(TG)- Nhằm hạn chế tình trạng đuối nước ở trẻ em, các ngành chức năng ở Thừa Thiên - Huế đã triển khai nhiều biện pháp tích cực, nhất là đưa chương trình dạy bơi vào các trường tiểu học và trung học cơ sở; tranh thủ khá nhiều dự án trong và ngoài nước để bổ sung kỹ năng bơi lội cho học sinh.
Thừa Thiên – Huế: Nỗ lực phổ cập bơi lội phòng chống đuối nước ở trẻ em
Những vụ trẻ em tử vong do đuối nước ở Thừa Thiên – Huế cứ lặp đi lặp lại mỗi khi vào dịp hè trong nhiều năm qua. Để giảm thiểu tình trạng trẻ em bị đuối nước, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã và đang nỗ lực phổ cập bơi lội trong trường học, phòng tránh tai nạn thương tích khi gặp sự cố. Tỉnh Thừa Thiên - Huế có mạng lưới sông ngòi khá dày đặc và hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai rộng lớn nhất Đông Nam Á. Vào mùa hè, ở những vùng nông thôn ven sông Bồ, sông Hương, sông Cầu Hai, vùng ven biển, đầm phá… đều là những địa điểm lí tưởng được trẻ em chọn làm nơi tắm, nô đùa cùng nhau mà không nhận thức hết được hiểm nguy từ đuối nước có thể xảy ra vào bất cứ lúc nào. Xót xa nhất là ngày 6/6 vừa qua, ở huyện Phú Vang đã xảy ra liên tiếp 2 vụ đuối nước, làm 5 trẻ em tử vong.
Vào hè, trời nắng nóng, ven sông, đầm phá, bờ biển tại Thừa Thiên - Huế trở thành những điểm bơi, vui chơi “công cộng” miễn phí cho trẻ em vùng nông thôn. Tuy nhiên, từ người lớn cho đến trẻ em khi bơi lội hầu như không sử dụng phao hoặc chỉ sử dụng vật dụng bảo hộ thô sơ như: chai, lọ, can nhựa... Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thừa Thiên - Huế, từ đầu năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 7 vụ đuối nước. Theo bà Võ Thị Kim Khánh, Phó Phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em - Bình đẳng giới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế, những vụ trẻ em đuối nước phần lớn là do không biết bơi, nhận thức của trẻ em còn non nớt, chủ quan, chưa lường hết hiểm họa sông nước, phụ huynh bất cẩn trong việc trông nom con em mình, công tác tuyên truyền vận động phòng tránh tai nạn thương tích đuối nước ở trẻ em còn hạn chế, việc trang bị kiến thức để bảo đảm an toàn cho trẻ trong các tầng lớp nhân dân chưa được chú trọng...
Nhằm hạn chế tình trạng đuối nước ở trẻ em, các ngành chức năng ở Thừa Thiên - Huế đã triển khai nhiều biện pháp tích cực, nhất là đưa chương trình dạy bơi vào các trường tiểu học và trung học cơ sở; tranh thủ khá nhiều dự án trong và ngoài nước để bổ sung kỹ năng bơi lội cho học sinh. Cụ thể, trong 5 năm 2011 - 2016, ngành giáo dục tỉnh đã đào tạo và bồi dưỡng kiến thức bơi lội cho 205 giáo viên thông qua các lớp tập huấn do huấn luyện viên là người nước ngoài giảng dạy. Những học viên, giáo viên qua các khoá học được trang bị kiến thức đủ tiêu chuẩn, sau khi lấy chứng chỉ của Hiệp Hội bơi Anh quốc thì trở về cơ sở huấn luyện các kỹ năng bơi lội cho học sinh đơn vị mình. Hiện nay, đã có 105/238 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh tổ chức cho học sinh tập bơi, qua đó giúp trên 11.000 học sinh từ khối lớp 3 đến khối lớp 5 được phổ cập bơi lội.
Tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng vừa xây dựng kế hoạch "Phòng, chống tai nạn thương tích trẻ Thừa Thiên - Huế giai đoạn 2016 -2020” nhằm đẩy mạnh phối hợp liên ngành, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các biện pháp phòng tránh tai nạn thương tích đuối nước ở trẻ em, trang bị kỹ năng bơi và xử lý các tình huống nguy hiểm có thể gặp phải khi tiếp xúc với nước; tập huấn phòng chống đuối nước cho các cán bộ, cộng tác viên, xây dựng các mô hình an toàn phòng chống đuối nước. Tỉnh phấn đấu giảm 6% số trẻ em bị đuối nước so với năm 2015; trên 40% trẻ em trong độ tuổi tiểu học, trung học sơ sở biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước; trên 90% trẻ em sử dụng áo phao khi tham gia giao thông đường thủy; trên 100% bể bơi, hồ bơi công cộng, bãi tắm tại các khu du lịch được cấp phép đảm bảo quy định an toàn; 100% bến đò vận chuyển khách sang sông, bến tàu được cấp phép bảo đảm các quy định an toàn…
Mặt khác, cơ quan chức năng trong tỉnh tiếp tục triển khai và nhân rộng mô hình “ngôi nhà an toàn, trường học an toàn và cộng đồng an toàn” phòng chống tai nạn thương tích và phòng chống đuối nước cho trẻ em, đồng thời từng bước xây dựng các điểm vui chơi, giải trí an toàn cho trẻ em và tổ chức các hoạt động sinh hoạt tập thể, văn nghệ, thể dục thể thao để trẻ em được sống trong môi trường an toàn./.
Đắk Nông chủ động phòng chống tai nạn đuối nước ở trẻ em
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đắk Nông, từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh có hơn 200 trẻ em tử vong do đuối nước. Số trẻ tử vong do loại tai nạn này chủ yếu tập trung vào dịp nghỉ hè và chiếm tới gần 80% trên tổng số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích. Trong hai ngày 14/5 và 23/5, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông xảy ra hai vụ học sinh đuối nước làm 6 trẻ tử vong. Thực tế này một lần nữa cho thấy tai nạn đuối nước ở trẻ em là vấn đề nhức nhối, nhất là đối với một tỉnh có địa hình sông suối phức tạp, ao hồ nhiều và ít khu vui chơi, giải trí cho trẻ em như Đắk Nông. Theo Công an xã Đắk Ru, huyện Đắk Rlấp, tỉnh Đắk Nông, vào 14 giờ ngày 23/5, ba em học sinh cấp trung học cơ sở là Trần Thị Mỹ Năng (16 tuổi), Đỗ Cao Kỳ Duyên (12 tuổi) cùng ngụ tại xã Phú Sơn, huyện Bù Đăng (Bình Phước) và em Trần Thị Xuân Thảo (12 tuổi) ngụ xã Đắk Ru, huyện Đắk Rlấp (Đắk Nông) rủ nhau xuống đập thủy lợi thuộc thôn Tân Phú, xã Đắk Ru tắm. Do nước sâu, cả ba em đều không biết bơi lại chủ quan vì mực nước thấp, bị đuối sức dẫn đến chết đuối. Trong khi do mưa đầu mùa, mực nước tại đập thủy lợi đã dâng lên rất cao. Đáng chú ý hơn, đập thủy lợi thôn Tân Phú không có biển cảnh báo về mực nước sâu cũng như cảnh báo nguy hiểm khi tắm tại đây.
Tại nhiều địa phương trong tỉnh Đắk Nông, nhất là những khu vực nằm xa khu dân cư, các ao hồ, sông suối tự nhiên vẫn là điểm đến để các em thiếu nhi tắm mát, bơi lội vào dịp hè. Phần lớn các ao hồ này đều chưa có rào chắn hoặc biển báo nguy hiểm. Thêm nữa, các bậc phụ huynh thường bận công việc đồng áng nên ít quan tâm tới các em. Riêng tại huyện Đắk Glong đã có gần 60 hồ đập và hầu hết đều chưa có rào chắn hoặc biển báo. Con số chung của cả tỉnh lên đến hàng trăm hồ đập.
Thời gian gần đây, do hạn hán kéo dài, người dân tại nhiều địa phương phải đào sâu các hồ đập thủy lợi để có nước phục vụ tưới tiêu. Đến mùa mưa, những hồ đập này thu hút nhiều trẻ em đến tắm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với các em, nhất là những em không biết bơi hoặc mới tập bơi. Các hoạt động kinh tế như san lấp mặt bằng, khai thác đất để làm gạch… gần khu dân cư tại nhiều nơi trong tỉnh cũng rất tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đối với trẻ em do các ao hồ này thường không có rào chắn hoặc rào chắn rất sơ sài.
Ông Nguyễn Tiến Đoàn - Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đắk Nông cho biết: Khó khăn nhất của việc phòng chống đuối nước trên địa bàn tỉnh là rất nhiều địa phương chưa có khu vui chơi giải trí cho trẻ em. Cứ mỗi dịp hè, thời tiết nắng nóng nên các em thiếu nhi thường rủ nhau tắm ao, hồ, sông, suối. Nếu không có người lớn giám sát thì dễ xảy ra đuối nước. Ông Nguyễn Tiến Đoàn cho rằng, việc cần làm ngay là các ngành, các cấp phải tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục cho trẻ em về phòng tránh đuối nước cũng như các kỹ năng sơ cứu cơ bản. Các địa phương cần chú trọng xây dựng rào chắn, cắm biển báo, biển cấm tại những nơi có nguy cơ cao để cảnh báo các em. Việc tham gia của các bậc phụ huynh trong việc giám sát, quản lý con cái cũng rất quan trọng trong công tác này.
Đầu tháng 6 vừa qua, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2016 - 2021. UBND tỉnh Đắk Nông giao các đơn vị liên quan triển khai thí điểm mô hình phòng chống đuối nước cho trẻ em; yêu cầu UBND các huyện, thị xã tỉnh tổ chức, phối hợp với các đơn vị liên quan mở thêm các lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em. Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường các lớp tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm về sơ cứu tai nạn thương tích trẻ em nói chung và đuối nước nói riêng.
Về lâu dài, UBND tỉnh Đắk Nông yêu cầu các sở, ban ngành, các huyện, thị xã và các đơn vị liên quan sớm có quy hoạch cụ thể về các khu vui chơi, giải trí cho trẻ em; đồng thời tăng cường các biện pháp huy động nguồn vốn đầu tư, tiến hành xã hội hóa việc xây dựng các khu vui chơi giải trí, bể bơi, tạo điều kiện để trẻ phát triển toàn diện cũng như hạn chế thấp nhất nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích cho trẻ./.
Quảng Trị: Khám, phẫu thuật mắt miễn phí cho trẻ em
Ngày 10/6, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Trị phối hợp với Dự án Orbis - Mỹ (Dự án phát triển và chăm sóc mắt trẻ em) và Bệnh viên mắt Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) tổ chức khám mắt miễn phí cho trẻ em tỉnh Quảng Trị. Lần khám này có 60 trẻ từ 1 tháng tuổi đến 16 tuổi của các huyện, thị xã và thành phố trong tỉnh, trong đó huyện Hướng Hóa có 33 cháu, Vĩnh Linh có 4 cháu, Hải Lăng có 4 cháu. Đây là những địa phương có nhiều trẻ khám, đa số các cháu bị các bệnh lé, lác, sụp mi, glocom. Tất cả các trẻ được các bác sỹ khám và tùy vào bệnh từng cháu, bác sỹ sẽ chỉ định cháu nào phải phẫu thuật, cháu nào chỉ cần cấp thuốc về điều trị tại nhà.
Bình quân, mỗi năm chương trình khám và phẫu thuật mắt miễn phí do Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Trị phối hợp với Dự án Orbis và Bệnh viện mắt Huế phẫu thuật cho khoảng 15 cháu. Bình quân chi phí phẫu thuật mắt cho mỗi cháu trị giá khoảng 4 triệu đồng do Dự án Orbis tài trợ.
Bà Nguyễn Thị Diệu Ái, chuyên viên Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Trị cho biết, Dự án Orbis tài trợ chương trình khám và phẫu thuật mắt miễn phí cho trẻ em tỉnh Quảng Trị trên 5 năm nay, bình quân mỗi năm khám và cấp thuốc miễn phí cho khoảng 60 cháu, trong đó có khoảng 15 cháu được phẫu thuật miễn phí.
Lâm Đồng: Nhiều hoạt động bổ ích tại Trại hè Đại sứ hàng Việt tí hon
Sau 5 ngày diễn ra với nhiều hoạt động bổ ích tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), tối 9/6, chương trình Trại hè Đại sứ hàng Việt tí hon đã khép lại với chương trình liên hoan giã bạn. Trại hè do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức có sự tham gia của 101 em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn đến từ 5 tỉnh, thành miền Tây Nam bộ. Trong những ngày diễn ra trại hè, hơn 100 “Đại sứ hàng Việt tí hon” cũng gặp gỡ các nghệ sĩ là đại sứ hàng Việt, các lãnh đạo và doanh nhân để lắng nghe những câu chuyện thành công từ gian khó, đi siêu thị để học cách quản lý tiền bạc.
Trong 5 ngày ở trại hè, các “đại sứ” được trải qua nhiều hoạt động vui chơi, khám phá bổ ích tại thành phố Đà Lạt, đặc biệt là trải nghiệm thực tế khi đến với làng hoa Thái Phiên (một trong những làng hoa truyền thống của Đà Lạt) để tìm hiểu nghề trồng hoa, tự tay chăm sóc và thu hoạch hoa cúc cùng nông dân địa phương. Các em còn được tham quan bảo tàng Lâm Đồng để tìm hiểu văn hóa Tây Nguyên qua những khu trưng bày như Đà Lạt xưa và nay, Thiên nhiên Đà Lạt, Văn hoá các dân tộc Tây Nguyên…
Trại hè Đại sứ hàng Việt tí hon xuất phát từ sáng kiến của các nghệ sĩ thành viên trong Câu lạc bộ Đại sứ hàng Việt. Từ năm 2011 đến nay, 5 mùa hè ý nghĩa, vui tươi đã đến với hơn 500 thiếu nhi từ khắp các tỉnh thành phía Nam, huyện đảo Cần Giờ và con em các chiến sĩ hải đảo… Chương trình do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp, Câu lạc bộ Doanh nghiệp Dẫn đầu - LBC, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và các doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp kinh phí, phối hợp tổ chức. Chương trình nhằm đem đến một mùa hè ý nghĩa cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, đạt thành tích cao trong học tập./.
TG tổng hợp