Thứ Tư, 25/9/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Tư, 31/10/2012 11:49'(GMT+7)

Kiên Giang: Đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 10 của Bộ Chính trị

Lễ tổng kết năm học 2011 -2012 (Ảnh Quốc Tuấn)

Lễ tổng kết năm học 2011 -2012 (Ảnh Quốc Tuấn)

Những năm qua, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giáo dục và đào tạo, công tác phổ cập giáo dục, phân luồng học sinh, xóa mù chữ đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị được quan tâm đầu tư, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu dạy và học. Quy mô, mạng lưới trường lớp tiếp tục được mở rộng và phát triển. Triển khai và thực hiện Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, bậc học mầm non đã đạt được những kết quả bước đầu. Hiện, toàn tỉnh có 79 trường mầm non; huy động 40,32% trẻ từ 3 đến 5 tuổi vào học mẫu giáo; riêng mẫu giáo 5 tuổi chiếm 78,73% trẻ trong độ tuổi; trong đó có 32,52% trẻ được học bán trú và 2 buổi/ngày. Công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ được quan tâm chỉ đạo thực hiện, sớm hoàn thành các mục tiêu. Kết quả, năm 1999 đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học; năm 2007 đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; năm 2008 đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục trung học cơ sở, với tỷ lệ thanh, thiếu niên từ 15 đến 18 tuổi có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở là 80,52%. Sau khi được công nhận đạt chuẩn, các kết quả trên tiếp tục được duy trì, củng cố và phát huy. Công tác giáo dục hướng nghiệp, tư vấn nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở được thực hiện. Hệ thống cơ sở giáo dục thường xuyên, dạy nghề từng bước được mở rộng và tạo điều kiện để học sinh trung học cơ sở có thêm sự lựa chọn, định hướng nghề nghiệp cho mình.

Tuy nhiên, bậc học mầm non tuy đã có bước phát triển nhưng còn chậm, khó khăn về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Toàn tỉnh, hiện còn 76/145 xã chưa có trường mầm non; có 487 lớp mẫu giáo 5 tuổi với 8.796 cháu phải học nhờ trong các trường tiểu học; 30% trường chưa thực hiện được chương trình giáo dục mầm non mới. Đây là những khó khăn không nhỏ cho việc thực hiện phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi... Việc định hướng, tư vấn nghề nghiệp và phân luồng học sinh chưa thường xuyên, còn mang tính thời vụ, hiệu quả chưa cao. Học sinh nghỉ học sau tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông còn nhiều. Việc lựa chọn ngành nghề đào tạo đôi khi chưa sát hợp, phải chuyển đổi ngành nghề trong quá trình đào tạo, hoặc sau đào tạo, ra trường không tìm được việc làm còn khá phổ biến. Cơ sở vật chất, trường, lớp chưa đáp ứng tốt yêu cầu. Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, chất lượng còn nhiều hạn chế. Công tác xã hội hóa giáo dục chưa đạt kết quả như mong muốn.

Mục tiêu cụ thể: Phấn đấu đến năm 2015, huy động 80% trở lên trẻ từ 3 đến 5 tuổi vào học mẫu giáo; phấn đấu hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Đến năm 2020, huy động được 99,7% trở lên trẻ 6 tuổi vào học lớp 1; tỷ lệ lưu ban, bỏ học ở tiểu học dưới 0,5%, ở trung học cơ sở dưới 1%; 100% đơn vị cấp huyện và 99% đơn vị cấp xã phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi theo quy định của Chính phủ. Tỷ lệ trẻ hoàn thành chương trình tiểu học vào học lớp 6 đạt 99%; phấn đấu có ít nhất 30% học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề, xóa mù chữ cho người từ 36 tuổi đến hết tuổi lao động.

Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đưa ra nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, hiệu lực quản lý Nhà nước đối với công tác phổ cập giáo dục, phân luồng học sinh và xóa mù chữ cho người lớn. Hai là, thực hiện tốt các chính sách, bảo đảm các điều kiện cần thiết để bậc mầm non phát triển bền vững; củng cố vững chắc và phát triển kết quả phổ cập giáo dục đã đạt được. Ba là, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn. Bốn là, tăng cường các điều kiện phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng và hiệu quả phổ cập giáo dục ở những vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Năm là, nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo; thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với đội ngũ giáo viên nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Sáu là, đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động mọi nguồn lực trong xã hội tham gia vào công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ./.

Quốc Tuấn -
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất