Thứ Hai, 23/9/2024
Pháp luật
Chủ Nhật, 3/4/2011 14:44'(GMT+7)

Giám sát góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động tư pháp

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng chủ trì  Hội thảo.

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng chủ trì Hội thảo.

Như tin đã đưa, từ ngày 1-2/4, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương (BCĐ) tổ chức Hội thảo sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (NQ 49).

Hội thảo nhằm lấy ý kiến đóng góp của các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên cho Báo cáo sơ kết 5 năm triển khai thực hiện NQ 49.

Tổng cộng 10 tham luận và hơn 20 lượt ý kiến trao đổi tại Hội thảo.

Phiên làm việc sáng nay (2/4), các đại biểu đã tập trung thảo luận về tình hình thực hiện công tác giám sát của các cơ quan dân cử ở địa phương đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp.

Đại đa số  ý kiến đại biểu cho rằng, trong thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, việc tăng cường hơn nữa công tác giám sát của các cơ quan dân cử đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp là hết sức cần thiết bởi hoạt động giám sát góp phần đảm bảo cho chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước được thực thi nghiêm túc, hiệu quả.

Bên cạnh đó, hoạt  động giám sát của các cơ quan dân cử còn góp phần làm hạn chế những thiếu sót, bất cập và những biểu hiện tiêu cực có thể xảy ra đối với hoạt động tư pháp, nhất là hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.

Khẳng định những kết quả đạt được trong thời gian qua, nhiều ý kiến đại biểu cũng chỉ ra những hạn chế trong hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử như số lượng các cuộc giám sát chuyên đề của các cơ quan của HĐND đối với hoạt động tư pháp còn ít, chưa sâu, chưa toàn diện; chưa thực hiện giám sát các vụ việc cụ thể thuộc lĩnh vực tư pháp mà dư luận quan tâm…

Các ý kiến đại biểu đề xuất, để nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của các cơ  quan dân cử đối với hoạt động tư pháp trong thời gian tới, trước hết cần tập trung tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với hoạt động của các cơ quan dân cử.

Đi liền với đó là hoàn thiện hệ thống pháp luật về hoạt động giám sát của HĐND; tiếp tục hoàn thiện cơ cấu, tổ chức, phương thức hoạt động của HĐND, bảo đảm cho việc giám sát hoạt động tư pháp của HĐND có thực chất, có thực quyền; bảo đảm các điều kiện làm việc của các cơ quan dân cử phục cho hoạt động giám sát.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng, Phó Trưởng ban Thứ nhất BCĐ đề nghị, BCĐ tiếp tục tổ chức nghiên cứu, nhận diện rõ những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, đề xuất biện pháp giải quyết có tính khả thi, nhằm trước hết phục vụ sơ kết 5 năm triển khai thực hiện NQ 49 và để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ cải cách tư pháp trong các giai đoạn tiếp theo.

Phó Thủ  tướng Trương Vĩnh Trọng cũng đề nghị Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp các tỉnh và các cơ quan tư pháp địa phương ý thức rõ hơn trách nhiệm đối với công cuộc cải cách tư pháp; tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp ở địa phương, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.
 
(Theo: VGP News)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất