(TG) - Thực hiện kế hoạch công tác năm 2021, sáng 17/12, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai (BCĐQG) đã tổ chức họp trực tuyến kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai tại các tỉnh/thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc - Thành viên BCĐQG chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) có đại diện các đơn vị liên quan thuộc Bộ KH&CN: Vụ KH&CN các ngành kinh tế kỹ thuật, Cục An toàn bức xạ hạt nhân cùng đại diện Văn phòng thường trực BCĐQG. Tại điểm cầu của các địa phương có đại diện Lãnh đạo UBND, đại diện lãnh đạo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đại diện một số cơ quan liên quan là thành viên Ban chỉ huy PCTT&TKCN của 3 tỉnh nêu trên.
Hội nghị trực tuyến được tổ chức nhằm đánh giá toàn diện công tác PCTT năm 2021, những kết quả đạt được, những vấn đề tồn tại, bài học kinh nghiệm từ thực tế công tác chỉ đạo, điều hành trong thời gian vừa qua tại các tỉnh/thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương. Theo đó, các địa phương cũng đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm đối với công tác PCTT năm 2022, trong đó cần triển khai quyết liệt các giải pháp đồng bộ từ phòng ngừa đến ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và vật chất theo tinh thần nội dung Chỉ thị 42/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong bối cảnh dịch Covid-19, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, giảm thiểu thiệt hại.
Tại Hội nghị, đại diện Ban chỉ huy PCTT&TKCN của 3 tỉnh/thành phố đã báo cáo công tác PCTT&TKCN trên địa bàn theo 10 nội dung BCĐQG yêu cầu liên quan đến việc thực hiện pháp luật về phòng, chống thiên tai cũng như các Chỉ thị, Nghị quyết, Quyết định của Đảng và Chính phủ. Theo đó, trong năm 2021 tuy thiên tai không xảy ra khốc liệt như các năm trước nhưng các địa phương đã tích cực, chủ động trong công tác phòng, chống và góp phần làm giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn, đặc biệt phương án ứng phó thiên tai của các địa phương đã tuân thủ theo đúng phương châm “4 tại chỗ”, đầy đủ theo trình tự trước, trong và sau khi xảy ra thiên tai. Sẵn sàng lực lượng và các kịch bản bảo vệ an toàn công trình, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân khu vực chịu ảnh hưởng của thiên tai trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 vẫn đang tiếp diễn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Lãnh đạo Ban chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương cũng đề cập đến những khó khăn, hạn chế ảnh hưởng đến quá trình thực hiện nhiệm vụ PCTT&TKCN trên địa bàn, đặc biệt là diễn biến của dịch bệnh Covid-19 trong năm 2021, đồng thời, đã đưa ra những kiến nghị, đề xuất nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác PCTT&TKCN trong thời gian tới.
Tại Hội nghị, Ông Lê Quang Tuấn, đại diện Tổng cục Phòng chống thiên tai- Văn phòng thường trực của BCĐQG đã chia sẻ tình hình thiên tai trên thế giới và tại Việt Nam trong năm 2021, phổ biến một số nội dung sửa đổi trong luật cũng như các Nghị định liên quan đến phòng chống thiên tai như về nguồn lực, phương tiện, trang thiết bị, công trình PCTT, quỹ PCTT, lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp cơ sở, đồng thời nhấn mạnh những nội dung quan trọng về ứng dụng KH&CN, kết nối số trong công tác cảnh báo, dự báo, phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai… Qua đó, mong muốn Bộ KH&CN và các tỉnh có kế hoạch tăng cường năng lực ứng phó với thiên tai thông qua thúc đẩy ứng dụng tiến bộ KH&CN.
Kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc ghi nhận các ý kiến phát biểu của địa phương trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Theo Thứ trưởng, công tác PCTT ngày càng trở thành vấn đề rất lớn không chỉ ở Việt Nam mà cả các nước trên thế giới, thu hút sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các đoàn thể và người dân. Mức độ thiệt hại do thiên tai, do dịch bệnh ngày càng nặng nề, trong đó có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Điều đó đòi hỏi, các cấp, các ngành, địa phương cùng nỗ lực, quán triệt đến cấp dưới và đến từng người dân.
Về các kiến nghị của các địa phương như quy định bổ sung nguồn nhân lực chuyên trách, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực, cung cấp, hỗ trợ các công cụ hỗ trợ chỉ đạo điều hành phòng, chống thiên tai, lập quy hoạch thủy lợi, phòng, chống thiên tai khu vực Đông Nam Bộ làm cơ sở cho địa phương xây dựng các phương án phát triển hệ thống đê điều, thủy lợi…, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết sẽ trao đổi với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan để tổng hợp và có hướng giải quyết trong thời gian sớm.
Duy Phong