Thứ Ba, 24/9/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 29/10/2008 23:8'(GMT+7)

Ngày 1/11, trình Quốc hội xét chỉ số GDP và lạm phát năm 2009

Qua thảo luận về tình hình KT-XH, nhiều đại biểu cho rằng, việc chúng ta chưa kiểm soát được tình hình lạm phát, giá cả là do công tác dự báo kém, không thích nghi nhanh với diễn biến bất thường tình hình thế giới. Bộ trưởng đánh giá sao về nhận định này?

Phải nói rằng công tác dự báo của chúng ta thời gian qua chưa đầy đủ lắm. Vì dự báo bây giờ gắn liền với dự báo quốc tế, ngay cả các nhà hoạch định chiến lược, nhà dự báo quốc tế nhiều lúc nhièu lúc cũng không dự báo nổi tình hình. Chẳng hạn như nhà phù thuỷ của kinh tế Mỹ mới đây cũng phải thừa nhận không thể lường trước được tình hình kinh tế lại xảy ra như vậy và ông phải nhận lỗi trước Quốc hội Mỹ. Nói như vậy để thấy rằng, công tác dự báo không hề đơn giản, nhất là khi chúng ta chưa có khả năng kết nối toàn cầu.

Tôi nghĩ rằng, việc dự báo phải là trách nhiệm của nhiều cơ quan: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) hay Chính phủ có những dự báo ở tính chất vĩ mô ở tầm trung hạn và dài hạn, còn để điều hành cụ thể thì các Bộ trưởng, các cơ quan quản lý Nhà nước phải có các bộ phận dự báo cho riêng mình.

Nhưng xét ở góc độ điều hành, Bộ KH&ĐT phải là cơ quan chủ trì tập hợp các báo cáo về dự báo của các ngành để từ đó, đưa ra những quyết sách, mục tiêu của từng năm, từng thời kỳ, phải không thưa Bộ trưởng?

Bộ KH&ĐT tham mưu cho Chính phủ để xây dựng những chiến lược trung hạn, dài hạn và từng năm, cho nên những dự báo của Bộ KH&ĐT có tính chất dài hơi. Hiện nay, chúng tôi cũng có một trung tâm thông tin và dự báo quốc gia và đang tập trung tăng cường vai trò của trung tâm này, đặc biệt là về nguồn nhân lực, xây dựng phương pháp dự báo cũng như mối quan hệ hợp tác quốc tế nhằm nâng cao năng lực dự báo.

Có ý kiến cho rằng, từ cuối năm ngoái đã xuất hiện dấu hiệu suy giảm về kinh tế nhưng lúc đó, Bộ KH&ĐT vẫn trình phương án tăng trưởng 7% và lạm phát 12% trong năm 2008, khiến các con số dự báo năm nay sai số khá lớn. Lỗi phải chăng là do Bộ KH& ĐT đã dự báo sai, thưa Bộ trưởng?

Năm 2007 không hề có dấu hiệu giảm phát, chỉ có một điều là vấn đề giá cả. Lúc đấy, chúng tôi chỉ nghĩ đến việc điều hành tài chính tiền tệ nên đã có cảnh báo, kiến nghị với Chính phủ về khả năng giá cả tăng. Chứ còn về tăng trưởng kinh tế, không chỉ Việt Nam mà ngay cả thế giới cũng dự báo tăng, không ai nghĩ rằng cuối năm 2008 nền kinh tế thế giới lại suy giảm.

Xin Bộ trưởng cho biết, khả năng suy giảm kinh tế trong năm sau của Việt Nam như một số chuyên gia vừa cảnh báo đã được Chính phủ đặt lên bàn nghị sự chưa?

Cái này chúng ta cần phải xem xét vì giảm phát của Việt Nam mới chỉ xuất hiện 1 tháng. Theo tôi, tình hình giảm phát phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ngoài lạm phát còn có sức sản xuất, sức mua của người dân và nhiều yếu tố khác nữa, vì vậy chúng ta chưa nên vội vàng kết luận là năm tới nền kinh tế của Việt Nam sẽ giảm phát hay lạm phát. Chúng ta phải theo dõi tiếp 2 tháng cuối năm rồi mới có kết luận. Tuy nhiên, Chính phủ cũng đã có biện pháp đề phòng, ngăn ngừa thiểu phát có thể xảy ra, vì chống giảm phát đòi hỏi phải có thời gian dài hơn là chống lạm phát.

Theo Bộ trưởng, năm 2009, Việt Nam có khả năng xảy ra giảm phát không?

Việc này chưa thể bình luận được. Vấn đề còn tuỳ thuộc vào tình hình khu vực và thế giới. Cái chính vừa rồi chỉ số lạm phát giảm là do giá thế giới giảm đột biến, đột ngột, như giá dầu giảm từ 147 USD/thùng xuống hơn 60 USD/thùng, đây là những con số rất lớn tác động đến chúng ta. Tôi cho rằng, chúng ta chưa nên vội dự báo mà phải xem xét, nghiên cứu.

Trước tình hình khó đoán định như vậy mà Chính phủ vẫn trình Quốc hội quyết chỉ số CPI và GDP như báo cáo tại phiên khai mạc kỳ họp thì liệu có khả thi không, thưa Bộ trưởng?

Theo tôi, chỉ số GDP và CPI vẫn có thể dự báo được. Tôi nghĩ rằng, vẫn phải nên trình con số để chúng ta có hướng điều hành, còn con số nào thì ngày 1/11 tới, Chính phủ sẽ họp. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, phân tích tình hình trong nước và thế giới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội báo cáo bổ sung.

Bộ trưởng nghĩ sao khi chúng ta dự báo tốc độ tăng GDP năm 2009 là 6,5% trong khi các nước trong khu vực mà chúng ta có quan hệ xuất khẩu, tín dụng, tiền tệ khá lớn và mật thiết, họ chỉ dám giữ mức tăng trưởng từ 2-3%, thậm chí có nước giữ để không bị âm?

Tôi nghĩ rằng chúng ta khác các nước bởi vì thị trường tài chính tiền tệ của ta chưa hội nhập đầy đủ với thế giới trong khi họ đã hội nhập đầy đủ nên bị tác động lớn. Thêm nữa, một số nước như Singapore, Nhật Bản lệ thuộc nhiều vào Mỹ và họ chủ yếu xuất khẩu những sản phẩm công nghệ cao, phục vụ cho nhu cầu lâu dài của người dân. Bây giờ thời kinh tế suy giảm, ít người dám sắm những phương tiện đắt tiền, công nghệ cao, do đó những nước này sẽ bị tác động lớn. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu những mặt hàng tiêu dùng rất thiết yếu như may mặc cho người bình dân, nông sản, thực phẩm... nên dù cho nhu cầu tiêu dùng có thể giảm nhưng chỉ ở một chừng mực nào đó.

Mặt khác, để đối phó với sự suy giảm, chúng ta tập trung kích cầu nội địa và chuyển hướng vào một số thị trường đang phát triển, ít chịu ảnh hưởng, tác động của suy giảm kinh tế như Trung quốc, Ấn Độ và một số thị trường Đông Nam Á khác./.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

(Theo: Hà Nội mới)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất