Thứ Năm, 28/11/2024
Biển và Hải đảo Việt Nam
Thứ Bảy, 7/6/2014 10:5'(GMT+7)

Kiểm ngư-chỗ dựa tin cậy của ngư dân

Hoạt động kiểm ngư đã có từ lâu

Đồng chí Nguyễn Văn Trung, Phó cục trưởng Cục Kiểm ngư (Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Hoạt động kiểm ngư đã có từ rất lâu ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, Cục Kiểm ngư chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-3-2013 và ngày 15-4 vừa qua mới làm lễ ra mắt, nhưng hoạt động kiểm ngư tại Việt Nam thì đã có từ nhiều năm nay. Tiền thân của lực lượng Kiểm ngư Việt Nam là Thanh tra Bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Nghị định số 102/2012 ngày 29-11-2012 của Chính phủ quy định: "Kiểm ngư là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thuộc Tổng cục Thủy sản trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện chức năng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và thanh tra chuyên ngành thủy sản trên các vùng biển Việt Nam".

Cũng theo Nghị định số 102/2012 thì Kiểm ngư Việt Nam có quyền tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thanh tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản trên các vùng biển Việt Nam theo quy định của pháp luật. Kiểm ngư Việt Nam cũng có quyền xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với hành vi vi phạm pháp luật thủy sản của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hoạt động thủy sản trên các vùng biển Việt Nam. Kiểm ngư được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thanh tra, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật về thủy sản.

Kiểm ngư Việt Nam còn tham gia công tác phòng, chống thiên tai và phối hợp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia trên các vùng biển theo quy định của pháp luật.

Nhiệm vụ và quyền hạn của kiểm ngư viên

Theo quy định của Nghị định số 102/2012, Cục Kiểm ngư có các Chi cục Kiểm ngư vùng, các phòng chuyên môn và đơn vị sự nghiệp.

Về tổ chức, lực lượng hiện nay của Kiểm ngư Việt Nam, theo đồng chí Nguyễn Văn Trung, Phó cục trưởng Cục Kiểm ngư thì Cục Kiểm ngư có trụ sở chính tại Hà Nội. Có 4 Chi cục Kiểm ngư vùng (Vùng I quản lý vùng biển từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên-Huế, Vùng II quản lý vùng biển từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận, Vùng III quản lý vùng biển từ Bình thuận đến Cà Mau, Vùng IV quản lý vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang). Các Chi cục Kiểm ngư vùng có các Chi đội Kiểm ngư trực thuộc. Ngoài ra còn có 8 trạm kiểm ngư (tại các đảo: Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Song Tử Tây, Đá Tây, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc) và các tàu kiểm ngư.

Theo Nghị định số 102/2012, kiểm ngư viên là công chức được bổ nhiệm vào ngạch Kiểm ngư viên để thực hiện nhiệm vụ kiểm ngư. Kiểm ngư viên được cấp Thẻ Kiểm ngư, trang phục và các trang thiết bị chuyên ngành. Kiểm ngư viên được sử dụng các phương tiện, công cụ hỗ trợ, các thiết bị chuyên dùng khi thi hành công vụ theo quy định của pháp luật.

Kiểm ngư viên được hưởng chế độ lương, phụ cấp thâm niên, phụ cấp trách nhiệm theo nghề, các phụ cấp khác theo quy định của pháp luật. Kiểm ngư viên, thuyền viên tàu kiểm ngư trong khi thi hành nhiệm vụ nếu bị thương, bị hy sinh thì được xem xét, công nhận là thương binh, liệt sĩ và được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

Theo các đồng chí lãnh đạo Cục Kiểm ngư, tiêu chuẩn đầu tiên của kiểm ngư viên là phải có phẩm chất đạo đức tốt, có kiến thức về hàng hải, nắm vững các ngư trường, am hiểu luật pháp Việt Nam cũng như luật pháp quốc tế về chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên các vùng biển khác nhau…

Hiện đại hóa lực lượng kiểm ngư

Do vị trí quan trọng của kiểm ngư đối với việc phát triển kinh tế biển và góp phần bảo vệ chủ quyền trên biển nên lực lượng kiểm ngư đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và toàn xã hội.

Tại buổi lễ ra mắt lực lượng Kiểm ngư Việt Nam (ngày 15-4-2014), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã đến dự.

Phát biểu tại lễ ra mắt, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định lực lượng Kiểm ngư được thành lập là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng để đảm bảo thực thi pháp luật về thủy sản trên biển, làm cơ sở cho việc quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững; đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hoạt động thủy sản trên các vùng biển.

Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Đoàn công tác của Chính phủ đã thị sát tàu kiểm ngư cỡ lớn mang số hiệu KN-781- một trong những con tàu tuần tra lớn nhất của Việt Nam, sẽ được bàn giao trong tháng 6-2014. Con tàu này được đóng tại Công ty Đóng tàu Hạ Long thuộc Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam. Tàu có lượng giãn nước trên 2000 tấn, công suất máy hơn 12.000 mã lực, có khu vực chứa và sân đỗ cho máy bay trực thăng, chịu được sóng lớn để đi biển dài ngày. Tàu cũng được gia cố vỏ thép dày và được trang bị vũ khí âm thanh tầm xa, có vòi rồng phun nước cường độ cực mạnh.

Sau khi kiểm tra tàu KN-781, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã quyết định sẽ đầu tư thêm 200 triệu USD để đóng thêm 4 chiếc tàu như tàu KN-781, đưa số tàu có lượng giãn nước trên 2000 tấn của lực lượng kiểm ngư lên 6 chiếc.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đồng ý cho đóng thêm 15 tàu kiểm ngư tầm trung. Như vậy, trong tương lai gần, với 30 tàu kiểm ngư đã và sắp được bàn giao, cùng với các tàu nêu trên, lực lượng Kiểm ngư Việt Nam sẽ có hơn 50 tàu hiện đại, hoàn toàn có thể đáp ứng được nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển, hỗ trợ và bảo vệ ngư dân, cứu hộ cứu nạn trên biển.

Lãnh đạo Cục Kiểm ngư Việt Nam cho biết, hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng Đề án Tổng thể phát triển lực lượng kiểm ngư đến năm 2020, định hướng đến 2030 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đề án này, kiểm ngư sẽ có 5 vùng (thêm một vùng so với hiện nay) và tiếp tục đóng thêm tàu để hiện đại hóa lực lượng kiểm ngư, trong đó chú trọng đến việc hiện đại hóa thiết bị thông tin liên lạc để thuận tiện cho việc quản lý các ngư trường, tham gia bảo vệ chủ quyền vùng biển của Việt Nam. Trong đề án cũng chú trọng đến công tác giúp ngư dân khai thác, đánh bắt thủy sản hiệu quả, tiết kiệm chi phí sản xuất… Dự kiến đến năm 2016, Cục Kiểm ngư sẽ thành lập Trung tâm Huấn luyện kiểm ngư để huấn luyện, đào tạo cơ bản và chuyên sâu nghiệp vụ kiểm ngư viên.

Theo Quân đội Nhân dân
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất