Theo báo cáo của viện chính sách phi lợi nhuận Revenue Watch Institute có trụ sở
tại New York (Mỹ) về tình trạng tham nhũng và quản lý tài nguyên yếu kém trên
toàn cầu, hiện có tới hơn 80% các nước khai thác dầu mỏ, khí đốt và khoáng sản
chủ chốt trên thế giới không đạt yêu cầu về quản lý tài nguyên.
Ngày 15/5, Revenue Watch Institute lần đầu tiên công bố chỉ số quản trị giám sát
tài nguyên Resource Governance Index (RGI), chỉ số cho điểm và xếp hạng 58 nước
dựa trên mức độ minh bạch và đáng tin cậy trong lĩnh vực khai thác dầu khí và
khai mỏ. Chỉ số này sẽ được công bố hàng năm, bắt đầu từ năm nay.
Revenue Watch nhấn mạnh cuộc sống của trên 1 tỷ dân trên thế giới có thể
sẽ biến chuyển rõ rệt nếu chính phủ các nước quản lý dầu mỏ, khí đốt và khoáng
sản theo một cách cởi mở và đáng tín cậy hơn.
Trên thang điểm từ 1-100,
Na Uy dẫn đầu RGI với số điểm 98, tiếp theo là Mỹ với 92 điểm, Mianma đứng ở
chót bảng với 4 điểm.
Các nước sẽ được đánh giá dựa trên bốn yếu tố là
khung pháp lý, mức độ minh bạch, sự kiểm tra và cân đối của chính phủ, và công
tác giám sát.
Theo Revenue Watch, chỉ có 11 trên tổng số 58 nước nói
trên có số điểm vượt 70 - ngưỡng được đánh giá là đạt yêu cầu, trong khi có tới
32 nước không đáp ứng các tiêu chuẩn cơ bản về giám sát tài nguyên.
Các
nước xếp ở phía dưới thang điểm trên là những nước phụ thuộc chủ yếu vào tài
nguyên và coi đó là nguồn thu nhập chủ yếu.
Revenue Watch lưu ý rằng nếu
có thể cải thiện cách thức quản lý tài nguyên, chính phủ các nước sẽ tạo được sự
khác biệt đáng kể trong phát triển kinh tế.
Ngay cả những nước xếp ở thứ
hạng cao, như Canada, Mỹ và Australia, cũng không tránh khỏi bị chỉ trích về
việc để cho các công ty đa quốc gia của họ có những hành vi không minh bạch tại
nhiều nước mà các công ty này đang hoạt động.
Trong một cuộc trả lời
phỏng vấn, Chủ tịch Revenue Watch, Daniel Kaufmann, nói rằng những biện pháp đảm
bảo minh bạch trong các hợp đồng sẽ giữ vai trò quan trọng trong việc cải thiện
tình hình quản lý tại các nước giàu tài nguyên.
Ông cũng đề cập tới một
chương trong Đạo luật Dodd-Frank của Mỹ năm 2010 trong đó yêu cầu các công ty
công bố số tiền họ trả cho các chính phủ để tiếp cận dầu mỏ, khí đốt và khoáng
sản. Điều này sẽ giúp các nhà đầu tư đánh giá được mức độ rủi ro chính xác
hơn./.
Như Mai
(TTXVN)