Thứ Tư, 9/10/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 1/12/2010 21:5'(GMT+7)

Không thể dựa vào lợi thế tự nhiên mãi

Cải thiện năng suất lao động là việc cần làm ngay của VN

Cải thiện năng suất lao động là việc cần làm ngay của VN

Không thể lặp lại thành công

Thay mặt nhóm tác giả báo cáo ngày 30-11, giáo sư Michael Porter cho rằng khi nhìn vào năng lực cạnh tranh phải phân tích ở ba cấp độ. Về lợi thế tự nhiên như lực lượng lao động, tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý... VN đều có cả. Tuy lợi thế này có thể tạo mức độ của cải nhất định nhưng một quốc gia muốn tiến lên không thể chỉ dựa vào đó mà cần xây dựng năng lực cạnh tranh ở hai cấp độ còn lại là năng lực cạnh tranh kinh tế vĩ mô và vi mô.

“Xét tổng thể, hiện nay chúng ta vẫn đang dựa vào lợi thế tự nhiên chứ chưa tự tạo ra thế mạnh cho giai đoạn tiếp theo. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm tới và chiến lược mười năm tới về cơ bản chúng tôi thấy rất ổn nhưng nó chưa đủ tính cụ thể và chưa đề ra chiến lược thực hiện” - giáo sư Michael Porter nói. Theo giáo sư, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của VN cần nâng cao năng lực cạnh tranh chứ không chỉ tập trung vào tăng trưởng.

VN có lực lượng lao động chăm chỉ và chi phí thấp. Về cơ bản, những lợi thế đó đủ để đưa đất nước trải qua giai đoạn phát triển đầu tiên. Nhưng VN hiện đang đối phó với tình trạng năng suất lao động thấp, không mang lại nhiều giá trị gia tăng cho nền kinh tế, đồng thời ngày càng có nhiều áp lực cạnh tranh hơn.

Thực tế việc chỉ có công ty lớn không phải là cách xây dựng được một nền công nghiệp mang tầm cỡ thế giới. Ngược lại, chúng ta cần phát triển những nhóm doanh nghiệp hỗ trợ nhau, cung cấp thiết bị, phụ tùng cho nhau... VN rõ ràng là một câu chuyện thành công. Nhưng khi nhìn vào các dữ liệu, chúng ta thấy việc lặp đi lặp lại một thành công là điều không thể. Các công ty của VN phải nâng tầm cuộc chơi và có chiến lược cụ thể hơn.

Tạo môi trường bình đẳng

Báo cáo đưa ra một số khuyến nghị chính để nâng cao năng lực cạnh tranh của VN. Trước hết, tăng trưởng trong tương lai của VN phải tập trung vào tăng trưởng năng suất bền vững chứ không chỉ nhìn vào tỉ lệ tăng trưởng ngắn hạn. Chính phủ VN cần xác định vai trò mới cho mình để phù hợp với nền kinh tế năng động đang nổi và tạo dựng môi trường cân bằng hơn giữa các doanh nghiệp nhà nước, tư nhân và nước ngoài bình đẳng với nhau.

Về hành động cụ thể, báo cáo đề xuất VN cần xây dựng tính minh bạch về tài khóa của Chính phủ và doanh nghiệp nhà nước, tăng cường kỷ luật ngân sách, chính sách tiền tệ nhất quán và dễ tiên liệu, điều tiết thị trường tài chính, điều phối chính sách kinh tế vĩ mô tổng hợp theo thời gian chứ không đơn thuần giải quyết vấn đề trước mắt và thực hiện các sáng kiến dựa trên ý tưởng về phát triển cụm ngành.

Về chính sách, báo cáo cho rằng VN phải chú trọng vào việc giáo dục và đào tạo kỹ năng cho lực lượng lao động; cải thiện cơ sở hạ tầng cứng; quản trị doanh nghiệp nhà nước, thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng tăng cường thực hiện chứ không phải cam kết...

Theo giáo sư Michael Porter, khi nói về chiến lược kinh tế thì không bao giờ có một chiến lược duy nhất. “Điều tôi có thể nhấn mạnh là mô hình thành công của VN trong 15-20 năm qua sắp hết thời, chúng ta không thể tiếp tục kéo nhân lực từ nông nghiệp vào các ngành chế tạo nữa” - nhà chiến lược nhiều kinh nghiệm này nhấn mạnh.

Theo ông, VN cần mô hình phát triển mới và để tạo ra mô hình đó có ba chủ điểm: thứ nhất là ổn định kinh tế vĩ mô và giảm tối đa các mất cân đối vĩ mô, thứ hai là giải quyết các nút thắt cổ chai vi mô và thứ ba là xây dựng các năng lực cạnh tranh của VN./.

Theo tintuconline

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất