Thứ Hai, 25/11/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 6/9/2013 14:1'(GMT+7)

Kiện chống bán phá giá: Doanh nghiệp Việt vẫn quên

Hội thảo "Kiện chống bán phá giá - Đánh thức công cụ bị bỏ quên" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)tổ chức mới đây đã đưa ra nhiều giải pháp hữu ích đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Hội thảo "Kiện chống bán phá giá - Đánh thức công cụ bị bỏ quên" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)tổ chức mới đây đã đưa ra nhiều giải pháp hữu ích đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Công cụ hữu ích

Theo tài liệu của Cục Quản lý cạnh tranh, năm 2008, lượng kính nổi nhập khẩu vào Việt Nam tăng tới 245,28% so với năm 2007. Chỉ trong khoảng 8 tháng đầu năm 2009, lượng kính nổi nhập khẩu vào Việt Nam đã nhiều hơn cả khối lượng nhập khẩu năm 2008. Để cạnh tranh với hàng nhập khẩu, các doanh nghiệp kính nổi trong nước đã phải giảm giá bán không còn lợi nhuận nhưng vẫn bị tồn kho lớn. Trước sức ép sống còn này, các doanh nghiệp ngành kính đã có đơn đề nghị cơ quan quản lý cạnh tranh tiến hành điều tra CBPG đối với kính nổi nhập khẩu.

Mặc dù sau khi điều tra, cơ quan chức năng kết luận sự biến đổi ngược chiều của giá dầu F.O trong nước so với thế giới mới là nguyên nhân chính làm cho sản xuất kính nổi trong nước gặp khó khăn... nên biện pháp CBPG đã không được áp dụng. Song, những tác động từ việc điều tra này cũng đã khiến lượng kính nổi nhập khẩu giảm ngay sau đó và các nhà sản xuất kính nổi trong nước lại có cơ hội tăng tiêu thụ sản phẩm.

Tính đến thời điểm này, tại Việt Nam, cơ quan chức năng mới chính thức tiến hành thực hiện 3 vụ điều tra về phòng vệ thương mại do yêu cầu từ phía doanh nghiệp, và vụ kính nổi nhập khẩu vẫn là vụ điều tra CBPG duy nhất.

Theo các chuyên gia ở Trung tâm WTO thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hội nhập quốc tế và mở cửa thị trường ngày càng sâu, rộng, sản xuất trong nước phải chịu sức ép cạnh tranh rất lớn từ hàng hóa nhập khẩu nên không loại trừ khả năng hàng nhập khẩu cạnh tranh không lành mạnh với hàng trong nước bằng việc bán phá giá, bán với giá rẻ... do được trợ cấp từ bên ngoài gây thiệt hại cho ngành hàng trong nước.

Muốn bảo vệ sản xuất trước áp lực hàng nhập khẩu, CBPG là công cụ phòng vệ thương mại hữu ích nhất nằm trong tay doanh nghiệp vì chính họ là chủ thể có quyền khởi kiện. Đây cũng là công cụ có khả năng sử dụng thành công cao (do quyết định cuối cùng thuộc về nước nhập khẩu), sử dụng lâu dài và miễn phí doanh nghiệp không phải bù đắp cho đối tượng bị áp dụng.

Nên chủ động

Có nhiều lý do khiến doanh nghiệp Việt Nam vẫn “thờ ơ” sử dụng công cụ CBPG. Song, cái chính là do doanh nghiệp và các hiệp hội chưa hiểu biết đầy đủ về công cụ đặc thù này, chưa chú ý đến bảo vệ thị trường nội địa trước áp lực của hàng hóa nhập khẩu; doanh nghiệp và hiệp hội thiếu sự gắn kết để cùng đi kiện nên khó đáp ứng tiêu chí tư cách của người khởi kiện, thiếu kỹ năng khởi kiện, thiếu thông tin để khởi kiện do phần lớn thông tin cần thiết nằm trong tay các cơ quan quản lý của nhà nước.

Để tự bảo vệ sản xuất, Trung tâm WTO cho rằng, trước tiên các doanh nghiệp và hiệp hội cần chủ động tăng cường nhận thức, hiểu biết đầy đủ về công cụ CBPG và sử dụng khi cần thiết. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần thiết lập cơ chế hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp khi khởi kiện, trợ giúp cho doanh nghiệp và hiệp hội giảm thiểu rủi ro thất bại khi kiện; phổ cập thông tin về các biện pháp phòng vệ thương mại, những kinh nghiệm và bài học rút ra từ những vụ kiện CBPG từ các thị trường khác nhau... cho doanh nghiệp; công khai thông tin, số liệu về nhập khẩu hàng hóa (không cần đăng tên doanh nghiệp nhập khẩu); tư vấn cho các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp khi khởi kiện CBPG, đào tạo kỹ năng phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp…/.

 “Luật chơi” trong WTO khuyến khích tự do thương mại, song vẫn cho phép các nước thành viên được áp dụng các biện pháp (công cụ) phòng vệ thương mại (kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ) để chống lại hàng hóa nhập khẩu khi nó gây thiệt hại hoặc có nguy cơ gây thiệt hại lớn cho ngành sản xuất tương tự trong nước.

Lan Ngọc



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất