Thứ Bảy, 7/12/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 13/10/2021 8:15'(GMT+7)

"Kiểm soát tốt dịch bệnh là điều kiện tiên quyết phục hồi kinh tế"

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Ảnh: TTXVN)

Chiều 12/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh đã có buổi giám sát về công tác phòng, chống dịch và tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh năm 2021.

Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; đại diện một số bộ, ngành Trung ương.

Tại buổi giám sát, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chia sẻ với Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về những mất mát, đau thương mà thành phố đã phải gánh chịu trong đại dịch; đồng thời đánh giá, đến nay với tinh thần quyết tâm, quyết liệt, huy động mọi nguồn lực, thành phố đã vượt qua thử thách khó khăn nhất trong tổ chức bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân.

Chủ tịch nước cũng biểu dương và cảm ơn các lực lượng tuyến đầu, các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức, cộng đồng các tôn giáo, đồng bào ta ở trong và ngoài nước đã đồng tâm hiệp lực, đoàn kết, chung sức, chung lòng cùng cả nước và người dân Thành phố Hồ Chí Minh trong phòng, chống dịch COVID-19.

Để giữ vững thành quả đạt được, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Thành phố Hồ Chí Minh cần hiểu rõ, nhất quán về chiến lược mới trong phòng, chống dịch COVID-19, với phương thức, cách làm phù hợp, không để lây lan dịch.

“Việc kiểm soát tốt dịch là điều kiện tiên quyết để phục hồi kinh tế, xã hội. Chính quyền thành phố cần tiếp tục xây dựng hệ thống quản lý rủi ro để có thể xác định, đánh giá, giám sát nhằm giảm thiểu tác động do dịch bệnh", Chủ tịch nước lưu ý.

Yêu cầu quán triệt chiến lược mới đối với cả người dân và doanh nghiệp theo hướng sản xuất phải an toàn, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng sự thành công và bền vững của nền kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh phụ thuộc vào khả năng phục hồi và thích ứng, tiếp tục đóng cửa thì sẽ không chịu nổi, có thể xảy ra những điều tồi tệ, đó là phá sản hàng loạt doanh nghiệp, hàng triệu người lao động mất việc làm, nghèo đói xuất hiện, suy dinh dưỡng gia tăng, bất bình đẳng…

Về khôi phục kinh tế, Chủ tịch nước đề nghị thành phố tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu, đó là tiếp tục đảm bảo huyết mạch kinh tế thông suốt, lưu thông hàng hóa, nhân lực, dịch vụ tài chính tín dụng, thanh khoản cho doanh nghiệp, nối lại chuỗi cung ứng hàng hóa. Khôi phục phát triển, đối thoại, nắm bắt, giải quyết khó khăn của từng doanh nghiệp, từng dự án; triển khai nhanh và hiệu quả các gói hỗ trợ tín dụng, miễn giảm thuế; thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh đầu tư công…

Thành phố cần giải quyết tốt vấn đề lao động việc làm, tạo điều kiện thu hút nguồn lao động bằng các biện pháp hỗ trợ như tiêm vaccine, điều kiện nhà ở, chính sách an sinh xã hội; phối hợp cùng các địa phương lân cận để đưa người lao động trở lại, triển khai đào tạo, đào tạo lại, kết nối người lao động với doanh nghiệp...

Về an sinh xã hội, Chủ tịch nước cũng lưu ý thành phố tiếp tục quan tâm hỗ trợ sức khỏe thể chất, tinh thần cho người dân, nhất là cho nhóm người dễ bị tổn thương; huy động mọi nguồn lực cùng Nhà nước giải quyết các gó an sinh xã hội.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị thành phố tập trung tìm động lực mới cho tăng trưởng, tháo gỡ điểm nghẽn thể chế pháp luật, đẩy mạnh kinh tế số, chuyển đổi số, tái cấu trúc lại cơ cấu kinh tế...; tận dụng nguồn lực cán bộ khoa học, đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ số, đi trước cả nước trong triển khai nông nghiệp số, thương mại số... hướng đến mô hình kinh tế sáng tạo, lấy sáng tạo làm động lực phát triển.

Ngoài ra, thành phố sớm xây dựng Trung tâm tài chính khu vực phù hợp với mô hình tăng trưởng mới; nhanh chóng xây dựng kế hoạch trung hạn phục hồi nền kinh tế giai đoạn 2022-2025, giúp lấy lại đà tăng trưởng, tạo sức bật phát triển kinh tế trong những năm sau.

Chủ tịch nước cũng đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố nghiên cứu đề xuất Quốc hội, Chính phủ tăng tỷ lệ điều tiết nguồn thu để lại cho thành phố, để có nguồn lực phục hồi phát triển kinh tế.

Chia sẻ tại buổi giám sát, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết trong đại dịch, điều nhận thấy rõ nhất là tinh thần đoàn kết, thương yêu đùm bọc, kiên cường chịu đựng, đồng cam cộng khổ, thắt lưng buộc bụng vượt qua khó khăn của người dân, doanh nghiệp.

Thành phố nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo, chia sẻ, động viên, quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị; đặc biệt hệ thống y tế, lực lượng vũ trang, hệ thống chính trị cơ sở và người dân không quản ngại nguy hiểm khó khăn, tham gia tuyến đầu, chung sức trong cuộc chiến đấu với đại dịch.

Cảm ơn những góp ý và gợi mở của các đại biểu, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên mong muốn Chủ tịch nước cùng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố tiếp tục quan tâm, ủng hộ, chỉ đạo Thành phố trong quá trình xây dựng, triển khai các chiến lược phục hồi kinh tế, phát triển trong lĩnh vực xã hội, trong đó có các vấn đề về nhà ở, dân cư, an sinh...

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đến nay, thành phố có trên 400.000 trường hợp mắc bệnh, trên 222.000 bệnh nhân đã xuất viện (không kể các trường hợp điều trị tại tầng 1 và tại nhà đã khỏi bệnh), đang điều trị 23.000 bệnh nhân, có 15.700 trường hợp tử vong. Số ca mắc mới hằng ngày giảm còn khoảng 1.000-2.000 người; số trường hợp tử vong hằng ngày đã giảm dưới hai con số, phản ánh tình hình dịch trên địa bàn được kiểm soát tốt.

Về kinh tế, tác động của đợt dịch lần thứ tư phản ánh rõ trong bức tranh kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh. Tốc độ tăng trưởng GRDP của thành phố 6 tháng tăng 5,66% so với cùng kỳ; tuy nhiên đến quý 3/2021, tốc độ tăng trưởng giảm mạnh, giảm 24,39% so với cùng kỳ. Do những khó khăn trên, GRDP 9 tháng năm 2021 giảm 4,98% so với cùng kỳ, dự báo cả năm 2021 giảm 5,06% và không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức,  cho biết thời gian qua, thành phố đã quán triệt, tuân thủ nghiêm ngặt sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cùng các đồng chí lãnh đạo, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19; chấp hành biện pháp, hướng dẫn về chuyên môn của Bộ Y tế và chủ động lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia, nhà khoa học để đưa ra các quyết định chủ trương phù hợp với tình hình thực tiễn.

'Kiem soat tot dich benh la dieu kien tien quyet phuc hoi kinh te' hinh anh 2Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu. (Ảnh: TTXVN)

Công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại thành phố đã đi đúng hướng, tạo tiền đề cho việc kiểm soát được dịch, sớm đưa thành phố trở lại trạng thái “bình thường mới".

“Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện Chỉ thị số 18 của Ủy ban Nhân dân thành phố,  góp phần tạo sự phấn khởi cho người dân, doanh nghiệp; các chốt kiểm soát nội thành đã được tháo gỡ, từng bước chuyển sang trạng thái “bình thường mới," số doanh nghiệp, hộ kinh doanh mở cửa trở lại có xu hướng tăng dần, tình hình kinh tế dần được cải thiện, từng bước phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn thành phố", Phó Chủ tịch Dương Anh Đức chia sẻ.

Về định hướng thời gian tới, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết thành phố sẽ chủ động cập nhật các kịch bản tăng trưởng kinh tế phù hợp với từng giai đoạn, diễn biến của dịch; hằng tháng tiến hành rà soát các nhiệm vụ, tiến độ thực hiện các chương trình, đề án và chương trình công tác năm 2021.

Thành phố xác định nhiệm vụ, giải pháp đối với từng ngành, lĩnh vực, địa phương để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc và kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện; tập trung triển khai các giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu, theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách; phấn đấu đạt trên 90% chỉ tiêu thu ngân sách năm 2021…/.

Xuân Khu-Tiến Lực (TTXVN)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất