Không quá lời khi cho rằng, mô hình thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng đã góp phần “giảm nghèo” về thông tin, văn hóa cho một bộ phận người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, do quy mô nhỏ lẻ, nguồn lực đầu tư thấp, số lượng và chủng loại sách hạn chế, nên một số thư viện tư nhân chưa thật sự có sức hấp dẫn, sức hút bền bỉ đối với bạn đọc.
Một trong những thiết chế văn hóa thu hút nhiều người dân, nhất là học sinh ở nông thôn, miền núi là “thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng”.
Bản thân tên gọi đã phần nào nói lên ý nghĩa nhân văn, hiệu quả xã hội mà mô hình thư viện này mang lại. Đây là thư viện do cá nhân, gia đình hay một nhóm người yêu quý sách đứng ra thành lập, tổ chức hoạt động để phục vụ nhân dân.
Sau 10 năm thực hiện Nghị định số 02/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, hiện nay cả nước có 102 thư viện theo mô hình này. Những thư viện nói trên không chỉ là “cánh tay nối dài” cho các thư viện công cộng làm tốt công tác truyền bá tri thức, đẩy mạnh phong trào đọc sách trong cộng đồng, mà còn góp phần đa dạng hóa các hình thức đọc sách và làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân.
Theo thống kê của Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), tổng
số tài liệu trong các thư viện tư nhân hiện có 519.150 bản, số người sử
dụng thường xuyên tại các thư viện này lên đến 536.284 bạn đọc, trung
bình mỗi thư viện thu hút 6.094 bạn đọc/năm. Như vậy, số người đến thư
viện tư nhân nhiều hơn cả số lượng tài liệu hiện có trong loại hình thư
viện này. Điều đó thể hiện sức hút, sức lan tỏa của thư viện tư nhân đối
với bạn đọc.
Người dân, nhất là bà con nông dân và học sinh ở nông thôn, miền núi do
cuộc sống còn khó khăn, nên ít có điều kiện, thời gian đến tìm đọc sách
ở các thư viện trung tâm, thư viện lớn. Vì thế, những thư viện tư nhân
của gia đình, dòng họ trên địa bàn sẽ góp phần tạo cơ hội thuận lợi cho
người dân địa phương đến tìm đọc tại chỗ, đỡ mất thời gian đi lại. Hơn
nữa, phần lớn tài liệu ở loại hình thư viện này khá phù hợp với trình độ
nhận thức, tâm lý, thị hiếu của người dân, như: Sách khuyến nông; sách
hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho năng suất, chất lượng cao;
sách hỏi-đáp với những nội dung dễ đọc, dễ hiểu về pháp luật, chế độ,
chính sách, bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe; sách trang bị kỹ năng sống
tích cực, phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em; sách tuyên
truyền về nếp sống vệ sinh khoa học, bảo vệ thiên nhiên, môi trường...
Không quá lời khi cho rằng, mô hình thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng
đã góp phần “giảm nghèo” về thông tin, văn hóa cho một bộ phận người
dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, do
quy mô nhỏ lẻ, nguồn lực đầu tư thấp, số lượng và chủng loại sách hạn
chế, nên một số thư viện tư nhân chưa thật sự có sức hấp dẫn, sức hút
bền bỉ đối với bạn đọc. Trong khi đó, một số cấp ủy, chính quyền ở cơ sở
chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động của thư viện tư nhân nói riêng,
việc phát triển văn hóa đọc nói chung, do vậy chưa khuyến khích nâng cao
hiệu quả hoạt động của loại hình thư viện này.
Chủ trương của Đảng ta là đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa để
khơi dậy, phát huy mọi nguồn lực, sức sáng tạo của các thành phần kinh
tế, các tầng lớp nhân dân, qua đó góp phần xây dựng môi trường văn hóa
xã hội lành mạnh.
Nhà nước cũng có chính sách nhất quán là khuyến khích
thành lập thư viện tư nhân để phục vụ rộng rãi công chúng, coi trọng và
đối xử bình đẳng đối với các sản phẩm, dịch vụ của thư viện tư nhân. Tới
đây, khi dự thảo Luật Thư viện được Quốc hội thông qua, mô hình thư
viện tư nhân có phục vụ cộng đồng tiếp tục được khuyến khích, tạo cơ hội
mở rộng để phát triển văn hóa đọc cho nhân dân.
Trong khi chờ đợi những
cơ chế, chính sách mới, các thư viện tư nhân mong muốn được các thư
viện công cộng chia sẻ nguồn lực, kinh nghiệm, tăng cường luân chuyển
sách báo để làm phong phú tài liệu trong thư viện, giúp bạn đọc có cơ
hội tiếp cận nhiều hơn với những cuốn sách hay, bổ ích./.
Bảo Như (qdnd.vn)