé là nhằm mục đích gì?
Để trả lời câu hỏi, liệu người Mông có thể thành lập được Vương quốc riêng của mình hay không, chúng ta hãy tham khảo một số thông tin về dân tộc này.
Người H’Mông, còn gọi là người Hmông, người Mông, người Hơ-mông, người Miêu (ở Trung Quốc), người Mèo (ở Việt Nam). Tên gọi phổ biến hiện nay ở Việt Nam là người Mông. Quê hương của họ là những vùng núi cao ở phía nam Trung Quốc (đặc biệt là Quý Châu) cũng như các khu vực miền bắc của Đông Nam Á (bắc Việt Nam và Lào). Ngày nay, người Mông sống ở Trung Quốc nhiều nhất, họ tạo thành nhóm dân tộc lớn thứ 5 trong số 56 dân tộc được chính thức công nhận ở Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Ở Việt Nam, người Mông có 1.068.189 người, xếp sau người Kinh, Tày, Thái, Mường, Khơ-me… Người Mông sống du canh, du cư, có bản sắc văn hóa độc đáo, được các thế hệ người Mông trân trọng gìn giữ. Cũng như nhiều dân tộc khác, người Mông là một dân tộc thiểu số, họ sống tản mát trên nhiều quốc gia, Tổ quốc của họ là nơi họ định cư. Theo nhiều nhà nghiên cứu, việc người Mông đòi thành lập Vương quốc riêng mới chỉ đặt ra trong nửa sau thế kỷ XX, sau khi vấn đề dân chủ, nhân quyền được Liên hợp quốc đặt ra và Hoa Kỳ sử dụng nó như một chính sách, chiến lược để can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia, nhất là các nước XHCN, trong đó có Việt Nam.
Ở Việt Nam, Lào, những kẻ đòi thành lập Vương quốc Mông bắt nguồn từ thời kỳ Mỹ tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam (1954-1975). Cơ sở chính trị của lực lượng này là “Vàng Pao”- ngụy quân, người Mông ở Lào. Chúng có căn cứ khá vững chắc ở Loong Chẹng (Lào). Đây là lực lượng quân sự chủ chốt của quân ngụy ở Lào. Sau khi chiến tranh kết thúc, lực lượng Vàng Pao và một số người nhẹ dạ đã đi theo chúng di tản sang Thái Lan, rồi có một bộ phận đi định cư ở Mỹ. Bộ phận này vẫn nuôi hận thù với Nhà nước Việt Nam và Lào. Chính họ đã được lực lượng cực đoan về dân chủ, nhân quyền Mỹ lợi dụng, thông qua việc đòi thành lập Vương quốc Mông để can thiệp vào công việc nội bộ của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam và Lào.
Người Mông ở Việt Nam, trong suốt chiều dài lịch sử là một dân tộc đã có nhiều đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sống hòa thuận với 53 dân tộc anh em khác. Do tập tục du canh, du cư, nên địa bàn sinh sống của họ không cố định. Người Mông sinh sống trên 62 tỉnh, tập trung hơn cả là các tỉnh vùng Tây Bắc, Đông Bắc kéo dài tới Nghệ An. Những thập kỷ gần đây, đồng bào Mông di cư tự do tới nhiều tỉnh ở Tây Nguyên… Và cũng vì những lý do trên đời sống của đồng bào Mông còn gặp nhiều khó khăn. Cho đến năm 1960, người Mông chưa có chữ viết. Nhu cầu thực sự của đồng bào là giảm nghèo, cải thiện đời sống vật chất tinh thần. Chữ viết mà ngày nay người Mông đang học và sử dụng trong các văn bản là do Chính phủ Việt Nam giúp đỡ sáng tạo nên.
Đồng bào Mông không có tôn giáo riêng của mình. Một bộ phận dân tộc Mông theo đạo Tin Lành. Thế nhưng vài thập kỷ gần đây “đạo Vàng Chứ” phát triển nhanh chóng. Có một số nhà nghiên cứu trực tiếp tìm hiểu “đạo Vàng Chứ” cho biết, đó chỉ là sự mô phỏng đạo Tin Lành mà thôi... Tên đạo Vàng Chứ xuất phát từ nguyên gốc có nghĩa là Vương Chủ. Nghĩa là vua của người Mông. Vào năm 1978, đài phát thanh châu Á tự do, có trung tâm phát sóng ở nước ngoài, bắt đầu phát chương trình tuyên truyền về “đạo Vàng Chứ”. Chính từ đây mà đạo này phát triển.
Các nghiên cứu về lịch sử hình thành các quốc gia-dân tộc trên thế giới cho thấy, điều “cần" cho sự ra đời của một quốc gia-dân tộc bao gồm: Một khu vực địa lý đủ lớn, ổn định lâu dài làm nơi định cư của đồng bào; Một thị trường kinh tế tương đối phát triển làm cơ sở cho đời sống của cư dân; Một trình độ phát triển tương đối cao về văn hóa, trước hết là về ngôn ngữ (tiếng nói, chữ viết riêng)… Điều kiện “đủ” cho việc ra đời của một quốc gia là phải có một lực lượng chính trị có đủ tư cách về chính trị, đạo lý đại diện cho dân tộc mình. Và đương nhiên về mặt pháp lý nếu là một dân tộc muốn tách khỏi một quốc gia-dân tộc mà họ đang sinh sống, thì phải được Nhà nước đó chấp thuận.
Đối chiếu những tiêu chí trên với thực trạng sinh sống của đồng bào Mông hiện nay, những người có tư duy khách quan có thể khẳng định rằng không thể có chuyện thành lập “Vương quốc Mông” được. Việc đòi thành lập Vương quốc riêng, đòi “tự do tín ngưỡng” chỉ là thủ đoạn chính trị của một nhóm người Mông quá khích bị các thế lực nước ngoài lợi dụng. Âm mưu của chúng là kích động tình cảm dân tộc, sự thiếu hiểu biết của đồng bào để gây mất ổn định nhằm phá hoại công cuộc đổi mới của Việt Nam.
Nếu không thể thành lập được “Vương quốc” riêng, thì việc một số đồng bào Mông nghe theo kẻ xấu, tụ họp đông người gây rối trật tự trị an chỉ phục vụ cho lợi ích của một số rất ít người gắn liền với các thế lực thù địch với Cách mạng Việt Nam muốn lợi dụng tình hình để gây mất ổn định chính trị. Việc này không đem lại lợi ích gì cho người Mông, trái lại chỉ làm tổn thương đến tình đoàn kết của đại gia đình các dân tộc Việt Nam, phá hoại công cuộc đổi mới của đất nước và cho chính dân tộc Mông mà thôi.
(Trung Nguyên/QĐND)