(TG)-Chiều ngày 29/4, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Kiên Giang tổ chức họp báo “nóng” về tình hình thiếu nước sinh hoạt trầm trọng và tìm giải pháp cung cấp nước cho người dân. Đây là năm thứ 2, Kiên Giang rơi vào tình cảnh thiếu nước ngọt trầm trọng như vậy.
Ở thành phố Rạch Giá là đô thị loại 2 và trung tâm hành chính của tỉnh Kiên Giang cũng bị thiếu nước ngọt trầm trọng, các hồ dự trữ nước ngọt của Công ty TNHH Cấp thoát nước đã cạn kiệt.
Tại cuộc họp đồng chí Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết: Để giải quyết khẩn cấp tình trạng thiếu nước nghiêm trọng đang xảy ra tại TP Rạch Giá, bắt đầu từ hôm nay, Kiên Giang đã hợp đồng với 10 xà lan để chở nước ngọt từ nơi khác về hồ dự trữ, sau đó đưa lên nhà máy xử lý rồi cung cấp cho người dân.
Phương thức vận chuyển bằng xà lan, do một số doanh nghiệp xà lan hỗ trợ, tỉnh sẽ chỉ trả chi phí xăng dầu và nhân công cho các đội xà lan này. Xà lan chở nước từ Tân Hội đưa về nhà máy nước ở TP Rạch Giá với khoảng cách khoảng 20km.
Trong ngày 29 và 30/4 sẽ có 6 xà lan vận chuyển nước, có thể chở được 6-8 ngàn m3/ngày đêm cung cấp cho người dân. Với khối lượng nước được chở bằng xà lan này sẽ ưu tiên cung cấp cho 3 phường đang thiếu nước nghiêm trọng là phường Vĩnh Thanh Vân, Vĩnh Thanh và Vĩnh Quang. Hiện nay, trung bình mỗi ngày nhu cầu người dân của TP Rạch Giá cần khoảng 53.000 m3 nước ngọt.
Theo đồng chí Mai Anh Nhịn, việc cung cấp nước tạm thời này sẽ góp phần giảm thiểu việc thiếu nước cục bộ những ngày qua, đáp ứng được khoảng 2/3 nhu cầu của nhân dân trong khu vực.
Để chủ động đủ cung cấp nước cho thành phố Rạch Giá vào những năm tới, đầu quý 3 năm nay, nhà đầu tư đã chuẩn bị khởi công nhà máy nước 20.000m3/ngày ở Rạch Sỏi, phía Nam thành phố Rạch Giá. Đồng thời, Kiwaco đầu tư xây dựng hồ chứa 500.000 m3 ở huyện Hòn đất để phục vụ cho Nhà máy nước Rạch Giá hiện hữu. Ngoài ra, UBND tỉnh Kiên Giang cũng sẽ xây dựng thêm một số đập và cống ngăn mặn ở TP Rạch Giá và vùng phụ cận. Như vậy, năm 2017 chắc chắn tình trạng khủng hoảng thiếu nước ở thành phố Rạch Giá như năm nay sẽ không còn tái diễn nữa.
Đồng chí Mai Anh Nhịn cũng cho biết thêm, theo quy hoạch, Kiên Giang sẽ xây dựng các cống ngăn mặn có cửa thu và xả tự động ở thành phố Rạch Giá và các vùng lân cận. Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí đầu tư, nên buộc phải làm một số đập ngăn mặn tạm thời hạn chế nước biển xâm nhập sâu vào nội đồng, chấp nhận tình trạng ô nhiễm môi trường cục bộ ở một số đập ngăn mặn do mặt nước không lưu chuyển.
Để kịp thời cung cấp nước cho một số nơi, đồng chí Nguyễn Hữu Hoài Phương, Giám đốc công ty cấp thoát nước tỉnh Kiên Giang cho biết: Công ty sẽ điều động các xe bồn chở nước tới từng khu dân cư 24/24h để cấp miễn phí cho người dân.
Ông Phương cũng khuyến cáo, trong thời gian Công ty cấp nước qua đường ống, mong rằng người dân không nên sử dụng thêm máy bơm để hút nước cho riêng gia đình, làm như vậy các hộ sau đường ống sẽ không có nước hoặc nước rất ít để xài. Giai đoạn này khó khăn chung, rất mong bà con chia sẻ, hỗ trợ…
Ông Phương cũng cho biết thêm trạm cấp nước ngầm khoan riêng cho Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang sẽ được vận hành trong 1, 2 ngày tới. Mỗi ngày, ước tính bệnh viện sử dụng hết khoảng 1.000m3 nước.
Đối với các xã đảo hiện nay, Phú Quốc nguồn nước cơ bản đáp ứng đầy đủ cho người dân vì hồ Dương Đông đã được nâng cấp, cộng với khai thác thêm nước ngầm. Còn đảo Nam Du, Lại Sơn và các xã ven biển hiện nay cũng đang gặp rất nhiều khó khăn.
Tỉnh Kiên Giang cũng đã hỗ trợ hơn 13 tỷ cho các hộ nghèo, đồng bào dân tộc ở các nơi khó khăn về nước và sẽ tiếp tục hỗ trợ trong thời gian tới. Theo lãnh đạo tỉnh Kiên Giang hiện nay cũng đang rất rối vì chất lượng nước vận chuyển cho người dân chưa đạt yêu cầu. Tuy nhiên tỉnh Kiên Giang cũng đã chỉ đạo cho các địa phương, nhất là hệ thống y tế tăng cường kiểm tra vấn đề vệ sinh và chất lượng nguồn nước để đảm bảo sức khỏe cho người dân.
Theo lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, qua theo dõi vài ngày nay, độ mặn đang giảm dần, hy vọng trong khoảng 4-5 ngày tới sẽ lấy được nước ngọt để giảm bớt những khó khăn hiện nay./.
Kim Thư