(TG) - Để chủ động ứng phó với mưa bão, các địa phương từ Quảng Bình đến Bình Thuận dự kiến kế hoạch sơ tán đảm bảo an toàn cho 51.032 hộ với 238.345 người tại các lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản và khu vực ven biển có nguy cơ chịu ảnh hưởng của bão.
Bão Rai sau khi vào Biển Đông vẫn có cường độ rất mạnh, vì vậy, các địa phương dự báo trong vùng ảnh hưởng của bão đã lên kế hoạch ứng phó phù hợp.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, sáng nay (17/12), sau khi đổ bộ vào đất liền Philippines, siêu bão Rai đã giảm đi 1 cấp, không còn ở cấp siêu bão. Hiện bão đang ở cấp 14-15, giật cấp 17.
Bão Rai vẫn đang trên vùng biển phía Tây miền Trung Philippines, mỗi giờ đi được 20-25km. Dự báo, khoảng chiều tối nay, bão sẽ đi vào Biển Đông trở thành cơn bão số 9 của năm 2021.
Trong 24-48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hường Tây Tây Bắc 20km/h, tiếp tục giảm cấp độ xuống còn cấp 13-14, giật cấp 17.
Đến ngày 19/12, bão Rai ở cách bờ biển Bình Định-Khánh Hòa khoảng 280km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150km/giờ), giật cấp 16.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão số 9 đổi hướng di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km.
Ngày 20/12, vị trí tâm bão ở cách bờ biển Đà Nẵng-Bình Định khoảng 150km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (120-135km/giờ), giật cấp 15.
Sau khi đi vào vùng ven biển nước ta, cường độ bão Rai tiếp tục có xu hướng suy giảm tuy nhiên vẫn còn rất mạnh. Bão có hướng di chuyển lên phía Bắc là hết sức bất thường, rất hiếm gặp. Hơn nữa, bão còn chịu tương tác của khối không khí lạnh nên diễn biến càng phức tạp, khó lường.
Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai báo cáo, đến hết ngày 16/12 đã có 4 tỉnh, thành phố ra lệnh cấm biển gồm: Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam; Quảng Ngãi. Các tỉnh còn lại dự kiến cấm vào ngày hôm nay (17/12), riêng Thừa Thiên Huế vào ngày 18/12 (vụ đánh cá Bắc trong khu vực dự kiến ra khơi từ ngày 19-21/12/2021).
Để chủ động ứng phó với mưa bão, các địa phương từ Quảng Bình đến Bình Thuận dự kiến kế hoạch sơ tán đảm bảo an toàn cho 51.032 hộ với 238.345 người tại các lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản và khu vực ven biển có nguy cơ chịu ảnh hưởng của bão. Các địa phương vẫn tiếp tục rà soát, cập nhật cho phù hợp với diễn biến của bão, tuyệt đối không để người lao động, ngư dân ở lại trên tàu, lồng bè khi bão đổ bộ.
Hiện nay, các địa phương đã sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho tàu thuyền cũng như người dân trên các đảo; việc dự trữ lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cần thiết đã được đảm bảo.
Trong trường hợp bão đổ bộ, người dân sẽ được sơ tán xen ghép tại các nhà kiên cố trong dân hoặc di chuyển đến các trụ sở cơ quan, công trình công doanh trại quân đội… Đi đôi với việc ứng phó mưa bão là việc đảm bảo an toàn dịch COVID -19.
Tổ chức bắn pháo hiệu cảnh báo bão cho tàu thuyền và ngư dân ven biển.
Sẵn sàng triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, hồ đập, công trình đang thi công, bố trí lực lượng, phương tiện, thiết bị sẵn sàng xử lý khi có tình huống.
Các Bộ, ngành tùy vào chức năng, nhiệm vụ được giao mà có phương án ứng phó phù hợp với tình hình thực tiễn, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản cho người dân./.
Thế Minh