Thứ Sáu, 4/10/2024
Sức khỏe
Thứ Sáu, 15/5/2009 13:24'(GMT+7)

Khuẩn tả trong ruột chó: Phát hiện đầu tiên trên thế giới

Lấy mẫu bệnh phẩm trên đàn chó được nhập khẩu từ Thái Lan về tại xã Thành Lộc, Hậu Lộc (Thanh Hoá). Ảnh: Anh Tuấn.

Lấy mẫu bệnh phẩm trên đàn chó được nhập khẩu từ Thái Lan về tại xã Thành Lộc, Hậu Lộc (Thanh Hoá). Ảnh: Anh Tuấn.

Những mẫu thịt chó, thậm chí phân chó có vi khuẩn tả, theo xét nghiệm ở thôn La và La Dương, xã Dương Nội, Hà Đông (Hà Nội) cho thấy, khuẩn tả đã lây lan rộng ra cộng đồng.

Một cán bộ y tế tham gia nghiên cứu ở Hà Nội cho hay: "Có tới 50%, thậm chí tới 70 - 80% vào thời điểm vào vụ dịch tả năm 2007 - 2008, người mắc tả đều ăn thịt chó. Và điều đặc biệt là hầu hết những người đầu tiên phát hiện mắc bệnh đều ăn thịt chó có nguồn gốc từ Dương Nội.  

Đây là địa điểm mà thịt chó từ Thái Lan chuyển qua biên giới, vào Hậu Lộc (Thanh Hoá) rồi chuyển tới. Chủng tả ở Thái Lan giống với chủng tả ở Việt Nam. Vì vậy, giả thiết đặt ra là có thể đây là ổ dịch. Quả nhiên, khi đoàn nghiên cứu đến lấy mẫu, đã nhanh chóng xét nghiệm và tìm ra vi khuẩn tả ở thịt chó chín, sống, nước rửa, thậm chí trong đường ruột chó. Việc tìm ra được dễ dàng vi khuẩn tả tại cơ sở giết mổ, kinh doanh tại đây cho thấy, mật độ lưu hành vi khuẩn tả đã khá lớn.  Việc kiểm tra cũng cho thấy, môi trường tại khu vực giết mổ chó ở Dương Nội rất bẩn, đặc biệt là khu vực chứa nước.

Khi khuẩn tả đã có trong đường ruột của chó nguy cơ lây lan mầm dịch bệnh sẽ rất lớn qua đường phân thải của chó phát tán ra môi trường. Nhưng vì sao vi khuẩn tả có thể sống trong cơ thể chó, mức độ độc lực của chủng tả ra sao, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư và Trung tâm Y tế dự phòng đang tiếp tục nghiên cứu.

Qua việc tìm ra vi khuẩn tả trong thịt chó ở Hà Đông, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các quận/huyện tập trung vào kiểm tra các cơ sở giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm nói chung, đặc biệt là thịt chó. Nếu phát hiện cơ sở kinh doanh thịt chó không rõ nguồn gốc, các cơ sở sẽ bị tạm đình chỉ hoạt động.

Ngày 14.5, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh thành phố Hà Nội đã có cuộc họp giao ban với 29 quận/huyện nhằm tăng cường công tác chỉ đạo phòng, chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm và dịch cúm A/H1N1. Hiện nay, số bệnh nhân nghi tiêu chảy cấp nguy hiểm trên địa bàn Hà Nội đã tăng lên 215 trường hợp, tại 20 quận/huyện.
 
Đáng chú ý, có 30 bệnh nhân phải nhập viện vì bị tiêu chảy cấp sau khi cùng ăn tại một đám cỗ. Những quận, huyện có nhiều người mắc nhất là Đống Đa (28), Thanh Xuân (26), Cầu Giấy (22), Hà Đông (21), Ba Đình (21). Viện các Bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm Quốc gia đã lên tới 114 bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm.

Chiều 14.5, Sở Y tế Hà Nội kiểm tra 2 cơ sở kinh doanh thịt chó là thịt chó Dũng và thịt chó Sơn Hải ở các địa chỉ 373 và 369 Nguyễn Khang, Q.Cầu Giấy. Nhà hàng Dũng chưa xuất trình giấy kiểm dịch thú y tại Hà Nội, nên hai quán thịt chó này đều phải tạm đình chỉ hoạt động.

Đoàn kiểm tra đã lấy các mẫu thịt chó (sống, chín, mẫu thớt, rau sống) để xét nghiệm. TS Lê Anh Tuấn - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - cho biết: "Cửa hàng kinh doanh thịt chó không rõ nguồn gốc ở Hà Nội rất nhiều, nên nguy cơ mắc tả khi ăn là rất cao. Nếu kiểm tra, phát hiện mà tịch thu thì phải dùng xe tải chở đi". 

 (Theo Lao Động điện tử)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất