Ngày 27/6, Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) cho
biết: Trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm giun đường ruột nhất. Ở nước ta có
tới 70-80% trẻ em bị nhiễm giun đường ruột. Trẻ em ở các nước đang phát
triển, nước vùng nhiệt đới, trong đó có Việt Nam thường mắc nhiều loại
giun như giun đũa (ascariasis), giun kim (pinworm), giun móc (hookworm),
giun tóc (trichuris) với cường độ nhiễm rất cao và nhiễm phối hợp hai
hoặc ba, bốn loại giun.
Nhiễm giun có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Nhiễm giun làm tăng tỷ lệ bệnh tật và tử vong ở trẻ, làm giảm sự tăng trưởng dẫn đến còi cọc cả về thể lực (suy dinh dưỡng) và trí lực, có thể gây các biến chứng nguy hiểm. Trẻ nhiễm giun có thể gây ra tình trạng viêm ở phổi (hen suyễn), gây bệnh đường tiêu hóa (đau dạ dầy, viêm ruột và viêm đại tràng), bệnh gan (viêm gan, xơ hóa) và viêm đường tiết niệu, sinh dục.
Viện Dinh dưỡng nên rõ: Giun ăn chất dinh dưỡng, gây thiếu máu, giảm phát triển thể chất, ảnh hưởng đến phát triển trí tuệ và gây nhiều biến chứng nguy hiểm như tắc ruột do giun, giun chui ống mật... Vì vậy, nhiễm giun đường ruột là một trong những vấn đề cần được ưu tiên trong chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Khi bị nhiễm giun, ngoài các dấu hiệu như lâm râm đau bụng, trướng bụng, trẻ có thể mất cảm giác ngon miệng. Nhiễm giun nặng có thể gây thiếu máu, mệt mỏi, buồn nôn và ói mửa; trẻ biếng ăn, giảm cân dẫn đến suy dinh dưỡng, giảm nhận thức và sa sút trí tuệ. Nguyên nhân nhiễm giun ở trẻ là do nước ta nằm trong vùng khí hậu nóng ẩm, môi trường rất dễ bị ô nhiễm. Trẻ có thể bị nhiễm giun từ đất trong sân chơi hoặc chơi với vật nuôi bị nhiễm giun; tay, chân không sạch khi đưa đồ chơi vào miệng. Trẻ ăn hoặc uống các thực phẩm bị nhiễm giun do người lớn rửa không sạch.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo: Để phòng nhiễm giun đường ruột ở trẻ, các bậc phụ huynh cần tăng cường vệ sinh cá nhân và môi trường; cho trẻ ăn chín, uống nước đun sôi để nguội; tẩy giun định kỳ cho trẻ trên 2 tuổi 6 tháng/lần, nhất là trẻ em tuổi học đường. Trẻ cần rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi đại tiện; không đi chân đất hoặc bò lê la dính đất. Nếu trong nhà có một thành viên bị nhiễm giun kim nên tẩy giun cho cả gia đình.
Các gia đình cần sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt và nấu ăn, đun nước uống cho trẻ; rửa tay sạch khi chế biến thức ăn, khi cho trẻ ăn, sau khi đại tiện. Thức ăn cần được đậy kín không để ruồi, nhặng đậu vào; không vứt rác thải bừa bãi gần khu vực sinh hoạt và chơi của trẻ…/.
Thu Phương/TTXVN