Thứ Ba, 19/11/2024
Thế giới
Chủ Nhật, 18/10/2009 15:26'(GMT+7)

Thấy gì qua chuyến công du Nga của Ngoại trưởng Mỹ

Ngoại trưởng Mỹ Clinton và người đồng nhiệm Nga Lavrov.

Ngoại trưởng Mỹ Clinton và người đồng nhiệm Nga Lavrov.

Vì sao Ngoại trưởng Mỹ thăm Nga?

Sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma về việc ngừng xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia (NMD) ở Ba Lan và Cộng hòa Séc, những ngày qua, quan hệ Nga - Mỹ dường như đang có dấu hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, để đi tới giải pháp cụ thể và hoàn chỉnh trong giải quyết vấn đề NMD vẫn cần nhiều thời gian cũng như cố gắng của cả hai bên. Thêm nữa, NMD chỉ là một trong những cản trở trong mối quan hệ vốn không ít bất đồng giữa hai cường quốc này.

Thật ra, quan hệ Nga - Mỹ cũng đã có dấu hiệu khởi sắc sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Đ. Mét-vê-đép và Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma (tháng 4-2009). Ngoại trưởng Nga Xéc-gây La-vrốp lúc đó đã tuyên bố, quan hệ Nga - Mỹ sẽ bước sang trang mới khi hai nước đã sẵn sàng chú ý tới quan điểm của đối tác. “Một bầu không khí mới giữa hai nước đã được hình thành dựa trên lợi ích chung và quan trọng hơn cả là thiện chí sẵn sàng lắng nghe - yếu tố mà hai nước đã “bỏ qua” nhiều năm qua”.

Trong một tuyên bố chung sau cuộc họp bên thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 bàn về khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các nhà lãnh đạo của Nga và Mỹ đã cam kết “đẩy lùi tâm lý cuộc chiến tranh lạnh và lập trình cho một khởi đầu mới.” Tuyên bố chung có đoạn: “Hôm nay chúng tôi thành lập một chương trình nghị sự lâu dài giúp cải thiện mối quan hệ song phương Nga - Mỹ vốn mâu thuẫn trong nhiều năm qua. Chúng tôi sẽ cùng nhau tăng cường ổn định, an ninh thế giới và hợp tác giải quyết các vấn đề toàn cầu”. Các bên cũng nhất trí cho rằng, hội đàm lần này sẽ mở ra một lộ trình mới trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan, các vấn đề xung đột Trung Đông và đẩy mạnh ổn định kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo của hai nước thừa nhận, Mát-xcơ-va và Oa-sinh-tơn vẫn còn những khoảng cách đáng kể về một số vấn đề, như Gru-di-a, kế hoạch phòng thủ tên lửa ở châu Âu, ý định mở rộng NATO... Chuyến công du Nga của bà Hi-la-ry dường như là để tìm giải pháp chung cho những vấn đề này.

Nhiều vấn đề nổi bật

Tối 12-10, Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ry đã tới Mát-xcơ-va, bắt đầu thăm chính thức Nga, nhằm thảo luận hàng loạt vấn đề như: Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START), vấn đề hạt nhân của I-ran và Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, tiến trình hòa bình Trung Đông, tình hình Áp-ga-ni-xtan; đồng thời, tìm cách thu hẹp bất đồng trong vấn đề mở rộng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và tình hình Gru-dia. Đây là chuyến thăm Nga đầu tiên của Ngoại trưởng Hi-la-ry kể từ khi bà nhậm chức đầu năm nay. Nga là chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công du châu Âu của bà. Trước đó, bà đã thăm Thụy Sỹ, Anh và Ai-len.

Tham vọng của Ngoại trưởng Mỹ trong các cuộc gặp với Nga là nhấn mạnh tầm quan trọng của các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nga, nhằm tiến tới một hiệp ước mới thay thế START-I, dự kiến hết hiệu lực trước cuối năm nay. Tại năm vòng đàm phán vừa qua, hai bên đã đạt được những nhượng bộ nhất định về vấn đề này. Bà Hi-la-ry cũng tìm kiếm khả năng hợp tác trong vấn đề phòng thủ tên lửa sau khi Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma quyết định điều chỉnh kế hoạch thiết lập NMD ở Đông Âu, vốn bị Mát-xcơ-va phản đối mạnh mẽ. Về vấn đề I-ran, bà Hi-la-ry đề nghị các nhà lãnh đạo Nga thực hiện "những hình thức gây sức ép đặc biệt" đối với I-ran, nếu nước này không đáp ứng các đề nghị của quốc tế nhằm chứng minh rằng chương trình hạt nhân của họ phục vụ mục đích hòa bình. Trước đó, bà Hi-la-ry đã cảnh báo I-ran rằng, "thế giới sẽ không chờ đợi một cách vô hạn định" việc I-ran chứng tỏ rằng nước này không tìm cách phát triển vũ khí nguyên tử. Ngày 13-10, Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ry đã hội đàm với Tổng thống Nga Đ. Mét-vê-đép, với kỳ vọng tìm kiếm sự ủng hộ của Mát-xcơ-va về một chính sách cứng rắn hơn đối với vấn đề hạt nhân I-ran. Ngoài ra, bà Hi-la-ry còn mang theo đề nghị hợp tác xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu với Nga.

Kết quả không như mong muốn

Trong cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo Nga ngày 13-10, Ngoại trưởng Mỹ muốn dò hỏi về mức độ sẵn sàng của Mát-xcơ-va trong việc ủng hộ "các biện pháp cụ thể" nhằm trừng phạt I-ran, nếu quốc gia này không đáp ứng yêu cầu về chương trình hạt nhân.

Gần đây, chính quyền Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma tỏ ra lạc quan hơn về hợp tác với Nga trong vấn đề hạt nhân của I-ran, sau khi Tổng thống Nga Đ. Mét-vê-đép tuyên bố "đôi lúc không thể tránh được các biện pháp cứng rắn". Trước đó, Nga luôn phản đối việc cộng đồng quốc tế áp đặt các hình thức trừng phạt I-ran. Giới phân tích cho rằng, Tổng thống Nga Đ. Mét-vê-đép dường như đã thay đổi quan điểm, sau khi Tê-hê-ran xác nhận có cơ sở làm giàu u-ra-ni-um thứ hai. Ngày 12-10, I-ran tiếp tục thách thức sức ép từ Mỹ khi tuyên bố sẽ không thảo luận quyền hạt nhân của nước này trong cuộc họp với Nhóm P5+1 tại Thổ Nhĩ Kỳ sắp tới.

Một mũi nhọn trong chuyến thăm ba ngày đến Nga của bà Hi-la-ry là đạt được thoả thuận thay thế thoả thuận kiểm soát vũ khí Start-I của năm 1991 - vốn sẽ hết hạn vào tháng 12 tới. Trợ lý Tổng thống Mỹ phụ trách vấn đề Nga và Á - Âu M. Mắc-pho tiết lộ, bà Hi-la-ry sẽ đưa ra đề nghị hợp tác cùng Nga xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa tại Châu Âu. Trước đó, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma đã tuyên bố Mỹ sẵn sàng lắng nghe ý kiến của Nga trong vấn đề hệ thống phòng thủ tên lửa mới.

Một quan chức Mỹ có mặt trong chuyến công du của bà Hi-la-ry cho rằng, dù mối quan hệ Nga - Mỹ đã có nhiều khởi sắc, nhưng vẫn còn nhiều bất đồng giữa hai nước. "Chúng tôi vẫn còn những khúc mắc về vấn đề Gru-di-a, về NATO và thậm chí về một số vấn đề mà hai nước đang hợp tác giải quyết như I-ran”. Cụ thể hơn, chính quyền Tổng thống B. Ô-ba-ma muốn đưa ra thêm các biện pháp trừng phạt Tê-hê-ran nếu họ không ngừng chương trình làm giàu u-ra-ni-um trong năm nay. Tuy thế, phía Mỹ cũng vẫn còn phải chờ đến cuối năm nay mới có thể biết rõ Nga sẽ hậu thuẫn họ đến mức nào. Đây là nguyên nhân khiến Mỹ - Nga cần có các cuộc đàm phán sâu hơn. Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ry đã không đạt được cam kết cụ thể nào từ phía Nga về những biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với I-ran, nhưng đã đạt được những tiến bộ trong những vấn đề khác như kiểm soát vũ khí.

Phát biểu sau cuộc gặp kín, bà Hi-la-ry và người đồng nhiệm Nga X. La-vrốp cho biết, hai bên đã không đạt được thỏa thuận cụ thể nào về kế hoạch tăng cường cấm vận I-ran, dù Mát-xcơ-va không phản đối ý tưởng đó. "Chúng tôi vẫn luôn xem xét khả năng áp dụng lệnh trừng phạt trong trường hợp chúng tôi không thể trấn an bản thân và người khác rằng, I-ran đã quyết định từ bỏ vũ khí nguyên tử", bà Hi-la-ry nói. Theo hãng tin CNN, Ngoại trưởng Mỹ đã dẫn lại lời Tổng thống Nga trong một tuyên bố gần đây rằng, lệnh trừng phạt I-ran là không tránh khỏi nhưng chưa phải ở thời điểm này. Còn theo hãng tin Reuters, một quan chức trong phái đoàn Mỹ cho biết, phía Nga nói rằng họ chưa sẵn sàng thảo luận cụ thể về các bước tiếp theo trong vấn đề I-ran. Mát-xcơ-va muốn bàn thảo về các động thái đối với Tê-hê-ran trong khuôn khổ Liên hợp quốc. Ngoại trưởng Nga tuyên bố: “Những đe dọa về những sự trừng phạt mới và áp lực chống lại I-ran trong hoàn cảnh hiện tại là tiêu cực, khi I-ran đã tiến đến các cuộc đối thoại với Mỹ, Nga và các cường quốc khác”. Bà Hi-la-ry cho biết, bà đã có các cuộc thảo luận “rất toàn diện và mang tính xây dựng” với người đồng cấp Nga X. La-vrốp. Trong cuộc họp báo chung với ông X. La-vrốp, bà Hi-la-ry nhấn mạnh, Mỹ không tìm kiếm những cam kết cụ thể từ Mát-xcơ-va cho vấn đề I-ran. Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ sau đó cho biết, trong cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ, Tổng thống Nga nói ông hy vọng I-ran sẽ thực thi những cam kết về vấn đề hạt nhân, “nếu không, sẽ có trừng phạt”.

Theo Ngoại trưởng Nga X. La-vrốp, hai bên đã đạt được những "tiến bộ đáng kể" trong tiến trình đàm phán về việc giải trừ vũ khí chiến lược thay thế hiệp ước START hết hiệu lực kể từ ngày 5-12-2009. Giải trừ vũ khí hạt nhân luôn là vấn đề đầu tiên được nêu lên giữa Mát-xcơ-va và Oa-sinh-tơn vì trong lĩnh vực này, mọi việc đều theo như lịch trình đã dự kiến. Hai nước cùng thương lượng về việc cắt giảm các loại vũ khí chiến lược. Nga và Mỹ phải đạt được một thỏa thuận vào trước cuối năm, nếu có thể.

Một thỏa thuận nho nhỏ

Kênh truyền hình Fox News của Mỹ cho biết, chính quyền Mỹ sẽ cho phép quân đội Nga thanh sát các cơ sở hạt nhân của mình. Thỏa thuận ban đầu về vấn đề trên đã đạt được trong các cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ry và Ngoại trưởng Nga X. La-vrốp diễn ra hôm 13-10, trong khuôn khổ chuẩn bị cho hiệp ước mới về cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START-I). Theo Fox News, chưa lần nào Mỹ đồng ý nhượng bộ như vậy trong lĩnh vực hạt nhân. Theo kế hoạch soạn thảo, Nga không chỉ đơn giản được tiếp cận các cơ sở hạt nhân của Mỹ mà còn được phép thống kê tất cả những đầu đạn và phương tiện hiện có tại các cơ sở này của Oa-sinh-tơn.

Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược START-I ký năm 1991 giữa Nga và Liên Xô và bắt đầu có hiệu lực vào năm 1994 sẽ hết hiệu lực vào tháng 12-2009. Trong tháng 7-2009, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma và Tổng thống Nga Đ. Mét-vê-đép đã ký thỏa thuận khung về Hiệp ước START-II. Sau khi hội đàm với Ngoại trưởng Nga, Ngoại trưởng Hi-la-ry tuyên bố Mỹ sẽ minh bạch hết sức trong vấn đề này. “Tôi muốn cam kết rằng, mỗi vấn đề quân đội hoặc Chính phủ Nga đưa ra sẽ đều có câu trả lời”, bà Hi-la-ry phát biểu trong cuộc họp báo tổng kết cuộc gặp với lãnh đạo Bộ Ngoại giao Nga. Bà Hi-la-ry cũng bày tỏ hy vọng vào sự hợp tác giữa Nga và Mỹ trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa./.

(theo Tạp chí Cộng sản điện tử)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất