Thứ Sáu, 20/9/2024
Dân số, gia đình, trẻ em
Thứ Tư, 22/6/2016 16:1'(GMT+7)

Tiếp tục đổi mới phương pháp truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số

Ngày 22/6, tại Hà Nội, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Chương trình hành động truyền thông chuyển đổi hành vi về Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (giai đoạn 2016-2020). 

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Cảnh Nhạc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết: Sau 5 năm thực hiện, Chương trình hành động truyền thông chuyển đổi hành vi về Dân số - Kế hoạch hóa gia đình giai đoạn 2011-2015 đã đạt được kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu của chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình nói chung và giai đoạn 1 của Chiến lược Dân số - Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020. Tuy nhiên, việc thực hiện Chương trình hành động còn nhiều hạn chế, bất cập. Vì vậy, việc xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình hành động truyền thông chuyển đổi hành vi giai đoạn 2016-2020 cần rút kinh nghiệm để phát huy những cách làm hay, phương pháp truyền thông có hiệu quả. Chương trình hành động giai đoạn mới cần khắc phục bất cập, hạn chế từ việc xây dựng, lựa chọn vấn đề, chủ đề, nội dung, thông điệp truyền thông; ưu tiên lựa chọn phương pháp, hình thức truyền thông phù hợp với từng nhóm đối tượng, vùng miền. 

Theo đánh giá của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, sau 5 năm thực hiện Chương trình hành động truyền thông chuyển đổi hành vi về Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, nam giới, phụ nữ, thanh niên, vị thành niên, người cao tuổi có sự hiểu biết, kỹ năng lựa chọn hành vi có lợi về các vấn đề dân số - kế hoạch hóa gia đình đã tăng so với trước đó. Kiến thức, kỹ năng về kế hoạch hóa gia đình, phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, kể cả các cặp vợ chồng mới kết hôn là rất cao, là yếu tố quyết định để duy trì mức sinh thay thế trong những năm qua. Các hoạt động truyền thông được thực hiện liên tục, rộng khắp và từng bước đổi mới về nội dung và hình thức, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, ngày càng được thực hiện rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân. 

Trao đổi về khó khăn của công tác dân số và phát triển nói chung và thực hiện Chương trình hành động truyền thông chuyển đổi hành vi giai đoạn 2016-2020 nói riêng, nhiều đại biểu cho rằng: Tâm lý, tư tưởng nho giáo, phong tục tập quán về sinh đẻ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, thể chất của người dân trong xã hội nông nghiệp vẫn ăn sâu vào tiềm thức một bộ phận nhân dân. Trong khi đó, các điều kiện kinh tế - xã hội chưa tạo được điều kiện thuận lợi để góp phần thay đổi thái độ, thực hiện hành vi có lợi về dân số - phát triển, đặc biệt là những vấn đề mới phát sinh. Tâm lý, tập quán về sinh đẻ theo ý muốn còn rất nặng nề; tâm lý bao cấp phương tiện tránh thai, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình còn khá phổ biến…. 

Góp ý xây dựng chương trình hành động truyền thông chuyển đổi hành vi về Dân số giai đoạn 2016-2020, một số đại biểu cho rằng, cần quyết tâm chuyển trọng tâm chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển để giải quyết toàn diện các vấn đề dân số. Từ đó, xây dựng nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông phù hợp với giai đoạn mới. Mục tiêu tổng quát của Chương trình trong giai đoạn mới là hướng tới nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội về công tác dân số và phát triển, duy trì mức sinh thấp, hợp lý ./. 

TG


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất