Thứ Ba, 1/10/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 17/2/2012 19:29'(GMT+7)

Không thêm mới các khu công nghiệp, khu chế xuất

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải (giữa) chủ trì Hội nghị.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải (giữa) chủ trì Hội nghị.

Phát biểu tại đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị các bộ ngành và lãnh đạo địa phương phải đi sát, đi cùng nhà đầu tư, cùng chia sẻ khó khăn cũng như thành công của họ tại các khu công nghiệp, khu kinh tế.

Với 3 khu chế xuất, 12 khu công nghiệp trên địa bàn, TP HCM là địa phương có tổng vốn thu hút đầu tư vào các KCN, KCX lớn nhất cả nước với 7,8 tỷ USD, tạo việc làm cho khoảng 260.000 lao động, nộp ngân sách nhà nước năm 2010 đạt trên 3.100 tỷ đồng.

Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP HCM khẳng định: Các KCN trên địa bàn Thành phố đã góp phần quan trọng vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, theo ông Quân, nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp đang là vấn đề nóng, gây áp lực lớn cho sự phát triển của thành phố.

Ông Lê Hoàng Quân cho biết: “Có thể nói xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội gắn kết với xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp là yếu tố rất quan trọng. Thí dụ, bây giờ 1 KCN rộng khoảng 300 ha, bình quân khoảng 30.000 lao động. Thế mà chúng ta không có cơ sở trường học, y tế, trung tâm thương mại, không có khu vui chơi giải trí, rồi nhà ở cũng không có phải đi thuê nên diễn biến xã hội rất phức tạp. Tới giai đoạn này, trong chiến lược phát triển, việc quy hoạch các khu công nghiệp phải gắn liền với quy hoạch các khu đô thị để làm sao gắn kết, phục vụ cho công nhân”.

Cũng đánh giá cao vai trò của các KCN trong phát triển kinh tế, xã hội địa phương, ông Nguyễn Đức Hải, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Nam cho rằng, thành công lớn nhất khi Trung ương quyết định thành lập Khu kinh tế mở Chu Lai là đã giúp địa phương từ chỗ rất nghèo đến nay có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của tỉnh và cả khu vực miền Trung. Giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động, làm giảm sức ép nhập cư cho các thành phố lớn do hạn chế được dòng người di cư tìm việc làm.

Để phát triển bền vững các KCN, ông Nguyễn Đức Hải nêu kinh nghiệm: “Quan điểm của Quảng Nam là không để nhà đầu tư và người dân xung đột nhau. Tỉnh phải đứng ra giải quyết các vấn đề về mặt bằng. Giải phóng mặt bằng theo hướng có dự án đến đâu, giải phóng mặt bằng đến đó, không lãng phí đất đai. Giải phóng mênh mông ra mà không có nhà đầu tư thì mới có lỗi. Có dự án đến đâu giải phóng đến đó sẽ hạn chế thấp nhất mâu thuẫn, mặc dù có khó khăn về vốn khi giá thành mỗi thời điểm giải phóng mặt bằng khác nhau”.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện cả nước có 267 KCN, KCX, đóng góp khoảng 40% tổng vốn FDI, trên 30% giá trị xuất khẩu hàng năm và thu hút trên 1,6 triệu lao động trực tiếp. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của các Khu công nghiệp, Khu kinh tế còn bộc lộ một số mặt hạn chế như: Chất lượng quy hoạch chưa tốt, hiệu quả sử dụng đất chưa cao, ô nhiễm môi trường, đời sống vật chất và tinh thần của công nhân chưa được đảm bảo ...

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, sự phát triển của Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu kinh tế thời gian qua vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng tích tụ đất đai, vốn, cũng như chưa đáp ứng được các mục tiêu đề ra. Vì vậy, các định hướng và giải pháp trong thời gian tới cần tập trung vào 3 trọng tâm đột phá gồm: Đầu tư kết cấu hạ tầng, đào tạo lao động và hoàn thiện thể chế luật pháp để thực hiện mục tiêu đã đề ra: Thu hút thêm 3 tỷ USD cho hạ tầng Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu kinh tế; nâng tỷ lệ lấp đầy lên khoảng 70% và đạt tỷ lệ đóng góp giá trị sản xuất công nghiệp khoảng 50% vào năm 2015; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nhà ở và các hạ tầng xã hội thiết yếu cho người lao động và hoàn chỉnh các công trình kết cấu hạ tầng vào năm 2020..../.

(Theo: VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất