Tại hội thảo “Diễn biến giá cả, thị trường ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2016” do Viện Kinh tế-Tài Chính, Học viện Tài chính tổ chức ngày 7/7, nhiều chuyên gia đánh giá với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 2,35% so với tháng 12/2015 và bình quân 6 tháng CPI tăng 1,72% so với cùng kỳ năm 2015 thì việc kiềm chế lạm phát năm nay ở mức dưới 5% sẽ gặp nhiều khó khăn.
Phân tích nguyên nhân CPI 6 tháng đầu năm tăng khá cao, ông Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương cho rằng do tác động từ nhóm yếu tố điều hành như dịch vụ y tế tăng theo lộ trình, giáo dục tăng, lương cơ bản tăng; từ nhóm yếu tố thị trường là giá hàng hóa thế giới tăng nhẹ trở lại từ tháng 2/2016.
Bên cạnh đó, những tác động bởi yếu tố thời tiết bất lợi làm cho sản xuất nông nghiệp giảm, ảnh hưởng nguồn cung lương thực thực phẩm.
Dự báo về những tháng cuối năm, ông Lê Quốc Phương đánh giá, nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng của năm 2016 khó đạt. Cụ thể, tăng trưởng GDP khó đạt chỉ tiêu 6,7%, tăng trưởng xuất khẩu khó đạt chỉ tiêu 10% và CPI khó đạt chỉ tiêu dưới 5%.
“Giá hàng hóa thế giới từ nay đến cuối năm sẽ có xu hướng tăng. Giá dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục tiếp tục tăng theo lộ trình cùng khả năng tăng trưởng tín dụng năm 2016 trên 20% sẽ đẩy giá lên nên CPI cả năm 2016 sẽ từ 5-5,5%," ông Lê Quốc Phương dự báo.
Đại diện Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cũng đánh giá, trong 6 tháng cuối năm, công tác quản lý, điều hành giá dự báo gặp nhiều thách thức do vẫn còn nhiều yếu tố có thể tác động mạnh đến chỉ số CPI. Những vấn đề chính trị và nhu cầu thực tế tại nhiều nước trên thế giới sẽ tiếp tục tác động đến giá dầu mỏ, khí đốt và ảnh hưởng đến giá mặt hàng nguyên liệu khác; từ đó tác động đến giá hàng hóa trong nước qua kênh nhập khẩu. Điều kiện thời tiết, môi trường phức tạp có thể ảnh hưởng tới biến động của giá lương thực, thực phẩm....
Bên cạnh đó, sức ép từ cân đối ngân sách, việc tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ công (y tế và giáo dục) theo lộ trình thị trường, chính sách điều chỉnh tỷ giá và mặt bằng lãi suất trong thời gian tới sẽ là những nhân tố cần được quan tâm, theo sát để điều hành cho phù hợp với diễn biến thị trường và thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát như đã đề ra.
Phó giáo sư, tiến sỹ Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế bày tỏ, dù mức lạm phát 6 tháng đầu năm còn thấp và cách xa mục tiêu kiểm soát, song đây vẫn là một biến số khó lường và đòi hỏi cẩn trọng trong điều hành. Nếu với sự điều hành thận trọng dự báo tốc độ lạm phát chung cho cả năm 2016 sẽ ở mức khoảng 4,2%. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm có nhiều yếu tố dự báo sẽ gây áp lực lên CPI, đặc biệt các mặt hàng y tế và giáo dục được đồng loạt điều chỉnh, thiên tai, thời tiết mất mùa, áp lực tỷ giá… nên sẽ không loại trừ khả năng lạm phát năm nay sẽ vượt mục tiêu 5%.
Theo ông Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng viện Kinh tế-Tài chính, lạm phát tháng 6 tăng 2,35%, đây là mức tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng nếu loại trừ đi yếu tố giá dịch vụ y tế được điều chỉnh thì mức tăng của CPI trong 6 tháng đầu năm chỉ khoảng 1%, như vậy không phải là lớn. Chính sách tiền tệ nên dựa vào mức này để điều hành.
Nhận định về diễn biến giá cả thị trường 6 tháng cuối năm, ông Nguyễn Đức Độ cho rằng, sẽ phụ thuộc vào việc nhà nước sẽ điều chỉnh giá dịch vụ y tế như thế nào. Những yếu tố khác cũng sẽ bình thường, giá dầu có lẽ sẽ không giảm nhưng sẽ không tăng mạnh, giá thực phẩm cũng không có biến động nhiều. Có lẽ trong thời gian dài hơn, lạm phát cũng sẽ thấp vì tăng trưởng không khả quan như mong đợi, đây là yếu tố quan trọng nhất kìm chế yếu tố tốc độ tăng giá.
Theo các chuyên gia kinh tế, để kiềm chế lạm phát năm nay xuống dưới 5%, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường trong nước và quốc tế. Bộ Tài chính tăng cường thu nợ đọng thuế và triển khai thu kịp thời phần bán vốn cổ phần của nhà nước ở một số doanh nghiệp.
Bộ Công Thương tiếp tục các biện pháp mạnh mẽ nhằm chống buôn lậu, gian lận thương mại; phối hợp với các hiệp hội ngành hàng nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính trong phát hành trái phiếu Chính phủ nhằm duy trì mặt bằng lãi suất ổn định. Phấn đấu giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành địa phương cần tăng cường thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật giá, thuế, phí, đặc biệt đối với những hàng hóa dịch vụ tiêu dùng thiết yếu; giám sát chặt chẽ kê khai giá của các doanh nghiệp đối với các mặt hàng bình ổn và mặt hàng bắt buộc phải kê khai giá./.
TTX