Thứ Năm, 10/10/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 14/9/2010 10:8'(GMT+7)

Khu vực đầu tư nước ngoài: Xuất siêu đạt 1,59 tỷ USD

Dây chuyền sản xuất tại Công ty Tôn mạ màu Việt Pháp. Ảnh: Bá Hoạt

Dây chuyền sản xuất tại Công ty Tôn mạ màu Việt Pháp. Ảnh: Bá Hoạt

Theo thống kê, 8 tháng đầu năm, cả nước có 658 dự án ĐTNN mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký 10,79 tỷ USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm trước. Đây là kết quả khá trong bối cảnh kinh tế hiện nay, bởi tuy đời sống kinh tế quốc tế, nhất là tại các quốc gia là đối tác đầu tư lớn, đang trên đà hồi phục nhưng chưa thể như thời trước khủng hoảng; mặt khác, Việt Nam phải cạnh tranh với nhiều quốc gia khác trong việc gọi vốn ĐTNN. Cũng trong 8 tháng, có 143 dự án đăng ký tăng vốn với 787 triệu USD. Tính chung cả cấp mới và vốn tăng thêm, cả nước đã thu hút thêm 11,57 tỷ USD, bằng 87,7% so với cùng kỳ 2009. Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong các dự án đăng ký tăng thêm, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có số vốn tăng lớn nhất, với khoảng gần 640 triệu USD.

Vốn thực hiện 8 tháng đầu năm 2010 đạt 7,25 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ là đáng khích lệ. Kim ngạch xuất khẩu của khu vực ĐTNN đạt gần 24 tỷ USD, tăng 26,6%, cho thấy sức vươn rất mạnh mẽ có tính bứt phá của khu vực này. Trên thực tế, khu vực ĐTNN đã xuất siêu 1,59 tỷ USD, trong khi cả nước nhập siêu hơn 8 tỷ USD. Tính theo đối tác, đã có 47 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam trong 8 tháng. Các nhà đầu tư lớn lần lượt là Hà Lan với tổng vốn đăng ký 2,2 tỷ USD, Hàn Quốc 1,92 tỷ USD, Hoa Kỳ 1,87 tỷ USD... Số liệu trên cho thấy, nhìn chung những đối tác lớn, có tiềm lực tài chính vượt trội vẫn duy trì được hoạt động đầu tư ở Việt Nam và những dự án mới cấp phép được "dẫn luồng" theo định hướng dịch vụ và sản xuất công nghiệp.

Đáng lưu ý là nhiều quốc gia có sức mạnh về khoa học công nghệ, có trình độ quản trị doanh nghiệp đang dẫn đầu danh sách các nhà ĐTNN ở Việt Nam sẽ tạo ra nhiều cơ hội tiếp thu, giải ngân lượng vốn có chất lượng cao hơn. Nhiều nhà máy mới sẽ được triển khai thông qua việc nhập, vận hành dây chuyền sản xuất hiện đại, đặc biệt là công nghệ nguồn - công nghệ sạch, cho ra đời những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế. Những phương thức kinh doanh, dịch vụ tiên tiến, đáp ứng yêu cầu hội nhập sẽ giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên diện rộng, nhất là ở các đô thị lớn bảo đảm vai trò là đầu tàu kéo theo sự phát triển trên phạm vi vùng/khu vực.

Quy mô các dự án mới cấp phép trong 8 tháng qua khá lớn, thể hiện sự quyết tâm của nhà ĐTNN với mong muốn hoạt động lâu dài ở Việt Nam. Tiêu biểu như dự án Công ty TNHH Điện lực AES-TKV Mông Dương tổng vốn 2,1 tỷ USD. Dự án Công ty Sắt xốp Kobelco Việt Nam sản xuất phôi thép tại Nghệ An 1 tỷ USD. Dự án xây dựng, kinh doanh khu trung tâm hội nghị triển lãm, trung tâm thương mại và bất động sản tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 902,5 triệu USD. Dự án Công ty TNHH Posco SS-Vina tại Bà Rịa - Vũng Tàu 360 triệu USD...

Theo HNM

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất