Thứ Hai, 23/9/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thứ Ba, 27/11/2012 14:31'(GMT+7)

Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội dưới ánh sáng Cách mạng Tháng Mười

Đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười và chủ nghĩa Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh từng bước hình thành và phát triển, đúc kết lại là “ĐỘC LẬP – TỰ DO – HẠNH PHÚC”; hoặc “nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Chính Người đã ghi trên lá cờ của Đảng khi mới ra đời phương hướng phát triển của cách mạng Việt Nam: làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản. Đó chính là ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Đi theo con đường do Lênin vĩ đại đã vạch ra, con đường của Cách mạng Tháng Mười, nhân dân Việt Nam đã giành được những thắng lợi hết sức to lớn. Thắng lợi huy hoàng của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là minh chứng hùng hồn đầu tiên cho tính đúng đắn của tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Tiếp đó, thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và chống Mỹ, cứu nước tiếp tục khẳng định sức mạnh của tư tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Những thắng lợi đó là thắng lợi đầu tiên của chủ nghĩa Mác-Lênin ở một nước thuộc địa, là minh chứng sáng rõ cho quan điểm của Lênin về “thời đại thống trị của giai cấp mới, giai cấp bị áp bức trong tất cả các nước tư bản chủ nghĩa và ở bất cứ nơi nào cũng đang tiến tới một cuộc đời mới, tiến tới chiến thắng giai cấp tư sản, tiến tới giải phóng loài người”. Những thắng lợi đó cũng làm sáng tỏ thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người khẳng định rằng “chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên toàn thế giới khỏi ách nô lệ”.

Sau Cách mạng Tháng Mười, trong quá trình hình thành và phát triển, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác đã đạt được những thành tựu to lớn về nhiều mặt, từng là chỗ dựa cho phong trào hòa bình và cách mạng thế giới, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Song, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ là tổn thất lớn đối với phong trào cách mạng thế giới. Nhân cơ hội này, các thế lực thù địch được dịp tung hô: “Chủ nghĩa xã hội- không cần nữa!”, “Tự do, chứ không phải là chủ nghĩa xã hội!”. Có những người vừa mới hôm qua tán dương cổ vũ Cách mạng Tháng Mười thì hôm nay quay ngoắt, thổi phồng tính chất, ý nghĩa cuộc “Cách mạng Tháng Hai”, coi đây mới là cuộc cách mạng hợp quy luật, là sáng tạo và nhân đạo. Họ coi cuộc Cách mạng Tháng Mười là một cuộc thể nghiệm sai lầm, là cuộc cách mạng phi lý, không tưởng, kéo lùi sự phát triển của xã hội loài người(!). Ở phương Tây, các thế lực đế quốc ra rả các luận điệu: Sự biến ở Liên Xô và Đông Âu mới chính là những cuộc cách mạng chống lại Cách mạng Tháng Mười(!). Cách mạng Tháng Mười đã bị lịch sử loại bỏ(!); chủ nghĩa xã hội sẽ cáo chung vào cuối thế kỷ XX,v.v..

Sự chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch không cản ngăn được một số nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, vẫn kiên định mục tiêu, lý tưởng, tiến hành cải cách (ở Trung Quốc và một số nước), đổi mới (ở Việt Nam), giành được những thành tựu to lớn, tiếp tục phát triển; phong trào cộng sản và công nhân quốc tế có những bước hồi phục. Các dân tộc vẫn tiếp tục tiến lên trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Tại khu vực châu Mỹ la tinh, nhiều nước công khai tuyên bố đi theo con đường xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, các nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, phong trào cộng sản và cánh tả còn gặp nhiều khó khăn, các thế lực thù địch tiếp tục chống phá tìm cách xóa bỏ chủ nghĩa xã hội. Sự thách thức và những khúc quanh co của tiến trình cách mạng cùng sự chống phá của các thế lực thù địch càng cho ta nhận thức rõ ràng hơn, sáng tỏ hơn về quy luật không ngừng tiến lên phía trước của lịch sử. Nếu Cách mạng Tháng Mười đã bị lịch sử loại bỏ, chủ nghĩa xã hội ra đời từ Cách mạng Tháng Mười đã cáo chung thì tại sao các thế lực thù địch phải tốn bao giấy mực và đô la để tổ chức bộ máy rầm rộ bôi nhọ, nhằm xóa bỏ thành quả Cách mạng Tháng Mười? Nếu chủ nghĩa xã hội thật sự không còn giá trị thì làm sao người ta phải kinh sợ thắng lợi của chủ nghĩa xã hội ở các nước đến như vậy? Cần phải nhắc lại lời khẳng định của người cộng sản nổi tiếng Italia là Tôgliati rằng: “Cách mạng Tháng Mười đã phá bỏ cái trật tự quái gở mà theo đó, chỉ những kẻ giàu có mới có quyền được thống trị thế giới, và chứng minh rằng giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân bị áp bức, bóc lột có thể giành được chính quyền, thực hiện sứ mệnh vẻ vang của mình là làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, công bằng hơn so với cuộc sống trong các xã hội của giai cấp bóc lột” (1).

Chúng ta khẳng định một lần nữa luận điểm đúng đắn mà Đảng ta đã nêu lên trong Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011: “Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng sẽ có những bước tiến mới. Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội” (2).

Sự kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam dưới ánh sáng Cách mạng Tháng Mười xuất phát từ những nhận thức khoa học và cách mạng. Thế giới ngày nay đã có nhiều biến đổi so với gần một thế kỷ trước, mỗi dân tộc có điểm xuất phát và đặc điểm riêng của mình về văn hóa, lịch sử, địa lý, phong tục tập quán, có quyền lựa chọn con đường khác tiến lên chủ nghĩa xã hội, không nhất thiết mọi nước đều có cùng khuôn mẫu giống nhau. Tổng thống Mỹ Obama cũng phải thừa nhận điều đó: “Mỗi một nước sẽ đi theo con đường riêng của mình. Không một dân tộc nào có độc quyền về sự sáng suốt, và không dân tộc nào được tìm cách áp đặt các giá trị của mình cho các dân tộc khác”(3). Mục tiêu chủ nghĩa xã hội là không thay đổi nhưng có nhiều con đường và phương thức khác nhau để đi đến và đạt được mục tiêu đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Từ cộng sản nguyên thủy đến chế độ nô lệ, đến chế độ phong kiến, đến chế độ tư bản, đến chủ nghĩa xã hội (cộng sản) – nói chung thì loài người phát triển theo quy luật nhất định như vậy. Nhưng tùy hoàn cảnh, mà các dân tộc phát triển theo con đường khác nhau” (4) .

Thực tiễn cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng Cộng sản lãnh đạo và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nhiều nước khác trên thế giới, nhìn cả hai mặt thành công và không thành công, cho chúng ta nhiều bài học quý báu. Bài học quan trọng nhất được đặt ở vị trí hàng đầu là nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội – ngọn cờ vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lại cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau. Đây là bài học lớn được đúc kết từ lý luận và thực tiễn ở Việt Nam và thế giới. Chúng ta cần có thái độ dứt khoát và rõ ràng ngay cả trong trường hợp công cuộc đổi mới gặp khó khăn, dẫm chân tại chỗ, thậm chí có lúc, có mặt thất bại. Sự khẳng định của chúng ta là dựa trên nhận thức về quy luật tiến hóa của lịch sử, không phải chỉ ở những “nốt thăng” hay “nốt trầm” trong tiến trình cách mạng. Sự khẳng định đó xuất phát từ khi Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác-Lênin và ghi lên lá cờ của Đảng khi Đảng ta vừa ra đời. Điều đó được khẳng định trong khi xảy ra sự đổ vỡ một mô hình cụ thể của chủ nghĩa xã hội hiện thực đã tồn tại gần hai phần ba thế kỷ và khi chủ nghĩa tư bản ở đỉnh cao của tiềm năng phát triển.

Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội hoàn toàn không phải vì sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội đi trên con đường bằng phẳng. Ngược lại, chúng ta ý thức rất rõ rằng cách mạng xã hội chủ nghĩa là khám phá lớn, sáng tạo lớn và cũng là hiện thực lớn. Do bản chất khoa học, cách mạng, nhân văn với ý nghĩa sâu xa của nó và cũng như nhiều cuộc cách mạng khác, cách mạng xã hội chủ nghĩa không thể tiến lên một cách dễ dàng, bằng phẳng mà phải qua nhiều thách thức, có những lúc phải trải qua những bước quanh của lịch sử, thậm chí “lùi một bước để tiến hai bước”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết: “Thắng đế quốc và phong kiến là tương đối dễ; thắng bần cùng và lạc hậu còn khó hơn nhiều” (5). Theo Người, “công việc xây dựng đất nước đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh là rất to lớn, nặng nề, và phức tạp, mà cũng là rất vẻ vang. Đây là một cuộc chiến đấu khổng lồ chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”.

Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội phải trên cơ sở nắm vững, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Chúng ta trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh không phải trên câu chữ mà trung thành với mục tiêu, lý tưởng của các bậc thầy. V.I.Lênin đã từng nói: Người cộng sản phải có dũng khí nhìn vào sự thật, phải có gan vứt bỏ những nhận thức của ngày hôm qua không còn phù hợp với tình hình diễn biến của ngày hôm nay, phải biết “thay đổi sách lược, chọn một con đường khác để đi tới đích của chúng ta, nếu con đường cũ, trong một thời gian nhất định nào đó, xem ra không thích hợp nữa, không đi theo được nữa” (6). Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã dạy chúng ta rằng: mục đích là bất di, bất dịch; nguyên tắc là phải vững chắc; sách lược thì phải linh hoạt. Người viết: “Phải biết rằng tình hình khách quan thay đổi hàng giờ hàng phút, một chủ trương của ta hôm nay đúng, hôm sau đã không hợp thời, nếu ta không tỉnh táo kiểm điểm những tư tưởng hành vi của ta để bỏ đi những cái quá thời, sai hỏng, nhất định ta sẽ không theo kịp tình thế, ta sẽ bị bỏ rơi, bị các bạn tỉnh táo nhanh nhẹn hơn vượt đi trước”(7). Theo Người, “xã hội bây giờ ngày một phát triển. Tư tưởng hành động cũng phát triển. Nếu cứ giữ lấy cái kẹp giấy cũ không thay đổi là không đi đến đâu cả”(8).

Trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là trung thành với tinh thần xử trí mọi việc của Mác, Lênin, Hồ Chí Minh, trung thành với logic phát triển tư tưởng của các ông theo phép biện chứng. Nghĩa là trên tinh thần “dĩ bất biến ứng vạn biến” để phát hiện ra những quy luật phát triển của công cuộc đổi mới ở Việt Nam, tìm ra những luận điểm mới, cách làm mới, phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện mới, xây dựng Việt Nam thành một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội dưới ánh sáng Cách mạng Tháng Mười là phải nhận thức độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc. Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là hai nhiệm vụ chiến lược có quan hệ chặt chẽ với nhau.

Thế giới ngày nay đã có nhiều đổi thay so với gần một trăm năm trước. Nhân dân thế giới đang đứng trước những vấn đề toàn cầu cấp bách có liên quan đến vận mệnh loài người. Đó là giữ gìn hòa bình, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, chống khủng bố, bảo vệ môi trường... Việc giải quyết những vấn đề đó đòi hỏi sự hợp tác và tinh thần trách nhiệm cao của tất cả các quốc gia, dân tộc. Đặc điểm nổi bật trong giai đoạn hiện nay của thời đại là các nước với chế độ xã hội và trình độ phát triển khác nhau cùng tồn tại, vừa hợp tác vừa đấu tranh, cạnh tranh gay gắt vì lợi ích quốc gia, dân tộc.

Vì vậy, trong quá trình thực hiện mục tiêu và phương hướng đi lên chủ nghĩa xã hội, phải nắm vững và giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế. Chúng ta duy trì và thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Nhận thức cơ bản và lâu dài là để giữ vững được độc lập dân tộc, chúng ta phải có một sức mạnh tổng hợp, bao gồm sức mạnh về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, an ninh, quốc phòng, ngoại giao, v.v.. Muốn thế, chúng ta phải đổi mới toàn diện, đồng bộ nhưng có trọng tâm, trọng điểm, có hình thức, phương pháp và bước đi thích hợp. Đổi mới phải vì lợi ích của nhân dân và dựa vào sức mạnh của nhân dân, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của nhân dân. Đổi mới phải do Đảng Cộng sản lãnh đạo và bản thân Đảng cũng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của mình, không ngừng củng cố, tăng cường mối quan hệ mật thiết với nhân dân. Bởi vì, “cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”(9). Chúng ta phải ghi tạc lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi Người đi xa: “Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này, cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”(10).

Đổi mới là quá trình vừa làm vừa tìm tòi, rút kinh nghiệm của chính bản thân chúng ta và kinh nghiệm của các nước khác. Đó là một quá trình tiếp thu có chọn lọc hết sức nghiêm túc và sáng tạo với ý thức trách nhiệm cao trước vận mệnh của đất nước và dân tộc. Trên cơ sở đó, chúng ta phải vứt bỏ tư duy dập khuôn, máy móc, giáo điều để có những nhận thức mới về các đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng. Chính nhờ đổi mới tư duy và đường lối đúng đắn của Đảng mà hơn 25 năm qua, sự nghiệp đổi mới của chúng ta đã giành được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử.

Trải qua hơn một phần tư thế kỷ đổi mới, nhận thức của chúng ta về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ngày càng sáng tỏ hơn; hệ thống quan điểm lý luận của Đảng ta về công cuộc đổi mới, về xã hội xã hội chủ nghĩa và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã hình thành trên những nét cơ bản. Đó là một thực tế lịch sử không thể phủ nhận. Và điều đó chứng tỏ rằng, đối với cách mạng Việt Nam, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là sự lựa chọn duy nhất đúng./.

PGS, TS. Bùi Đình Phong
--------------------

(1) P. Tôgliati: Cách mạng Tháng Mười và phong trào công nhân quốc tế, M, 1988, tr.247.

(2) ĐCSVN: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Nxb. CTQG, H, 2011, tr.13.

(3) Phát biểu của Tổng thống Barack Obama tại Quốc hội Ấn Độ, ngày 8-11-2010.

(4) (8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, bộ 15 tập, Nxb. CTQG, H, 2011, t.8, tr.293, 55.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.402.

(6) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, M, 1978, t.44, tr.189.

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.28.

(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.326.

(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.617.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất