Thứ Tư, 9/10/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 30/11/2010 17:6'(GMT+7)

Bài học châu Âu và mô hình quản lý nợ công hợp lý

Sẽ là không thừa khi một lần nữa nhắc lại câu chuyện về gánh nặng “nợ công”. Vì làm sao để quản lý và sử dụng nợ có hiệu quả đang là vấn đề nóng với cả các nước giàu và các nước đang phát triển.

Sự thất bại của nền kinh tế Ireland - cũng một thời được xem là một hình mẫu tăng trưởng ở châu Âu - đã làm thức tỉnh về mối hiểm hoạ “có thực” xuất phát từ chính cách thức điều hành đất nước không hợp lý. Trường hợp của Ireland, do vậy,  khác với những số liệu “giả dối” kiểu Hy Lạp. Xin được nhắc lại rằng Hy Lạp vỡ nợ là do thủ thuật “tô hồng” những con số về thâm hụt ngân sách hòng sớm với tới giấc mộng hội nhập thành công trong Liên minh châu Âu. Với Ireland, các khoản nợ công có thể chưa tới mức khiến nền kinh tế này suy sụp, nhưng gây ra một cuộc khủng hoảng khác còn nguy hiểm gấp bội, đó là “khủng hoảng lòng tin” của thị trường vào năng lực của Chính phủ. Và kết cục là Ireland không thể trông chờ vào nguồn thu từ trái phiếu để bù vào lỗ hổng ngân sách.

Dĩ nhiên không phải giới chức Hy Lạp hay Ireland không lường trước được nguy cơ vỡ nợ, nhưng chính tâm lý ảo tưởng về sức mạnh quốc gia đã dẫn đến vay nợ tràn lan, các thế hệ đi trước thiếu trách nhiệm dẫn đến đầu tư quá trớn, và rồi năng lực thể chế yếu kém khiến nước này không thể trả được nợ. Bởi vậy, Ireland buộc phải cầu viện châu Âu và ngậm ngùi chấp nhận các khoản cứu trợ với điều kiện ngặt nghèo của Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế. Và một khi Chính phủ đã trở thành con nợ quá rách rưới thì làm gì còn chủ quyền tài chính quốc gia.

Nợ công của Hy Lạp và Ireland hoàn toàn có thể  gây ra những tác động dây chuyền kiểu domino lên toàn bộ châu Âu. Và những nền kinh tế mạnh nhất thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Đức... cũng có nguy cơ vướng vào cái bẫy “nợ công”. Nếu những nước này, với trình độ quản trị quốc gia tiên tiến, có nhiều kinh nghiệm mà vẫn có thể vướng vào khủng hoảng nợ nần, thì các  nước nghèo và các nước đang phát triển, vốn dựa rất nhiều vào “ngoại lực” để tăng trưởng, cần phải nghiêm túc xem lại thực trạng nợ nần của mình.

Điển hình như Argentina, quốc gia từng được Quỹ Tiền tệ quốc tế ngợi ca là mẫu mực về sự phát triển thần kỳ, giờ cũng lâm vào cảnh khốn khó của một “con nợ” do chính sách vay nợ nước ngoài thiếu kiểm soát. Rõ ràng đi vay nợ quá nhiều, đầu tư công quá lớn và quá dàn trải đang bộc lộ những mặt “hại” hơn là “lợi”. Các dự án đầu tư dài hạn bằng vốn vay ODA cần được giám sát chặt chẽ về điều kiện vay nợ, hiệu quả đầu tư, khả năng trả nợ.

Bài học thứ hai rút ra từ các con nợ lớn ở châu Âu là phải minh bạch trong vay và sử dụng các khoản vay. Các nước phương Tây xưa nay thường tự hào rằng họ có các thể chế tốt cho phép người dân có quyền tham gia và giám sát công tác điều hành của chính phủ. Song hàng loạt các cuộc biểu tình, đình công rầm rộ những ngày này thể hiện sự giận dữ của người dân châu Âu- những nạn nhân đã, đang và sẽ phải gồng mình đóng thuế để trả nợ của Chính phủ mà họ không được biết hoặc không được giải thích rõ ràng.

Về giám sát nợ công, yêu cầu lý tưởng được đặt ra là tất cả các cơ quan, các tổ chức ngoài nhà nước đều có quyền và trách nhiệm. Song tại nhiều quốc gia, mục tiêu chính trị vẫn có vai trò chi phối ngân sách nên việc tính nợ, giám sát nợ chưa được “độc lập”.

Tỉnh trạng khẩn cấp về nợ công trên thế giới đặt ra yêu cầu cho mỗi quốc gia là phải nhanh chóng thiết lập một chiến lược quản lý nợ công phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của mình. Nợ công không chỉ là nợ chính phủ mà bao gồm cả các khoản nợ của doanh nghiệp quốc doanh, các giao dịch vay nợ nước ngoài.

Cách đánh giá nợ công theo chỉ số tính trên tổng sản phẩm quốc nội cũng không phải thước đo chuẩn nhất. Vay nợ nhiều hay ít, có trả được nợ hay không phụ thuộc nhiều vào thực lực và triển vọng ổn định của kinh tế mỗi nước. Điều đó lý giải tại sao mức nợ hơn 100% GDP đã đủ đánh gục một nền kinh tế như Hy Lạp, nhưng tỷ lệ nợ lên tới hơn 200% vẫn được coi là “an toàn” trong trường hợp Nhật Bản.

Việt Nam đã có Luật quản lý nợ công, cơ sở pháp lý quan trọng để tiến tới một chiến lược quản lý nợ công hoàn chỉnh. Mức nợ công của nước ta, theo Bộ Tài chính, đến cuối năm nay sẽ là khoảng 56,7% GDP, được xem là vẫn trong ngưỡng an toàn. Song từ thực trạng Châu Âu,  đã đến lúc cần tính toán kỹ lưỡng về nợ nước ngoài và phải thận trọng khi tiêu từng đồng vốn đi vay để tránh tình trạng “cháy nhà mới lo dập lửa”./.

(Theo: VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất