(TG) - Từ khi thành lập cho đến nay, công tác Lịch sử Đảng của Kiên Giang
đã tập trung khai thác, sưu tầm, tập hợp tư liệu và trực tiếp biên soạn
lịch sử, truyền thống của Đảng bộ
Ngày 22-7, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp
với Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, mở Hội
nghị tập huấn công tác sưu tầm, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương cho
đội ngũ cán bộ phụ trách công tác lịch sử Đảng trong tỉnh.
Từ khi thành lập cho đến nay, công tác Lịch sử Đảng của Kiên Giang
đã tập trung khai thác, sưu tầm, tập hợp tư liệu và trực tiếp biên soạn
lịch sử, truyền thống của Đảng bộ; làm rõ những chặng đường lịch
sử và hoạt động đấu tranh cách mạng của Đảng bộ, nêu bật những thắng
lợi, thành tựu và cả những sai sót, khuyết điểm; góp phần tuyên truyền,
giáo dục truyền thống cách mạng của Đảng, bồi dưỡng tinh thần yêu nước
trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ
trong tỉnh…
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Trần Minh Thống, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nhấn mạnh: Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ làm công tác sưu tầm, biên soạn lịch sử Đảng nói riêng, có vị trí và yêu cầu rất quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và xây dựng đội ngũ cán bộ công tác tuyên giáo trong tình hình mới. Thực hiện tốt công tác này sẽ tạo điều kiện nâng cao chất lượng sưu tầm, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương, góp phần cơ bản cho công tác giáo dục truyền thống cách mạng của Đảng và góp phần tích cực chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị trong Đảng hiện nay.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Minh Thống yêu cầu các đồng chí dự lớp tập huấn cần tập trung, nghiêm túc tiếp thu, tích cực trao đổi, thảo luận để cơ bản nắm được nội dung, yêu cầu. Qua lớp tập huấn này, khi trở về địa phương, đơn vị, các cấp ủy đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương có sự quan tâm chỉ đạo thiết thực hơn nữa đối với công tác này; nhất là chú ý phân công, bố trí cán bộ đúng yêu cầu theo hướng ổn định nhằm phục vụ tốt cho công tác này cả về trước mắt và lâu dài. Các đồng chí cán bộ học viên xác định và nêu cao tinh thần trách nhiệm, lãnh hội tốt những kiến thức cơ bản, ban đầu được giảng viên trang bị hôm nay; an tâm với nhiệm vụ được phân công, tích cực tham mưu cho cấp ủy đồng thời thực hiện tốt công tác sưu tầm, biên soạn lịch sử, truyền thống của địa phương, đơn vị mình.
Tại hội nghị các đại biểu được nghe PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, trình bày các chuyên đề: Một số vấn đề về phương pháp luận của khoa học lịch sử Đảng; Những vấn đề mới trong nghiên cứu lịch sử Đảng; Viết nhân vật lịch sử Đảng, viết tiểu sử và hồi ký cách mạng. TS. Nguyễn Danh Tiên, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, trình bày chuyên đề: Công tác sưu tầm và hệ thống hóa tư liệu trong nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương; Quy trình nghiên cứu, biên soạn một công trình lịch sử địa phương; Quan hệ giữa lịch sử dân tộc và lịch sử Đảng, giữa lịch sử toàn Đảng và lịch sử Đảng bộ địa phương; Hướng dẫn sưu tầm tư liệu lịch sử giai đoạn từ sau giải phóng đến nay; Triển khai kế hoạch sưu tầm tư liệu lịch sử giai đoạn từ sau giải phóng đến nay./.
Quốc Tuấn