Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: “Chúng ta không vì mục tiêu kinh tế mà đánh đổi sức khỏe, tính mạng và sự an toàn của người lao động. Phát triển kinh tế phải gắn liền với bảo vệ môi trường, sức khỏe và tính mạng của người lao động”.
Sáng ngày 18/5 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động lần thứ nhất với chủ đề “Thúc đẩy công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh để phòng ngừa các tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp”.
Phát buổi tại lễ phát động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: “Chúng ta không vì mục tiêu kinh tế mà đánh đổi sức khỏe, tính mạng và sự an toàn của người lao động. Phát triển kinh tế phải gắn liền với bảo vệ môi trường, sức khỏe và tính mạng của người lao động”.
Trong năm 2016, cả nước xảy ra gần 8.000 vụ tai nạn lao động, làm hơn 800 người chết, gần 3.300 trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp; đã xảy ra 29 vụ cháy nghiêm trọng, làm 13 người chết, thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Tai nạn lao động, cháy nổ nghiêm trọng xảy ra cả trong khu vực doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, dịch vụ và cả trong khu vực phi kết cấu, để lại hậu quả nặng nề, lâu dài cho người lao động, gia đình và xã hội; ảnh hưởng rất lớn đến những nỗ lực phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư.
Kiến thức hạn chế về các yếu tố, nguy cơ mất an toàn từ công nghệ, thiết bị, hóa chất, nguyên vật liệu mới đang là những thách thức nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ. Bên cạnh đó, ý thức, kỷ luật lao động kém, chất lượng các thiết bị an toàn, phương tiện bảo vệ cá nhân chưa đáp ứng yêu cầu cũng là những điều đáng lo ngại.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Vấn đề đặt ra là chúng ta sẽ tập trung những hành động cụ thể nào? ở đâu? để kiểm soát các nguy cơ, rủi ro trong lao động; cải thiện điều kiện làm việc, không để xảy ra tai nạn, sự cố nghiêm trọng; hạn chế thấp nhất các tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc, đó chính là mục đích của Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động”.
Tại buổi lễ phát động, ông Chang Hee Lee, Giám đốc Văn phòng ILO Việt Nam cho rằng đối với người lao động và gia đình của họ, những tổn thất mà tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp gây ra nằm ngoài sức tưởng tượng của bất cứ ai. Bên cạnh đó, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cũng tác động không nhỏ đến người sử dụng lao động bởi gánh nặng chi phí đền bù, thay đổi nhân sự, giảm năng suất và tổn hại về uy tín.
“Chúng ta có thể phòng tránh được hầu hết những mất mát này. Nếu doanh nghiệp xây dựng kia quan tâm thêm đến hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, nếu các công nhân đều tuân thủ hướng dẫn an toàn, công trình xây dựng đó sẽ an toàn hơn rất nhiều”, ông Chang Hee Lee nói./.
(Vietnam+)