Để nông dân có thêm điều kiện tiếp cận thông tin thời tiết nông vụ, giá
nông sản, vật tư nông nghiệp, tiếp thị sản phẩm qua Internet…, đại diện
Trung ương Hội Nông dân kiến nghị doanh nghiệp CNTT, viễn thông nghiên
cứu xây dựng gói cước di động, Internet dành riêng cho nông dân bằng 50%
giá bình quân của thị trường.
Ứng dụng CNTT trong nông nghiệp còn hạn chế
Ngày 29/7, tại Hội nghị “Sản phẩm, dịch vụ CNTT thương hiệu Việt thúc
đẩy phát triển nông nghiệp nông thôn” do Bộ TT&TT tổ chức tại Bắc
Giang, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh: Trong thời
gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách lớn phát
triển ngành nông nghiệp hiện đại trong đó ưu tiên áp dụng các giải pháp
tiên tiến của khoa học công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp.
Nghị quyết 36 Bộ Chính trị ngày 1/7/2014 xác định “Ưu tiên ứng dụng
CNTT trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công, trước hết là trong
các lĩnh vực liên quan tới doanh nghiệp, người dân như giáo dục, y tế,
giao thông, nông nghiệp” và cũng đặt ra nhiệm vụ “Tăng cường ứng dụng
CNTT trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp và hiện đại hóa nông thôn,
hỗ trợ dịch chuyển cơ cấu kinh tế từ thuần nông sang hướng nông nghiệp,
công nghiệp, dịch vụ và thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp phát triển
nông thôn”.
Thứ trưởng cho biết, nhiều mô hình, giải pháp ứng dụng CNTT trong
ngành nông nghiệp đã được triển khai và đem lại hiệu quả tích cực như
sàn giao dịch nông sản, hệ thống thông tin nông nghiệp, giải pháp ứng
dụng CNTT trong chăn nuôi và hệ thống giám sát môi trường nông nghiệp…
Ông Ngô Văn Hùng, đại diện Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho hay
trong thời gian qua, việc ứng dụng CNTT trong nông nghiệp đang được đẩy
mạnh.
Ví dụ, việc ứng dụng CNTT với công nghệ viễn thám đã tạo ra các hệ
thống thông tin cho phép theo dõi tiến độ mùa vụ, xác định giai đoạn
sinh sản cây trồng để tính đúng nhu cầu nước, phân bón các loại, đánh
giá mức độ nhạy cảm của cây trồng với sâu bệnh, đưa ra dự báo sâu bệnh
hại trên đồng ruộng. Một số địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đang sử
dụng hệ thống thông tin địa lý - viễn thám quản lý sản xuất lúa. Nhờ
CNTT và Internet, hàng triệu người nông dân đã được tiếp cận với
những tiến bộ khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh ngay
tại nhà. Với thông tin trên Internet, từ kết quả mùa vụ được phân tích
và trích xuất thành các báo cáo trực quan, giúp người nông dân có thể
lựa chọn được phương án canh tác hiệu quả.
Tuy nhiên, theo vị đại diện Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, trên
thực tế vẫn còn nhiều lãnh đạo bộ ngành và người dân chưa nhận thức đúng
về CNTT, đa phần chỉ coi CNTT là công cụ được sử dụng đơn lẻ, thiếu kết
nối đa chiều, đa lĩnh vực và việc ứng dụng manh mún.
|
Trồng rau công nghệ cao trong nhà kính của VinEco (Vingroup). Ảnh: Việt Hải.
|
Cùng đó, việc ứng dụng chủ yếu đẩy mạnh trong các cơ quan quản lý
ngành, trong sản xuất nông nghiệp mới có một số ít doanh nghiệp thực
hiện như VinEco, TH True Milk, ngoài ra có một số mô hình sản xuất nông
nghiệp công nghệ cao quy mô nhỏ ở TP.HCM, Lâm Đồng. Còn lại với đa số
nông dân, dường như đây vẫn là câu chuyện của tương lai.
“Nhu cầu ứng dụng CNTT trong nông nghiệp, nông thôn của 15,3 triệu
hộ, trong đó có trên 5 triệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi và hàng chục
ngàn hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp đang rất lớn”, ông Hùng nhấn
mạnh, đồng thời nêu rõ các nhu cầu về thông tin thời tiết nông vụ, thông
tin giá nông sản hàng hóa chủ lực trên thị trường thông qua SMS; nhu
cầu về vật tư nông nghiệp đầu vào như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực
vật, thuốc thú y…
Bên cạnh đó còn là nhu cầu quảng bá và tiếp thị trực tiếp sản phẩm
sang các thị trường tiềm năng qua mạng Internet, truy xuất nguồn gốc
nông sản được bán ra thị trường; nhu cầu về các sản phẩm CNTT cho sản
xuất công nghệ cao như các nước Nhật Bản, Ixrael đang áp dụng…
Kiến nghị xây dựng gói cước Internet, di động ưu đãi
Để người nông dân có thể ứng dụng nhanh hơn CNTT vào sản xuất, tại
hội nghị, đại diện Trung ương Hội Nông dân kiến nghị các cơ quan quản
lý, doanh nghiệp cần có nghiên cứu, đánh giá sát hơn về nhu cầu ứng dụng
CNTT trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, các doanh
nghiệp cung cấp dịch vụ CNTT, viễn thông có gói cước thông tin di động,
Internet riêng cho nông dân bằng 50% giá bình quân của thị trường.
Ông Lã Văn Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang
kiến nghị cần đẩy mạnh hỗ trợ các địa phương, đặc biệt là Hội Nông dân
các tỉnh thành bằng việc xây dựng phần mềm hỗ trợ sản xuất nông nghiệp
như phần mềm quản lý, giám sát các chỉ tiêu về không khí, ánh sáng,
nước, dinh dưỡng… cho trồng trọt; phần mềm hỗ trợ theo dõi nhiệt độ, độ
ẩm, dịch bệnh, kiểm soát và đánh giá nhu cầu dinh dưỡng trong chăn nuôi;
phần mềm hỗ trợ đo nồng độ chất dinh dưỡng, tạp chất trong môi trường
nước nuôi trồng thủy sản…
|
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Việt Hải.
|
Ngoài ra, cũng theo ông Lã Văn Đoàn, Trung ương Hội Nông dân, Bộ
TT&TT cần tham mưu cho Đảng, Nhà nước có cơ chế đào tạo và xây dựng
nguồn nhân lực làm CNTT trong các cơ quan hội, bổ sung biên chế cán bộ
chuyên trách làm CNTT đối với Hội Nông dân các tỉnh, thành.
Trao đổi tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho biết, Bộ
TT&TT sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan Bộ, ngành, địa phương
nghiên cứu, ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ thúc đẩy ứng dụng CNTT
trong các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, trong đó có nông nghiệp.
“Bộ TT&TT kêu gọi, khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi
cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tiếp tục nghiên cứu, xây dựng,
triển khai và nhân rộng các mô hình và giải pháp mới về ứng dụng CNTT
trong nông nghiệp. Từ đó phục vụ đắc lực cho việc tái cơ cấu, phát triển
ngành nông nghiệp bền vững, phát triển kinh tế địa phương”, Thứ trưởng
nói./.
Theo ICTnews