Ngày 20/4, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Phòng, chống mua bán người, Luật Kiểm toán độc lập và Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự.
* Bổ sung quy định thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự được Quốc hội thông qua ngày 29/3/2011 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2012. Luật đã thể chế hóa các chủ trương, đường lối, quan điểm về cải cách tư pháp đã được xác định trong các nghị quyết, văn kiện của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Luật tập trung sửa đổi, bổ sung những vấn đề mà trong quá trình thực hiện Luật gặp nhiều vướng mắc, bức xúc, bao gồm những nội dung cụ thể trong 16 chương của Luật.
Về nội dung xem xét lại quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, thực tiễn công tác giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao cũng đã phát hiện một số quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có sai lầm nghiêm trọng nhưng pháp luật tố tụng hiện hành cũng chưa có quy định về vấn đề xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Mặt khác, khoản 1 Điều 21 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân chỉ quy định Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm chứ không quy định quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là quyết định cuối cùng, do vậy cần thiết kế cơ chế đặc biệt khắc phục bất cập nêu trên. Do đó, khoản 52 Điều 1 của Luật đã bổ sung Chương XIXa quy định thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Theo đó, Điều 310a quy định về yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Điều 310b quy định về thủ tục và thẩm quyền xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
* Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội là đầu mối chính tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán
Luật Phòng, chống mua bán người gồm 8 chương, 58 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2012.
Luật xác định rõ những hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm: hành vi mua bán người theo quy định của Bộ luật hình sự và các hành vi trực tiếp liên quan đến việc mua bán người mà Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia liệt vào danh sách các hành vi buôn bán người để điều chỉnh một cách có đầy đủ, toàn diện các hành vi vi phạm trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người.
Bên cạnh việc xác định các nguyên tắc phòng, chống mua bán người, Luật cũng quy định rõ các chính sách của Nhà nước trong phòng, chống mua bán người; trong đó đáng chú ý là chính sách kết hợp phòng, chống mua bán người với việc thực hiện chương trình phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và các chương trình khác về phát triển kinh tế-xã hội.
Về tiếp nhận, xác minh nạn nhân, Luật xác định Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội là đầu mối chính tiếp nhận và hỗ trợ cho nạn nhân. Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho nạn nhân thì Luật cũng quy định trước khi đến với Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội, nạn nhân có thể được một số cơ quan khác tiếp nhận, hỗ trợ ban đầu trong trường hợp cần thiết như UBND cấp xã, cơ quan giải cứu, cơ quan, tổ chức khác.
Ủy ban Nhân dân cấp xã thực hiện việc hỗ trợ ban đầu các nhu cầu thiết yếu cho nạn nhân trong những trường hợp cần thiết và thông báo ngay với Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội. Trong thời hạn chậm nhất là 3 ngày, kể từ khi nhận được thông báo của Ủy ban Nhân dân cấp xã, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội thực hiện việc tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân và phối hợp với cơ quan công an cùng cấp xác định thông tin ban đầu về nạn nhân trong trường hợp nạn nhân chưa có giấy tờ, tài liệu chứng nhận nạn nhân.
* Luật Kiểm toán độc lập có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2012
Luật Kiểm toán độc lập có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2012, gồm 8 chương, 64 điều.
Luật quy định về nguyên tắc, điều kiện, phạm vi, hình thức hoạt động kiểm toán độc lập; quyền, nghĩa vụ của kiểm toán viên hành nghề, doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam và đơn vị được kiểm toán. Luật cũng quy định một số nội dung liên quan đến kiểm toán các đơn vị có lợi ích công chúng; quy định về xử lý vi phạm và giải quyết tranh chấp trong hoạt động kiểm toán độc lập.
Một số điểm mới của Luật Kiểm toán độc lập, bao gồm: quản lý nhà nước hoạt động kiểm toán độc lập, kiểm toán viên và kiểm toán viên hành nghề, điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán, nghĩa vụ của doanh nghiệp kiểm toán, nghĩa vụ của đơn vị được kiểm toán, kiểm toán các đơn vị có lợi ích công chúng, xử lý vi phạm và giải quyết tranh chấp.
Luật quy định cơ quan quản lý Nhà nước (Bộ Tài chính) cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán; thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán độc lập. Luật cũng quy định giao Bộ Tài chính hướng dẫn việc đăng ký và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề cho kiểm toán viên hành nghề.
Văn phòng Chủ tịch nước cũng đã công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự./.
(TTXVN)