Thứ Ba, 24/9/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 30/10/2008 11:16'(GMT+7)

Kiềm chế lạm phát đi đôi với tránh thiểu phát

Bộ trưởng KHĐT Võ Hồng Phúc phát biểu tại hội trường

Bộ trưởng KHĐT Võ Hồng Phúc phát biểu tại hội trường

Trong 2 ngày qua, Quốc hội (QH) đã tập trung thảo luận tình hình Kinh tế-Xã hội năm 2008, phương hướng nhiệm vụ năm 2009. Các đại biểu QH đã phân tích rõ những hạn chế và yếu kém chủ quan; đồng thời, đưa ra các giải pháp thiết thực kiến nghị Chính phủ cần phải quyết liệt hơn trong chỉ đạo, quản lý, điều hành đất nước để ổn định và phát triển kinh tế xã hội và giải quyết những vấn đề bức xúc hiện nay.

Ý kiến thảo luận tại Quốc hội đã tập trung vào 7 vấn đề trọng tâm. Đó là, đánh giá tính đúng đắn và kết quả thực hiện 8 nhóm giải pháp do Chính phủ trình Quốc hội thông qua trước tình hình kinh tế không bình thường của quốc tế và trong nước năm 2008. Đề xuất các biện pháp để thực hiện có hiệu quả hơn mục tiêu đã điều chỉnh vao những tháng cuối năm cũng như dự kiến mức độ đạt được các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội đã được điều chỉnh của kế hoạch năm 2008. Những bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo điều hành nền kinh tế trong tình hình mới. Về việc chọn lựa mục tiêu tổng quát về kinh tế - xã hội năm 2009; về dự kiến chọn mức độ của các chỉ tiêu chủ yếu gắn với dự báo tình hình quốc tế và trong nước.

Đặc biệt, các đại biểu QH đề xuất rõ hơn, cụ thể hơn trên cơ sở dự kiến các nhóm giải pháp năm 2009 với yêu cầu vừa trực tiếp phục vụ mục tiêu của năm, đồng thời tạo điều kiện hoàn thành toàn diện kế hoạch 5 năm 2006 - 2010.

Hai ngày thảo luận về kinh tế- xã hội tại kỳ họp này, một lần nữa các đại biểu QH đã phản ánh được tiếng nói và khát vọng của cử tri, đòi hỏi cơ quan hành pháp cần phải quyết liệt và thiết thực hơn trong chỉ đạo, quản lý và điều hành đất nước. Làm thế nào để thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư? Các biện pháp ngăn chăn tiêu cực và yếu kém trong quản lý đất đai, xây dựng và vệ sinh an toàn thực phẩm? Siết chặt kỷ cương xã hội để chống tham nhũng, lãng phí có hiệu quả? Hay việc giải quyết hài hòa giữa yêu cầu phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường bền vững… Hàng loạt vấn đề ấy đều được các đại biểu QH đặt lên bàn nghị sự.

Một số đại biểu nêu ý kiến còn mang nặng phê phán, thậm chí có những ý kiến coi báo cáo của Chính phủ còn mang tính chủ quan, nhưng điều nhận thấy rõ hơn các kỳ họp trước là các đại biểu QH đã đóng góp nhiều hơn các giải pháp trong chỉ đạo, điều hành; vừa thiết thực vừa cụ thể ở tầm vĩ mô cũng như đối với các vùng miền và địa phương trong cả nước. Nhiều ý kiến rất xác đáng khi gợi mở các giải pháp tối ưu để giúp Chính phủ nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình trong việc thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế; thực hiện công bằng xã hội và hội nhập quốc tế. Đồng thời, tìm kiếm giải pháp để có được sự quản lý, điều hành tầm vĩ mô cho nền kinh tế đất nước phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, theo cả 3 trục kinh tế- xã hội- môi trường.

Các đại biểu QH cũng đề nghị Chính phủ tới đây cần phải có những giải pháp mạnh để kiềm chế lạm phát nhưng cũng phải linh hoạt để tránh thiểu phát; thực hiện các biện pháp đồng bộ trong việc thu hút và sử dụng các nguồn vốn đầu tư. Đồng thời, đã gợi mở thêm những vấn đề cần quan tâm trong công tác đền bù đất đai, giải phóng mặt bằng đó là phải kiên quyết thực hiện công khai, minh bạch đối với từng dự án đầu tư; qui định rõ trách nhiệm cụ thể của chính quừên địa phương và chủ đầu tư để khắc phục những hạn chế trong quản lý và sử dụng đất- một lĩnh vực đang rất sơ hở và gây nhiều khiếu kiện./.

TT-theo Trần Sông Thao (VOV)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất