Hy vọng về việc tìm thấy một lối thoát cho cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran kéo dài nhiều năm nay vẫn còn rất xa vời bất chấp việc Iran và các cường quốc Mỹ, Nga, Pháp đã bắt đầu các cuộc đàm phán về vấn đề này từ hôm thứ Hai (19/10).
Các cuộc đàm phán, dưới sự giám sát của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA), hiện đang tập trung vào việc tìm kiếm một thoả thuận cho phép Iran mua nhiên liệu hạt nhân dùng cho các mục đích dân sự. Tuy nhiên, lập trường rắn chắc của Iran về quyền hạt nhân của nước này đồng nghĩa với việc các cuộc đàm phán nói trên còn lâu mới có kết quả thành công làm hài lòng tất cả mọi bên.
Hy vọng rồi lại thất vọng
Hôm 1/10 vừa rồi, trong các cuộc đàm phán giữa Iran với nhóm 6 cường quốc do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn gồm Mỹ, Anh, Nga, Pháp, Đức và Trung Quốc, Tehran đã nhất trí về nguyên tắc về việc sẽ chuyển hầu hết số uranium được làm giàu ở mức độ thấp mà nước này hiện đang sở hữu sang Nga và Pháp. Tại đây, số nhiêu liệu hạt nhân này sẽ được tái chế thành các thanh nhiên liệu với độ thuần khiết là 20%.
Sau đó, số nhiên liệu uranium đã được làm giàu thêm nói trên sẽ được gửi trở lại Iran để được dùng trong một lò phản ứng nghiên cứu nhằm sản xuất ra các đồng vị phóng xạ (dạng phóng xạ của một nguyên tố dùng trong y học). Nói tóm lại, nhiên liệu uranium được làm giàu ở Nga và Pháp sẽ được đưa trở lại Iran để phục vụ các mục đích dân sự.
Ngoài ra, Iran còn đồng ý cho phép các thanh sát viên Liên Hợp Quốc vào kiểm tra cơ sở làm giàu uranium mới được nước này tiết lộ hồi tháng trước. Có thể nói, cộng đồng quốc tế đã rất vui mừng và tràn trề hy vọng về việc cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran rồi cũng đến lúc kết thúc khi Tehran đã có một số nhượng bộ đáng kể như nói ở trên.
Tuy nhiên, chỉ trước khi các cuộc đàm phán mới giữa Iran và các cường quốc diễn ra trong tuần này ở Vienna, Iran đã lại tạo ra một nốt nhấn đầy thách thức khi phát ngôn viên của nhà nước Iran – ông Ali Shirzadian tuyên bố thoả thuận Iran “mua nhiên liệu hạt nhân từ nước ngoài không có nghĩa là Iran sẽ ngừng các hoạt động làm giàu uranium."
"Nếu các cuộc đàm phán không đem lại những kết quả như mong muốn Iran sẽ bắt đầu làm giàu uranium ở mức độ thuần khiết là 20% để phục vụ cho lò phản ứng ở Tehran. Chúng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ quyền này," phát ngôn viên Shirzadian nói.
Tuyên bố trên rõ ràng đã phủ một bóng đen lên các cuộc đàm phán ở Vienna. Một số báo chí Áo cho rằng tuyên bố mới nhất của Tehran đã đe doạ cơ hội thành công của các cuộc đàm phán lần này vì ít nhất Mỹ cũng không bao giờ đồng ý để cho Iran tiếp tục các hoạt động làm giàu uranium
Như vậy từ sự hy vọng có được từ các cuộc đàm phán ngày 1/10, các bên liên quan giờ lại trở nên thận trọng về triển vọng sớm tìm được một giải pháp cho cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran.
Đàm phán tiến triển chậm hơn mong đợi
Việc các bên liên quan tỏ ra thận trọng về kết quả các cuộc đàm phán hạt nhân đang diễn ra hiện nay giữa Iran và các cường quốc có vẻ như là hợp lý bởi rõ ràng các cuộc đàm phán này đã tiến triển chậm hơn mong đợi, chưa nói đến việc gặp một số trục trặc.
Các cuộc đàm phán nói trên đã bị đình lại gần cả ngày hôm qua (20/10) sau khi Iran tuyên bố không muốn Pháp là một phần của thoả thuận hạt nhân giữa nước này với các cường quốc.
Ngoại trưởng Iran Manouchehr Mottaki đã phản đối sự tham gia của Paris vì lý do nước này đã bội ước trong các hợp đồng nhiên liệu hạt nhân giữa Iran và Pháp trong quá khứ. Ông này nói: "Có Nga và Mỹ. Tôi tin thế là đủ". "Pháp vì đã từng không thực hiện nghĩa vụ của nước này trong quá khứ nên không thể là một đối tác đáng tin cậy trong việc cung cấp nhiên liệu cho Iran."
Các bên cuối cùng đã quay trở lại bàn đàm phán sau khi các đại diện của Mỹ và Iran có cuộc gặp riêng trong văn phòng của ông ElBaradei.
Iran hiện đang cân nhắc đề nghị gửi uranium ra bên ngoài để làm giàu. Tuy nhiên, khó khăn ở chỗ Iran khẳng định rằng bất kỳ thoả thuận nào về việc này cũng không có nghĩa là Tehran sẽ ngừng các hoạt động làm giàu uranium. Điều này như đã nói ở trên là mâu thuẫn với mong muốn của các cường quốc.
Chính vì những khó khăn, trở ngại nói trên, Giám đốc IAEA ElBaradei đã thừa nhận: “Các cuộc đàm phán đang tiến triển chậm hơn mong đợi.” Ông này cho rằng tiến trình rất phức tạp và liên quan đến “nhiều vấn đề kỹ thuật” cũng như các biện pháp “tạo dựng niềm tin” nên sẽ khó có thể đạt được bước đột phá. Tuy vậy, ông ElBaradei tin rằng các cuộc đàm phán vẫn đang đạt được những tiến bộ dù nhỏ.
Giải pháp khả thi trước mắt
Các chuyên gia của IAEA chỉ ra rằng quá trình làm giàu uranium như là nhiên liệu hạt nhân có nhiều giai đoạn. Uranium làm giàu ở mức độ cao với độ thuần khiết lên tới hơn 90% là loại uranium ở cấp độ có thể sản xuất được vũ khí hạt nhân. Loại uranium này chỉ dùng để sản xuất vũ khí huỷ diệt.
Theo quy định an toàn hạt nhân của IAEA, độ thuần khiết của uranium được làm giàu ở cấp độ dùng các các mục đích dân sự không cao hơn 20%. Và một điều tra của IAEA cho thấy Iran hiện giờ mới chỉ có khả năng làm giàu uranium có độ thuần khiết khoảng 5%.
IAEA tin rằng hiện Iran có hơn 8.300 máy ly tâm được sử dụng cho việc làm giàu uranium và đã sản xuất hơn một tấn nhiên liệu uranium làm giàu. Tất cả nhiên liệu này đều là uranium được làm giàu ở mức độ thấp - loại uranium không thể được sử dụng vào bất kỳ mục đích nào khác ngoài việc phục vụ cho các nhà máy điện hạt nhân.
Nếu đúng như những gì IAEA nói thì mức độ làm giàu uranium của Iran chưa vượt qua mức giới hạn an toàn mà IAEA cho phép trong việc phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hoà bình và vì thế, các hoạt động làm giàu uranium hiện nay của Iran không thể được liệt vào dạng đang có ý định sản xuất vũ khí hạt nhân.
Như vậy, mặc dù phương Tây luôn làm ầm ĩ lên về chương trình hạt nhân của Iran nhưng kết luận từ các cuộc kiểm tra, thanh sát của IAEA cho thấy không có đủ bằng chứng chứng tỏ Iran có kế hoạch sử dụng hạt nhân vào các mục đích quân sự.
Nỗ lực hiện nay của các cường quốc phương Tây là thuyết phục Iran chuyển số uranium được làm giàu ở mức độ thấp của nước này ra nước ngoài. Số uranium này sẽ được làm giàu lên mức độ cao hơn ở bên ngoài và sau đó được bán trở lại cho Iran để sử dụng cho các mục đích dân sự. Mục đích của các nước phương Tây là ngăn chặn Iran tiếp tục các hoạt động làm giàu uranium và phát triển các công nghệ cũng như thiết bị có liên quan trong nước. Điều này sẽ giúp tránh viễn cảnh về việc một ngày nào đó, Iran sẽ làm giàu uranium ở mức độ cao.
Giải pháp này của phương Tây được các nhà phân tích đánh giá là khả thi bởi nó là một giải pháp đôi bên cùng có lợi. Iran sẽ nhận được nhiên liệu mà họ cần trong khi nỗi lo ngại của các cường quốc phương Tây về việc Tehran đang tìm cách sản xuất vũ khí hạt nhân sẽ được giải toả phần nào, ít nhất là trong một thời gian nhất định./.
Theo VnMedia