Ngày 11 tháng 9 năm 1972, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà Tôn Đức Thắng đã ký Sắc lệnh ban hành Pháp lệnh quy định việc bảo vệ rừng do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 6 tháng 9-1972. Đến ngày 21-5-1973, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 101/NĐ-CP“quy định hệ thống tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của Kiểm lâm nhân dân” . Cách đây 40 năm, (21-5-1973/21-5-2013) lực lượng Kiểm lâm Thanh Hoá được thành lập và trực thuộc UBND tỉnh Thanh Hoá. Sau khi ra đời, lực lượng Kiểm lâm đã sớm ổn định về tổ chức và bát tay vào thực hiện chức năng tham mưu thừa hành pháp luật về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và đã ba lần được tặng thưởng Huân chương lao động hạng ba-hạng nhì và hạng nhất. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập lực lượng Kiểm lâm Việt nam (21-5-2013), Kiểm lâm Thanh Hoá đã vinh dự được đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba, phần thưởng cao quý của Đảng và nhà nước trao tặng.
Với trách nhiệm cao cả trước Tỉnh uỷ và Uỷ ban nhân dân tỉnh, trực tiếp quản lý diện tích 626.812 ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm 56% diện tích tự nhiên của tỉnh, trong đó đất có rừng trên 557.355 ha. Rừng được quy hoạch thành 3 loại: Rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất với trữ lượng 15 triệu m3 gỗ các loại, hơn 100 triệu cây luồng, hàng vạn tấn lâm sản ngoài gỗ và nhiều lâm sản, đặc sản, chim thú rừng quý hiếm, có giá trị kinh tế trong nước và xuất khẩu. Rừng và tài nguyên rừng là nguồn sinh sống chủ yếu của hàng triệu đồng bào các dân tộc miền núi trong tỉnh. Rừng còn có tác dựng to lớn cả trước mắt và lâu dài về bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch sinh thái, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.
Rừng nguyên sinh khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (Thường Xuân)
|
Rừng Thanh hoá đã phát huy tác dụng to lớn trong 2 cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, đặc biệt là đã góp phần vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà và công cuộc tái thiết xây dựng đất nước sau chiến tranh. Ngày nay, rừng tiếp tục phát huy giá trị to lớn về kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường, đặc biệt là giải quyết nhu cầu việc làm, đời sống cho nhân dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới, ứng phó và hạn chế thiệt hại của quá trình biến đổi khí hậu. Những bước tiến quan trọng của hoạt động ngành lâm nghiệp luôn gắn liền với quá trình xây dựng, trưởng thành và phát triển của lực lượng kiểm lâm. Trong những năm gần đây, thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng, sự nghiệp phát triển nghề rừng theo hướng lâm nghiệp xã hội, nghề rừng nhân dân, lực lượng Kiểm lâm Thanh Hoá đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của ngành lâm nghiệp.
Lực lượng Kiểm lâm trong tỉnh đã luôn thấm sâu lời dạy bảo ân cần của Bác Hồ lúc sinh thời: “Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ và xây dựng thì rừng rất quý”, đã thực hiện tốt vai trò tham mưu cho các cấp chính quyền tuyên truyền vận động đồng bào các dân tộc, tổ chức triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tích cực và đã hoàn thành xuất sắc công tác giao đất lâm nghiệp cho tập thể và các hộ gia đình, tạo cho rừng có chủ đích thực và là tỉnh đầu tiên hoàn thành cơ bản công tác giao đất Lâm nghiệp trong những năm 90 của thế kỷ trước. Đây là yếu tố quyết định cho thành công của sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng cả trước mắt và lâu dài. Rừng có chủ, cùng với cơ chế chính sách của nhà nước, làm rõ quyền lợi và trách nhiệm của chủ rừng, đã tạo nên động lực quan trọng thúc đẩy chủ rừng và cộng đồng dân cư hăng hái thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng, làm cho vốn rừng ngày càng phát triển, an ninh rừng được ổn định theo hướng tích cực.
Nhận thức được yêu cầu thực tế đặt ra đối với công tác gìn giữ giá trị đa dạng sinh học của rừng, lực lượng Kiểm lâm Kiểm lâm đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh sớm qui hoạch ổn định hơn 80.000 ha rừng đặc dụng, bao gồm Vườn Quốc gia Bến En (Như Xuân), các khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (Bá Thước), Pù Hu (Quan Hoá), Xuân Liên (Thường Xuân), các khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng, Đền Bà Triệu, Lam Kinh, khu bảo tồn rừng Sến Tam qui (Hà Trung), khu bảo tồn một số loài cây hạt trần quý hiếm tại xã Nam Động, huyện Quan Hóa, những rừng cây Pơ mu cổ thụ hàng trăm năm tuổi mọc thuần loại ở Thường Xuân.v.v..để có kế hoạch chiến lược lâu dài bảo vệ những nguồn tài nguyên vô giá của rừng nhiệt đới Thanh Hoá..
Với phương châm “sát dân, bám rừng” lực lượng Kiểm lâm đã ngày đêm bám sát địa bàn, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, đấu tranh trấn áp các ổ nhóm lâm tặc, các đường dây buôn lậu lâm sản, tạo điều kiện cho nhân dân yên tâm sản xuất nghề rừng. Phong trào toàn dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng với sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc và các thành viên trong tổ chức mặt trận do lực lượng Kiểm lâm làm tham mưu, cấp ủy lãnh đạo, chính quyền điều hành đã tạo nên sức mạnh tổng hợp. Nhờ đó, những năm vừa qua số vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng hàng năm giảm đáng kể, đặc biệt là không để hình thành các “điểm nóng” về phá rừng, buôn bán lâm sản trái phép, nhất là trong 2 năm gần đây không xảy ra cháy rừng. Hoạt động kiểm tra kiểm soát, chống buôn lậu lâm sản luôn diễn ra nóng bỏng đặc biệt trên quốc lộ IA, Đường Hồ Chí Minh; các đối tượng buôn bán lâm sản từ các tỉnh phía Nam qua địa phận Thanh Hóa với nhiều thủ đoạn tinh vi xảo quyệt, khi bị phát hiện chúng đã ra sức chống đối quyết liệt. Hàng trăm vụ vi phạm pháp luật đã được phát hiện và xử lý, thu nộp ngân sách tỉnh hàng chục tỷ đồng. Bên cạnh nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, lực lượng Kiểm lâm được Nhà nước giao nhiệm vụ phát triển rừng sản xuất theo quyết định 147/QĐ của Thủ tướng Chính phủ, kết quả trong 3 năm (2010-2012) đã chỉ đạo trồng được trên 20.000 ha rừng tập trung, có chất lượng cao.
Thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác quản lý, bảo vệ rừng, tăng cường Kiểm lâm viên phụ trách địa bàn về xã trực tiếp giúp cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, tuyên truyền vận động nhân dân không đốt phá rừng làm rãy du canh, không gây cháy rừng, không khai thác buôn bán gỗ và lâm sản trái quy định của pháp luật, tuyên truyền vận động nhân dân phát huy vai trò làm chủ, tạo thành phong trào toàn dân tham gia bảo vệ rừng. Phương thức này đã được Bộ NN&PTNT tổng kết và tổ chức thực hiện rộng rãi trong phạm vi cả nước.
Tập trung chăm lo kiện toàn củng cố bộ máy tổ chức của lực lượng, thực hiện cải cách hành chính, đổi mới phương pháp công tác, lề lối làm việc, đi sâu nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động theo chức năng nhiệm vụ được giao. Đội ngũ công chức, viên chức Kiểm lâm đến nay có gần 80% đạt trình độ đại học và trên đại học, hầu hết đã qua thử thách trong thực tiễn công tác, đảm bảo hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ được giao hiện tại và lâu dài.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã xác định Kiểm lâm địa bàn là trung tâm, từ đó mọi hoạt động đều hướng về xây dựng địa bàn vững mạnh. Phát động phong trào thi đua“xây dựng Kiểm lâm địa bàn giỏi”, coi đó là biện pháp để thực hiện có hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng tận gốc, tạo nên phong trào thi đua sôi nổi. Trải qua 40 năm xây dựng và trưởng thành, các điển hình tiên tiến trong lực lượng Kiểm lâm liên tục phát triển mạnh mẽ và sâu rộng. Nhiều đề tài khoa học được các cấp nghiệm thu đưa vào áp dụng rộng rãi trong hoạt động sản xuất lâm nghiệp, trong đó có một số đề tài, sáng kiến được Tổng liên đoàn LĐVN cấp bằng lao động sáng tạo và được các cấp khen thưởng. Kết quả thực tiễn của phong trào thi đua đã tổng kết được một số kinh nghiệm lớn cho cả trước mắt và lâu dài:
Một là, rừng phải có chủ thực sự để chủ động quản lý bảo vệ theo chính sách quy định của nhà nước, việc này không ai có thể làm thay được chủ rừng. Bảo vệ, phát triển rừng phải gắn liền với lợi ích của chủ rừng, coi đó là động lực trực tiếp, yếu tố quyết định sự thành công của sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng.
Hai là, bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy Đảng, sự điều hành quản lý của chính quyền, sự tham gia tích cực của nhân dân, trong đó đặc biệt coi trọng vai trò, hiệu lực, hiệu quả của chính quyền cơ sở, trưởng thôn, già làng, trưởng bản, trưởng tộc.
Ba là, phải thường xuyên quan tâm xây dựng và củng cố lực lượng Kiểm lâm vững mạnh, trong đó coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về chính trị, pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ. Quan tâm việc tổ chức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh để xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ sức làm tốt chức năng tham mưu và tổ chức thừa hành pháp luật. Đồng thời phải rất coi trọng việc xây dựng tổ chức lực lượng quần chúng tham gia bảo vệ rừng ở các thôn, bản.
Lực lượng kiểm lâm Thanh Hoá đã trải qua một chặng đường dài với nhiều khó khăn, thử thách nhưng rất thành công và đáng tự hào, 40 năm ấy lực lượng Kiểm lâm đã phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn, tuân thủ sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng và quản lý của chính quyền, sự giúp đỡ to lớn của các cấp, các nghành, đặc biệt là đồng bào các dân tộc miền núi.
Với kết quả thành tích đã đạt được, lực lượng Kiểm lâm Thanh Hoá đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động các hạng Nhất, Nhì, Ba. Năm 2013 vinh dự tự hào được Đảng, Nhà nước trao tặng phần thưởng cao quý- Huân chương Độc lập Hạng Ba. Có được những phần thưởng cao quý đó ngoài sự phấn đấu bền bỉ của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức Kiểm lâm, còn có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và MTTQ tỉnh, sự chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp-PTNT, sự phối kết hợp của các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở, đặc biệt là sự giúp đỡ, đùm bọc chở che của đồng bào các dân tộc miền núi trong tỉnh
Bước vào thời kỳ mới, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng hết sức nặng nề, đòi hỏi lực lượng Kiểm lâm phải nâng cao hơn nữa về năng lực tham mưu và tổ chức thực hiện. Trước hết phải nắm vững quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế nông lâm nghiệp trong thời kỳ CNH-HĐH, giúp cấp ủy và chính quyền tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu nhiệm vụ phát triển nghề rừng, tăng cường các giải pháp bảo vệ đi đôi với việc nâng cao chất lượng rừng, đảm bảo an ninh rừng ổn định vững chắc. Nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phải trên cơ sở tái cấu trúc hoạt động ngành lâm nghiệp nhằm mục tiêu xã hội hóa nghề rừng, lấy lợi ích kinh tế của chủ rừng và cộng đồng dân cư làm động lực, đó là yếu tố có ý nghĩa quyết định đảm bảo sự thành công của công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng.
Không ngừng học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lực lượng Kiểm lâm Thanh Hoá cần tiếp tục phát huy những bài học kinh nghiệm thành công và chưa thành công trong quá trình hoạt động, phấn đấu với nhiệt tình và trách nhiệm cao nhất, làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy và chính quyền tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gắn với phát triển kinh tế trung du miền núi, đảm bảo an ninh rừng trên địa bàn của toàn tỉnh theo hướng bền vững, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và ứng phó với các nguy cơ biến đổi khí hậu, góp phần xây dựng Thanh Hoá trở thành tỉnh Kiểu mẫu theo mong muốn của Bác Hồ khi Bác đến thăm Thanh Hoá tháng 2 năm 1947./.
Bài và ảnh: Khương Bá Tuân (CTV)