Các nội dung chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng liên quan công tác quản lý báo chí, quản lý giấy phép trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình, cấp, thu hồi thẻ nhà báo...
Tiếp tục chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ tám, sáng 8/11, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã đăng đàn trả lời chất vấn.
Các nội dung chất vấn liên quan công tác quản lý báo chí, quản lý giấy phép trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình, cấp, thu hồi thẻ nhà báo; công tác quản lý thông tin điện tử, nhất là các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, quản lý quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng; về ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng chính phủ điện tử.
NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP CỦA PHÓNG VIÊN
Báo cáo với Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, bên cạnh các lĩnh vực khác, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng là cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí và truyền thông với sứ mạng phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, để tạo đồng thuận, niềm tin cho xã hội, nuôi dưỡng khát vọng Việt Nam hùng cường.
Một đất nước muốn mạnh lên thì sức mạnh tinh thần báo chí đóng vai trò rất quan trọng. Dù đưa tin tiêu cực hay tích cực vẫn phải với mục tiêu khích lệ Việt Nam mạnh lên, nhằm giữ Việt Nam ổn định chứ không phải làm xói mòn sức mạnh đất nước.
Liên quan đến nội dung quản lý báo chí và thông tin mạng xã hội, đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) đặt câu hỏi: Hiến pháp quy định mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự uy tín của mình.
Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều báo mạng khai thác quá mức cần thiết thông tin đời tư, gây bất lợi, thiệt hại về kinh tế, thậm chí nguy hiểm cho tính mạng các cá nhân.
Đại biểu đặt câu hỏi: Pháp luật về quản lý báo chí điều chỉnh vấn đề này như thế nào? Cần có Luật bảo vệ thông tin đời tư bí mật cá nhân - một trong những trong những quyền cơ bản đã được hiến định trong tình hình bùng nổ thông tin hiện nay hay không?
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, quy định về bảo vệ đời tư đã được nêu rõ ràng trong Luật Báo chí. Trong năm 2019, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử phạt 3 vụ việc liên quan đến nội dung này.
Theo Bộ trưởng, việc xác định vượt “ngưỡng” khai thác chi tiết thông tin cá nhân liên quan đến đạo đức nghề nghiệp, nhận thức của nhà báo, phóng viên. Làm báo là nghề đặc biệt, với sự mệnh để xã hội tốt đẹp hơn, vì lợi ích cộng đồng.
Bên cạnh việc hoàn thiện quy định pháp luật cần có các giải pháp liên quan đến công tác tuyên tuyền.
Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tăng cường hơn nữa công tác giáo dục, nâng cao nhận thức của phóng viên, đặc biệt là về sứ mạng, trách nhiệm của người làm báo, phóng viên đối với xã hội.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có quy định rất rõ ràng về việc các doanh nghiệp sở hữu thông tin cá nhân phải xin phép khách hàng trước khi công bố. Hiện, Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Nghị định về bảo vệ thông tin cá nhân.
Nêu dẫn chứng hiện nay có tình trạng nhiều bài báo đăng theo kiểu giật tít, câu view, lợi dụng tính hiếu kỳ của một số lượng độc giả để đưa vấn đề thiểu số lên thành cao trào, tạo thành trào lưu, làm tác động xấu đến xã hội, bất an cho nhân dân, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) đề nghị Bộ trưởng đưa ra những giải pháp hữu hiệu nào để quản lý chất lượng báo chí thời gian tới.
Thừa nhận đây là vấn đề nhức nhối, kéo dài, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận trách nhiệm vì chưa có giải pháp hữu hiệu để xử lý.
Ngoài trách nhiệm chính liên quan đến đạo đức nghề nghiệp của phóng viên và kiểm duyệt của Tổng biên tập cơ quan báo chí thì Bộ trưởng cho rằng có trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Thời gian tới, Bộ sẽ làm việc với các công ty công nghệ trong việc so sánh tít và nội dung xem có phù hợp với nhau hay không.
QUAN TÂM THỰC HIỆN TỐT QUY HOẠCH BÁO CHÍ
Trả lời câu hỏi của đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) về tình trạng nhiều tạp chí điện tử hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích, có hiện tượng “báo hóa,” giải pháp thế nào để giải quyết gốc rễ vấn đề, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ: “Báo hóa” tạp chí là cách nói dân dã nhưng thực chất đây là hoạt động sai pháp luật.
Hiện nay, việc quản lý báo chí là thông qua tôn chỉ mục đích vì báo chí là cơ quan ngôn luận của cơ quan chủ quản; mỗi cơ quan chủ quản đều có đều có lĩnh vực hoạt động của mình.
Ngoài ra, Luật Báo chí đã quy định rõ cơ quan tạp chí có tôn chỉ mục đích khác với cơ quan báo, đó là tập trung vào nội dung chuyên ngành và tính định kỳ.
Thời gian qua có tình trạng một số tạp chí xa rời tôn chỉ mục đích, tham gia đưa tin thời sự, làm phóng sự điều tra…
Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam đã nắm được nội dung này và đưa ra giải pháp xử lý.
Theo Bộ trưởng, về mặt quy định pháp luật cần phải làm tường minh câu chuyện thế nào là chuyên ngành, thế nào là định kỳ.
Hiện nay Bộ đang tiến hành việc quy hoạch báo chí, trong đó có câu chuyện cấp lại giấy phép, làm rõ tôn chỉ, mục đích của từng cơ quan báo chí.
Các giải pháp tiếp theo là cần xử lý nghiêm minh; quy định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ quản tạp chí, báo chí, bởi thời gian qua có một số cơ quan chủ quản đã có sự buông lỏng quản lý.
Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) về việc quy hoạch và quản lý mạng lưới báo chí, phát thanh, truyền hình, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay Việt Nam có 868 cơ quan báo chí, bao gồm: báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình.
Trung ương đã nhận thấy cần sắp xếp lại theo hướng mỗi một tờ báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình phải phản ánh chuyên môn của mình để phản ánh toàn cảnh xã hội hiện nay.
Thêm nữa, hoạt động chấn chỉnh báo chí một thời gian có sự buông lỏng. Hiện, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 và Bộ Thông tin đã ban hành kế hoạch thực hiện.
Quy hoạch nêu ra hai bước thực hiện: Cuối 2019, quy hoạch xong các cơ quan báo chí thuộc các hội; năm 2020, thực hiện xong quy hoạch báo chí của các bộ, ngành địa phương. Nhân dịp này, Bộ trưởng cũng đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo để thực hiện tốt quy hoạch này.
CHẤM DỨT TÌNH TRẠNG "SÁNG ĐĂNG, TRƯA GẶP, CHIỀU GỠ'
Quan tâm đến việc quản lý các trang thông tin điện tử hiện nay, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) đề nghị Bộ trưởng đưa ra các giải pháp để chấn chỉnh tình trạng gỡ tin, bài các trang thông tin điện tử, để chấm dứt tình trạng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” và nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong thông tin, truyền thông.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định: Tình trạng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” là câu chuyện đã được nhắc đến nhiều. Tuy nhiên, với hàng nghìn cơ quan báo chí đang hoạt động, nếu rà soát bằng tay sẽ không khả thi.
Vì vậy, vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông có một bộ công cụ, yêu cầu tất cả các báo, tạp chí đều phải có trách nhiệm nộp lưu chiểu và đưa về trung tâm lưu trữ dưới dạng điện tử.
Sau đó, Bộ thực hiện công cụ phân tích phát hiện chuyện tin, bài có bị gỡ xuống không. Khi có bộ công cụ này, không chỉ Bộ Thông tin và Truyền thông mà Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam, một số Sở Thông tin và Truyền thông cũng có thể sử dụng.
Bộ công cụ này sẽ giúp làm giảm tình trạng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” một cách đáng kể nếu thấy có dấu hiệu về chuyện sách nhiễu. Đồng thời, Hội Nhà báo Việt Nam và cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng bộ quy tắc về đạo đức nghề báo.
Với sự phối hợp của các bên, nếu làm mạnh mẽ, tình trạng này sẽ giảm đáng kể trong thời gian tới.
Đối với câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) về việc có hay không việc sử dụng mô hình quản lý báo chí chính thống để quản lý mạng xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định báo chí và mạng xã hội là hai không gian khác nhau vì vậy có cách quản lý khác nhau.
Sứ mệnh của báo chí là định hướng truyền thông, tạo ra năng lượng tích cực, tạo sự đồng thuận, tạo ra niềm tin khát vọng dân tộc; đây là nghề rất đặc thù.
Mạng xã hội là không gian mở, nơi biểu đạt tự do của người dân - đó là một không gian khác. Tuy nhiên, không gian này cũng cần được quản lý, hạn chế tiêu cực, để phát triển lành mạnh.
Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ trình Chính phủ ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng./.
Phúc Hằng (TTXVN/Vietnam+)