Thứ Bảy, 12/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Sáu, 18/7/2014 9:29'(GMT+7)

“Báo cáo viên giỏi phải là người thật sự gần gũi với nhân dân”

Trung úy Rahla Huỳnh tặng bánh chưng xanh cho gia đình khó khăn tại buôn EaKmat (xã EaKmat. TP Buôn Ma Thuột)

Trung úy Rahla Huỳnh tặng bánh chưng xanh cho gia đình khó khăn tại buôn EaKmat (xã EaKmat. TP Buôn Ma Thuột)

Tối ngày 30-6, tại Hà Nội, anh Rahlan Huỳnh, người dân tộc Jarai, tỉnh Đoàn Đắk Lắk đã giành giải nhất trong đêm chung kết Liên hoan báo cáo viên giỏi lần thứ nhất năm 2014 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức. Trải qua các vòng thi Báo cáo viên tài ba, Thử tài tranh luận, người con của núi rừng Tây Nguyên đã thực sự chinh phục Ban Giám khảo và khán giả với những kinh nghiệm vô cùng thực tế của mình.

Phải gần với bà con trong thôn, buôn

Trung úy Rahlan Huỳnh là trợ lý Thanh niên Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Lắk, Ủy viên Ban chấp hành Tỉnh đoàn được phân công giúp đỡ cơ sở Đoàn nơi cư trú. Chia sẻ với chúng tôi, anh Rahlan Huỳnh cho biết, điều kiện sinh hoạt và sự tiếp cận thông tin của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên còn vô cùng khó khăn. Ở những vùng sâu vùng xa, các báo cáo không có điều kiện để sử dụng các hình ảnh trình chiếu, minh họa khi đi tuyên truyền các chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng và Nhà nước.

“Bí quyết duy nhất là trong bài nói chuyện của mình, các báo cáo viên phải có các nhân vật, các địa chỉ, những công việc cụ thể để thuyết phục bà con thôn, buôn” – anh Rahlan Huỳnh tâm sự.

Khi tuyên truyền, vận động bà con trong thôn, buôn cùng tham gia xây dựng nông thôn mới ở xã EaDrông, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk, anh Rahlan Huỳnh đã lấy dẫn chứng cụ thể về 3 con đường vận chuyển nông sản chính của xã là đường EaMuích, đường Ea Tưn và đường Kmrơng Cứ. Các con đường này vào mùa mưa là lầy lội, không đi được. Năm 2011, gia đình chị Amí H Zen đi bẻ bắp trên rẫy, khi trở về, đi từ 2 giờ chiều mà 2 giờ sáng mới về tới nhà, 2 đứa con còn nhỏ ở nhà không có ai nấu cơm đói nheo nhóc.

Vận động các bạn trẻ trong xã làm đoạn đường qua suối EaMuích, anh rất nhẹ nhàng nhưng đầy thuyết phục: “Tôi nghĩ nó không tốn nhiều nguyên liệu. Hơn nữa các đồng chí là chi đoàn công chức việc vận động mỏ đá Việt Hà hỗ trợ đá 4-6 và đá tạp chắc không khó. Nhân lực, các bạn là nòng cốt và có thể vận động những người dân có rẫy đi qua con đường này. Công trình thanh niên không cứ phải kiên cố bằng bê tông mà chỉ cần rải chắc chắn bằng đá. Và cũng không đòi hỏi về cự ly mà tôi nghỉ các đồng chí ưu tiên đoạn khó nhất tập trung xây dựng chắc chắn, dứt điểm tôi nghĩ nhân dân sẽ ủng hộ và quý mến các đồng chí nhiều hơn. Sửa chữa được đoạn đường đó là các đồng chí đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc cùng với cấp ủy chính quyền và nhân dân xã nhà trong tham gia xây dựng nông thôn mới và như vậy là đã học Bác về nêu cao tinh thần trách nhiệm. Tỉnh Đoàn, thị Đoàn, Đoàn xã cũng đã phát động phong trào năm thanh niên tình nguyện. Xây dựng nông thôn mới không phải chỉ tập trung xây dựng trong thôn, trong buôn, mà đó là tổng thể các hoạt động, các công trình phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân”.

Tuy là một cán bộ nhưng anh Rahlan Huỳnh lại rất tự hào vì mình là cũng là một người nông dân, có thể làm những công việc nhà nông thực thụ như tất cả bao người con Tây Nguyên khác. Nếu đến nhà anh Rahlan Huỳnh vào ngày cuối tuần, hình ảnh một cán bộ Đoàn, một trung úy, một báo cáo viên sẽ được thay thế bằng hình ảnh anh nông dân vét bùn ở đáy giếng, lái máy cày, phun nước tưới cho cây cà phê.

 
 
Anh Rahlan Huỳnh (áo vàng) cùng bà con đập lúa tại buôn EaKjoh
xã EaDrong thị xã Buôn Hồ

Anh Rahlan Huỳnh cũng cho biết, thông qua những công việc nhà nông cùng làm với bà con, anh có thể dễ dàng tiếp xúc với bà con thôn buôn, được bà con coi như là con cháu trong nhà, cởi mở chia sẻ những tâm tư nguyện vọng của mình. Đó cũng là điều làm anh Rahlan Huỳnh cảm thấy rất hạnh phúc.

Là người dân tộc Jarai, anh Rahlan Huỳnh có thể nói thành thạo tiếng của dân tộc Êđê, Mơ Nông, tiếng Kinh. Với một báo cáo viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, theo anh, điều quan trọng là làm thế nào để người dân cảm thấy gần gũi. Báo cáo viên có thể nói chuyện, trao đổi và dẫn chứng bằng chính tiếng bản địa thì sẽ có sức thuyết phục rất cao đối với người dân. Ngoài ra, các báo cáo viên cũng cần tìm hiểu về lịch sử, văn hóa truyền thống, các phong tục tập quán của người dân nơi mình sẽ đến nói chuyện. “Làm thế nào để mình có thể gần bà con trong thôn buôn nhất, hiểu bà con và làm những việc bà con vẫn làm” -. Anh Rahlan Huỳnh tâm sự.

Học Bác qua những điều bình dị nhất

Với chàng thanh niên Rahlan Huỳnh, Bác Hồ là tấm gương thật cao cả mà bình dị mà anh phấn đấu, cố gắng noi theo. Trong tâm trí anh, luôn in đậm hình ảnh Bác Hồ – Vị Cha già dân tộc, đã cống hiến cả cuộc đời của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc mà không cần một tổ chức, một cá nhân nào giao nhiệm vụ hay yêu cầu phải làm. Đó cũng chính là tinh thần nêu cao trách nhiệm mà anh học được ở Bác.

Trong dịp Tết Giáp Ngọ 2014 vừa qua, anh Rahlan Huỳnh đã tham mưu để Đoàn Thanh niên Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk tổ chức ngày Hội bánh chưng xanh, tặng quà Tết cho người nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Một mặt, anh nhờ Ban tự quản của buôn đề nghị danh sách các đối tượng khó khăn trong xã. Một mặt, anh nhờ các chiến sỹ trong đơn vị có quê ở thôn, buôn đó cung cấp danh sách các hộ gia đình khó khăn.

Anh chia sẻ, “Gói quà tết của Đoàn Thanh niên thực sự là bữa tiệc thịnh soạn của gia đình người nghèo trên rẫy cà phê. Lúc chúng tôi đến thăm các gia đình đó, đại đa số gia đình đều không có tết, mà phải túc trực ở rẫy, chờ từng giọt nước để tưới cho cây. Chỉ một gói quà 200.000 thôi cũng làm cho tôi, các bạn trong chi đoàn và những gia đình đó hạnh phúc đến nghẹn lòng”.

Câu chuyện này đã được anh Rahlan Huỳnh kể cho bạn thanh niên trong chi đoàn ở các thôn, buôn cùng nghe. Việc làm của Ban tự quản của thôn là biểu hiện chủ nghĩa cá nhân, phải kiên quyết đấu tranh với những hành vi đó, với những biểu hiện tương tự khi có các cơ quan, tổ chức đến giao lưu, tặng quà cho buôn, xã của mình.

Anh Rahlan Huỳnh cũng chia sẻ với các đồng chí trong chi đoàn: “Ngày nay chúng ta được học hành, được cập nhật nhiều nguồn thông tin, nhưmg chúng ta vẫn để sót đối tượng chính sách khi khảo sát, để cấp trên phải nhắc nhở, phê bình. Nguyên nhân là do chúng ta thiếu trách nhiệm. Vậy học Bác về nêu cao tinh thần trách nhiệm chính là đánh đuổi cái vô trách nhiệm đó ra khỏi cái bụng, khỏi cái đầu của mình, mỗi đồng chí hãy có trách nhiệm, có tâm huyết với việc mà mình đang làm”.

Không ít lần cùng bà con trong thôn, buôn xem những hình ảnh, những thước phim tư liệu về việc Bác Hồ xắn quần lội nước, cấy lúa trồng cây, hay kéo lưới cùng bà con nhân dân. Vị lãnh tụ của dân tộc Việt Nam không ngại khó, ngại khổ để ba cùng với người dân. Anh cũng thường đem những câu chuyện đó kể cho các bạn thanh niên, bà con trong thôn buôn cùng nghe. Với anh, đó cũng là minh chứng sinh động nhất cho việc “nói đi đôi với làm” trong việc học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không có gì là cao xa, hãy học Bác qua những điều nhỏ nhất trong cuộc sống hàng ngày; hãy chọn một công việc cụ thể để học theo Bác.

Chia tay với Thủ đô Hà Nội, anh Rahlan Huỳnh trở về núi rừng Tây Nguyên, quay lại công việc thường ngày của một trung úy và của một người nông dân thực thụ. Trong anh, chỉ ấp ủ một điều, làm thế nào để chia sẻ hết những kinh nghiệm anh đã học hỏi được tại Liên hoan báo cáo viên giỏi toàn quốc lần thứ nhất lần này với các bạn của mình để công việc đạt hiệu quả cao hơn, góp phần đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho bà con ở các buôn, làng của Tây Nguyên.

Thu Hằng
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất