Đẩy mạnh tuyên truyền phòng tránh bệnh sởi
Tại Hà Nội, đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đã đến kiểm tra công tác khám chữa bệnh cho bệnh nhân sởi tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn.
Tại đây, Bộ trưởng đã đánh giá cao nỗ lực của tập thể Bệnh viện Xanh Pôn trong công tác điều trị cho bệnh nhân sởi, đồng thời yêu cầu bệnh viện cần có khu điều trị cách ly cho bệnh nhân, thực hiện phân tuyến bệnh nhân ngay từ tuyến dưới, hạn chế tối đa chuyển lên tuyến trên gây quá tải, tránh lây nhiễm chồng chéo; các bệnh viện cần phân tuyến riêng các ca nghi sởi ngay từ khâu khám sàng lọc…; phấn đấu giảm tối đa ca mắc sởi bị tử vong và bị biến chứng do sởi.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, ngành y tế Hà Nội cần phải mở khóa tập huấn về phòng, chống các dịch bệnh liên tục cho các cán bộ y tế từ phường, xã, thị trấn đến tuyến quận, huyện, thị xã; tuyên truyền để người dân hiểu tác dụng của tiêm chủng nói chung và tiêm vắcxin sởi nói riêng, đồng thời triển khai tiêm vắcxin sởi trong độ tuổi và tiêm vét sởi.
Trước tình trạng bệnh sởi diễn biến phức tạp, những ngày gần đây, người dân Hà Nội đổ đến các tiêm chủng vắcxin sởi dịch vụ tăng vọt nhưng các điểm này đều khan hiếm vắcxin để đáp ứng.
Tại điểm tiêm vắcxin dịch vụ trên phố Sơn Tây, nhân viên y tế ở đây cho biết, số người tiêm vắcxin sởi tăng vọt trong những ngày gần đây, trung bình mỗi ngày có khoảng 100 người đến tiêm nhưng hai ngày nay cơ sở không còn vắcxin để đáp ứng.
Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, số người đi tiêm vắcxin sởi tại các điểm tiêm dịch vụ trong những ngày này tăng khoảng 30% so với ngày thường. Hiện nay, ngành y tế vẫn có đủ vắcxin sởi để đáp ứng cho chương trình tiêm chủng phòng sởi cho trẻ trong độ tuổi tại các trạm y tế xã, phường.
Để phòng tránh lây chéo trong bệnh viện và chuẩn bị tiếp nhận thêm bệnh nhân sởi từ Bệnh viện Nhi Trung ương chuyển xuống, tuyến dưới chuyển lên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc chỉ đạo, ngay trong ngày 19/4, Bệnh viện Xanh Pôn sử dụng tầng 4 khu nhà điều trị Nội mới với 50 giường bệnh để điều trị cho các bệnh nhân sởi.
Đối với các bệnh viện Thanh Nhàn, Đống Đa, Hà Đông và Đức Giang, Sở Y tế đi kiểm tra công tác điều trị bệnh nhân sởi ngay trong ngày 19 và 20/4.
Trước tình hình bệnh nhân mắc sởi tăng cao, thành phố đã giao cho các quận, huyện, thị xã và ngành y tế đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu; các cơ quan liên quan cần nắm bắt đối tượng lây nhiễm sởi; các bệnh viện phải báo cáo hàng ngày tình hình bệnh nhân sởi và số ca đang điều trị; tiêm chủng vét cho số trẻ còn lại.
Tính đến hết ngày 18/4, Hà Nội đã có 79,8% trẻ đi tiêm chủng phòng sởi.
Cũng trong ngày 19/4, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã kiểm tra đột xuất công tác phòng, chống bệnh sởi tại quận Ba Đình.
Phân luồng trong khám và điều trị bệnh sởi
Đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Lê Quang Cường đã có buổi làm việc với Sở y tế Thành phố Hồ Chí Minh và 3 Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới về tình hình bệnh sởi.
Theo thống kê của phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 1, tính từ đầu năm đến nay bệnh viện đã điều trị nội trú cho hơn 1.000 ca mắc bệnh sởi, chiếm 60% tổng số bệnh nhi nhập viện.
Trong đó, bệnh nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh chiếm 57% và số còn lại là bệnh nhân từ các tỉnh thành lân cận.
Trong số hơn 1.000 ca điều trị nội trú tại bệnh viện, có 117 ca biến chứng do viêm phổi, 2 ca phải thở máy và 10 ca phải thở oxy với áp lực dương liên tục (gọi tắt là CPAP).
Tuy nhiên, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa nhiễm-thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, chỉ có 2% bệnh nhi mắc bệnh sởi được tiêm chủng đầy đủ. 98% còn lại chỉ tiêm được 1, 2 mũi đầu.
Hiện tại bệnh viện này bố trí riêng 2 phòng bệnh để điều trị nội trú cho bệnh nhi sởi theo phương pháp là cách ly hoàn toàn khoa nhiễm.
Khi lượng bệnh nhân tăng cao, bệnh viện này mở rộng khu cách ly cho đến hết phòng cấp cứu khoa nhiễm. Hiện khoa Nhiễm đã bố trí gần 150 giường bệnh để điều trị cho bệnh nhân tới điều trị.
Bệnh viện Nhiệt đới (Thành phố Hồ Chí Minh), từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận và điều trị 938 trường hợp mắc bệnh sởi, trong đó 843 ca điều trị nội trú và chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong do sởi.
Trong tổng số ca điều trị nội trú, 367 ca có biến chứng viêm phổi, phải điều trị kháng sinh, các ca này chủ yếu rơi vào nhóm tuổi dưới 3. Tuy nhiên, các trường hợp bệnh nặng không nhiều, đến nay chỉ có 60 ca bệnh nặng phải nhập khoa hồi sức cấp cứu, chiếm khoảng 7% số ca điều trị nội trú.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới, trong số các ca điều trị nội trú thực chất chỉ có khoảng 50% trường hợp cần nhập viện thật sự, còn lại là do người nhà có yêu cầu, bệnh nhân ở xa tới,… có yêu cầu nhập viện nên bệnh viện không thể từ chối.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, bác sĩ Hà Mạnh Tuấn, Giám đốc Bệnh viện cho biết, hiện nay trung bình mỗi ngày, Bệnh viện khám chữa bệnh cho 40 ca sởi, tỷ lệ nhập viện khoảng 50%.
Các trường hợp nhập viện chủ yếu là đối tượng trẻ mắc sởi dưới 9 tháng, bệnh nhân mắc sởi cùng lúc với một bệnh nền khác, bệnh nhân có biến chứng viêm não, viêm phổi. Ngoài ra, nhiều trường hợp gia đình nghe dịch sởi đang diễn biến bất thường nên tha thiết xin nhập viện chứ thực tế không đến mức phải điều trị nội trú.
Với những trường hợp này, bệnh viện thực hiện khám sàng lọc lại và có giải thích cụ thể để người nhà yên tâm điều trị ngoại trú. Tính đến ngày 15/4, Bệnh viện Nhi đồng 2 có 733 trường hợp được xác định lâm sàng là mắc sởi điều trị nội trú tại bệnh viện. Trong đó, có 32% là biến chứng viêm phổi và 0,5% biến chứng viêm não.
Có một trường hợp tử vong trên bệnh nền viêm phổi mãn tính và sinh non, đã từng nhập viện và điều trị nhiều lần.
Sau khi đi khảo sát tại 3 bệnh viện, Thứ trưởng Lê Quang Cường đánh giá thành phố Hồ Chí Minh đã ứng phó tốt với dịch sởi, việc chẩn đoán, điều trị có hiệu quả nhất là sử dụng giải pháp thở CPAP vừa tiết kiệm chi phí vừa đạt hiệu quả trong chữa bệnh.
Đặc biệt, Bệnh viện Nhi đồng 2 có sáng kiến thành lập Phòng sàng lọc bệnh sởi ngay tại Khoa Khám bệnh; đồng thời đưa những điều dưỡng có kinh nghiệm về sởi tập trung về Khoa Khám bệnh để có thể phát hiện sớm các dấu hiệu của sởi.
Thứ trưởng Lê Quang Cường nhấn mạnh, mặc dù tình hình dịch sởi tại Thành phố Hồ Chí Minh không tăng vọt lên, nhưng hiện vẫn chưa dừng lại, các đơn vị phải luôn luôn sẵn sàng đối phó. Khi phát hiện ổ bệnh, các đơn vị phải có những phản hồi kịp thời và có những hướng dẫn về dự phòng tới các địa phương.
Để hạn chế lây chéo trong các bệnh viện, cần thiết phải phân luồng trong khám và điều trị. Tuy nhiên, việc phân luồng này còn phụ thuộc vào bệnh nhân. Vì vậy, các bệnh viện phải bố trí phù hợp để bệnh nhân có thể tự phân luồng ngay từ khi bệnh nhân bước chân vào bệnh viện.
Đoàn công tác lưu ý Trung tâm y tế dự phòng cần cử cán bộ truyền thông xuống tận hộ gia đình - những nơi từng có bệnh nhân sởi để tuyên truyền về phương pháp phòng bệnh.
Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các bệnh viện thống nhất trong việc phân luồng tại bệnh viện thế nào cho phù hợp từ phòng khám bệnh đến khu điều trị nội trú.
Sở đồng thời tổ chức các khóa tập huấn cho các nhân viên y tế phác đồ điều trị mới của Bộ Y tế mới ban hành./.
TTX