Thứ Bảy, 21/9/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 15/3/2009 18:9'(GMT+7)

Không thể tách rời các nước đang phát triển

Các nhà lãnh đạo G-20 tại cuộc họp thượng đỉnh tháng 11-2008 ở Oa-sinh-tơn, Mỹ.

Các nhà lãnh đạo G-20 tại cuộc họp thượng đỉnh tháng 11-2008 ở Oa-sinh-tơn, Mỹ.

Trong bối cảnh khó khăn chung, con đường ngắn nhất để cùng thoát khỏi khủng hoảng là phối hợp chặt chẽ giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển.

Sự cân bằng tất yếu

Báo cáo mới đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chỉ rõ kinh tế thế giới khó phục hồi trong năm 2010 nếu các nước giàu không kịp thời giải quyết các khoản nợ xấu và có những cải cách trong hệ thống tài chính, ngân hàng. Trong khi đó, Ngân hàng thế giới (WB) cũng đã đưa ra dự báo thâm hụt thương mại sẽ ở mức lớn nhất trong 80 năm qua, một loạt khu vực kinh tế có mức tăng trưởng cao cũng bị giảm sút, thậm chí đã có cảnh báo về những dấu hiệu sớm của một cuộc đại suy thoái.

Theo Giám đốc điều hành IMF Đ.Xtrốt-can, viễn cảnh kinh tế thế giới sẽ sớm được kích hoạt trở lại vào giữa năm 2010 với điều kiện hệ thống ngân hàng được thanh lọc và các khoản nợ xấu được giải quyết. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang rơi vào khủng hoảng, khi các gói kích cầu của hàng loạt quốc gia phát triển được tung ra không thể thiếu sự phối hợp của các nước đang phát triển.

Về vấn đề này, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) R.Dô-ê-lích cho rằng, kinh tế toàn cầu năm nay vẫn suy giảm từ 1 đến 2%, tương ứng với mức khó khăn của thời kỳ đại suy thoái những năm 30 của thế kỷ trước. Để thoát khỏi khủng hoảng, ngoài các kế hoạch bơm tiền vào thị trường tài chính, cải tổ hệ thống ngân hàng, ông Dô-ê-lích còn chỉ ra rằng, nếu không có sự cân bằng giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển, cung cầu sẽ không đồng bộ, tiền cho các gói kích cầu sẽ không phát huy hết tác dụng, những lỗ hổng kinh tế sẽ ngày một lớn lên.

Sự phụ thuộc lẫn nhau

Cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài hơn dự kiến đã phá hoại các nỗ lực đối phó của các quốc gia trong cả lĩnh vực tài chính và thực thể kinh tế. Phạm vi ảnh hưởng đã nhanh chóng chuyển từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển. Do sự lạc hậu và thiếu thông tin từ các cuộc khủng hoảng, khả năng đối phó tại nhiều quốc gia đang phát triển lại không linh hoạt, và phải hứng chịu hậu quả nặng nề từ các đợt “sóng xung kích” của cuộc khủng hoảng. Trong khi kinh tế thế giới đang có xu hướng toàn cầu hóa, việc bảo vệ lợi ích cho các nền kinh tế của các nước đang phát triển an toàn và ngăn chặn được các tác động xấu từ cuộc khủng hoảng là điều tối quan trọng để giúp cả thế giới nhanh chóng thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu sắc, tài chính kinh tế của các quốc gia trên thế giới ngày càng gắn bó chặt chẽ với nhau. Các quốc gia phát triển cần nhận thức đầy đủ rằng, giảm thiểu các tác hại của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới tại các nước đang phát triển cũng chính là mang lại lợi ích cho chính họ. Các nước phát triển có thể sẽ sớm thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng và khôi phục nền kinh tế, nhưng một khi các nước đang phát triển rơi vào vùng lầy, sự khôi phục của các nước phát triển cũng sẽ vô cùng gian nan. Mối quan hệ không thể tách rời này đã cho thấy rõ thực tế, đồng thời với việc thoát khỏi thời kỳ khó khăn trong chính nước mình, các quốc gia phát triển còn phải quan tâm tới việc bảo vệ các nước đang phát triển.

Nói một cách cụ thể, các nước phát triển cần có trách nhiệm và nghĩa vụ với cộng đồng quốc tế, làm hết sức mình để giảm tới mức thấp nhất tác động của khủng hoảng tài chính tới các nước đang phát triển, giúp các nước đang phát triển tự bảo vệ mình và ổn định xã hội để tiếp tục tăng trưởng kinh tế. Các cơ cấu tài chính quốc tế cần có chính sách và biện pháp cụ thể giúp đỡ các nhu cầu của các nước đang phát triển. Cộng đồng quốc tế cần thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến trình xóa đói giảm nghèo tại các nước, đặc biệt ưu tiên cho những khu vực chưa phát triển.

Thực tế này đang dần trở thành hiện thực khi tới đây, tại Hội nghị thượng đỉnh G20, dự kiến diễn ra ngày 2-4 tới tại Luân Đôn (Anh), không chỉ có sự tham gia của các nhà lãnh đạo trong nhóm G20 mà còn có đại diện cấp cao từ nhiều nước, khu vực và tổ chức khác như Liên minh châu Âu (EU), Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Liên minh châu Phi (AU), cũng tham dự hội nghị. Với những nhận thức mới về vai trò của các nước đang phát triển, rất có thể cuộc khủng hoảng sẽ nhanh chóng được giải quyết theo chiều hướng tích cực./.

(Theo: Nguyễn Hoà/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất