Thứ Ba, 26/11/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Tư, 27/7/2016 9:33'(GMT+7)

Khu Công nghệ cao Hòa Lạc: Cơ chế đặc thù - Giải pháp thu hút đầu tư

Quy hoạch Khu phần mềm Khu Công nghệ cao Hòa Lạc tỷ lệ 1/2000. (Ảnh: TTXVN)

Quy hoạch Khu phần mềm Khu Công nghệ cao Hòa Lạc tỷ lệ 1/2000. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 26/7, tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc họp liên quan đến việc ban hành Nghị định quy định cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu Công nghệ cao Hòa Lạc dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đại Dương báo cáo tóm tắt về dự thảo Nghị định cũng như nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Nghị định quy định cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy mạnh thu hút đầu tư.

Cần thiết ban hành cơ chế đặc thù

Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được xác định là “Trung tâm nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ cao tầm cỡ quốc gia, nơi ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm công nghệ cao.”

Thứ trưởng Phạm Đại Dương, Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc cho biết thực hiện quy hoạch, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có những chỉ đạo phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc theo đúng định hướng.

Tuy nhiên, Khu Công nghệ cao là mô hình mới chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam và Khu Công nghệ cao Hòa Lạc là Khu Công nghệ cao đầu tiên của Việt Nam nên quá trình xây dựng, phát triển cũng như những mục tiêu và sự kỳ vọng đưa Khu công nghệ cao Hòa Lạc trở thành động lực thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, thành phố khoa học, chưa đạt được như mong muốn và còn chậm, mặc dù thành phố khoa học Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã dần hình thành với những định hướng rõ nét.

Để Khu Công nghệ cao Hòa Lạc “bứt phá” phát triển theo các mục tiêu đề ra cần ban hành Nghị định quy định cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu Công nghệ cao Hòa Lạc để đảm bảo huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển, tránh lãng phí thời gian cũng như không làm mất cơ hội của quốc gia và của các nhà đầu tư tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Thứ trưởng Phạm Đại Dương nói.

Trải qua quá trình hơn 15 năm xây dựng và phát triển, các chính sách vĩ mô điều chỉnh hoạt động của Khu Công nghệ cao nói chung được hình thành tương đối đầy đủ nhưng thực tế Khu Công nghệ cao Hòa Lạc phát triển chậm không có sự “bứt phá,” Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban Quản lý dự án cùng các đơn vị liên quan đã đánh giá các kết quả đạt được, rút ra các bài học kinh nghiệm từ thực tế.

Theo đó, các khó khăn, vướng mắc và “rào cản” đối với sự phát triển của Khu Công nghệ cao cũng được nhận định một cách đầy đủ và khách quan, việc đề xuất các định hướng phát triển trong giai đoạn sắp tới của Khu Công nghệ cao cũng sát với thực tế hơn.

Xuất phát từ thực tế Khu Công nghệ cao Hòa Lạc không có sự “bứt phá” do những khó khăn, vướng mắc, do vậy cần ban hành Nghị định cơ chế đặc thù để thu hút các nhà đầu tư vào Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng Nghị định với nhiều điểm đổi mới, chủ động và tập trung vào công tác xây dựng thể chế; tăng cường quản lý, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước và chức năng thị trường, hạn chế và tiến tới xóa bỏ cơ chế xin-cho, tạo sự minh bạch thu hút các nhà đầu tư.

Giải pháp thu hút đầu tư

Đối với c hính sách ưu đãi đầu tư Khu công nghệ cao, Thứ trưởng Phạm Đại Dương cho biết trước đây Khu Công nghệ cao được áp dụng một số chính sách khuyến khích đầu tư tại Quyết định 53/2004/QĐ-TTg ngày 5/4/2004 của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, thực tế chưa có nhà đầu tư nào được hưởng các ưu đãi này do quá trình triển khai thực hiện chính sách gặp một số vướng mắc. Ngoài ra, một số ưu đãi trước đây chỉ áp dụng cho Khu Công nghệ cao nay đã được áp dụng chung cho một số địa bàn khác.

Vì vậy, cần quy định các chính sách ưu đãi đầu tư cho Khu Công nghệ cao Hòa Lạc một cách hệ thống và đầy đủ, đảm bảo vượt trội hơn các địa bàn khác và khả thi trong thực tiễn, đồng thời có giải pháp để xử lý ưu đãi cho các nhà đầu tư đã hoạt động trong Khu Công nghệ cao.

Theo đó, dự thảo Nghị định quy định cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu Công nghệ cao Hòa Lạc lần này gồm 6 Chương và 31 Điều tập trung vào việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sự phát triển của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và tạo điều kiện thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước, Thứ trưởng Phạm Đại Dương nói.

Dự thảo Nghị định quy định cơ chế, chính sách đặc thù sẽ tháo gỡ các vướng mắc trong thực thi pháp luật; việc quy định các cơ chế đặc thù thực sự có tác dụng giải phóng tiềm năng phát triển của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trong phạm vi hệ thống pháp luật hiện hành.

Đồng thời, việc quy định rõ thẩm quyền Ban quản lý và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong đầu tư, xây dựng, vận hành và quản lý theo phương châm ủy quyền tối đa để thực hiện hiệu quả cơ chế “một cửa” và "một cửa liên thông."

Dự thảo Nghị định cũng quy định các biện pháp khuyến khích, thu hút nguồn lực của Nhà nước đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, xác lập cơ chế để tạo nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ cao của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Đặc biệt, việc quy định về các ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, mức độ và hình thức ưu đãi phù hợp với từng đối tượng, hàm lượng tri thức và khoa học công nghệ; lấy mục tiêu nâng cao năng lực nội sinh về khoa học công nghệ của Việt Nam làm chủ đạo, không vì lợi ích kinh tế trước mắt để đảm bảo điều kiện cho các nhà đầu tư hoạt động hiệu quả, người lao động đến làm việc và sinh sống tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc yên tâm công tác và cống hiến.

Thứ trưởng Phạm Đại Dương nhấn mạnh: Các đề xuất trong dự thảo Nghị định quy định cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và tạo hành lang pháp lý trong hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan chuyên môn, Ban quản lý, các nhà đầu tư, doanh nghiệp có dự án đầu tư tại Khu Công nghệ cao với các nghĩa vụ tài chính về đất đai trong Khu, hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư (tiền thuê đất, tiền giải phóng mặt bằng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu...). Các cá nhân là chuyên gia, người lao động làm việc trong Khu Công nghệ cao cũng được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân, chính sách nhà ở, xuất nhập cảnh, cư trú...

Nghị định quy định cơ chế, chính sách đặc thù cho Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được xây dựng theo tinh thần kiến tạo và phục vụ vì sự phát triển của doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Đồng thời, xác định rõ vai trò và trách nhiệm của đơn vị quản lý nhà nước và doanh nghiệp.

Doanh nghiệp đầu tư tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được hưởng môi trường đầu tư thuận lợi, an toàn, thủ tục hành chính đơn giản, một cửa, tại chỗ và đặc biệt là chi phí đầu tư thấp nhất thông qua các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng…

Điều này cho thấy, các nội dung đề xuất về cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được đánh giá là đồng bộ và đầy đủ, có thể tháo gỡ toàn bộ các khó khăn vướng mắc từ trước đến nay, đảm bảo huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển, tránh lãng phí thời gian, không làm mất cơ hội của nhà đầu tư, tạo động lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển sang giai đoạn phát triển mới đó là phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất