Theo báo
cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc
gia), trong 6 tháng đầu năm nay, các lực lượng chức năng trên cả nước
đã phát hiện, xử lý gần 86 nghìn vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách hơn
6.165 tỷ đồng, khởi tố 1.311 vụ (tăng 47% so cùng kỳ năm 2018), với
1.546 đối tượng (tăng hơn 56% so cùng kỳ năm trước). Ðiều này thể hiện
sự quyết tâm, xử lý triệt để các vụ việc vi phạm của lực lượng chức
năng, tuy nhiên cũng cho thấy, phát hiện số vụ vi phạm nhiều nhưng số vụ
khởi tố không tương xứng; tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn đang diễn biến
hết sức phức tạp với số vụ vi phạm và số đối tượng bị bắt giữ năm sau
luôn cao hơn năm trước.
Hiện tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đang diễn ra rất nóng ở cả ba tuyến
đường bộ, đường biển và đường hàng không. Ðối với tuyến biên giới, cửa
khẩu đường bộ phía bắc, trọng điểm là các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào
Cai, Cao Bằng, hàng hóa vi phạm chủ yếu là ma túy, tiền giả, pháo nổ,
mỹ phẩm, đồ điện tử gia dụng, máy móc…
Ở tuyến biên giới miền trung và
Tây Nam Bộ, các đối tượng tập trung buôn lậu thuốc lá, rượu ngoại, đường
cát. Ðáng chú ý, hiện nay đang nổi lên hiện tượng lợi dụng chính sách
tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan để buôn lậu. Mới đây, tại Lào Cai, lực
lượng chức năng đã phát hiện một kho chứa gần 500 tấn hàng tạm nhập tái
xuất tuồn vào để tiêu thụ nội địa.
Ngoài ra, xuất hiện tình trạng các
đối tượng người nước ngoài cấu kết với người địa phương, thuê kho, xưởng
để tàng trữ, pha chế ma túy vận chuyển đi nước thứ ba tiêu thụ. Ðiển
hình như vụ việc ngày 11/5 vừa qua, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh phối hợp
các lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ hơn 507 kg ketamin (loại ma
túy cực mạnh, có giá trị cao trên thị trường chợ đen).
Trên tuyến đường
biển, tại các thành phố Hải Phòng, Ðà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh có cảng biển
lớn; trên tuyến hàng không, bưu điện quốc tế tại các sân bay Nội Bài, Ðà
Nẵng, Tân Sơn Nhất, tình trạng vận chuyển trái phép động vật hoang dã
như cá thể tê tê, vẩy tê tê, ngà voi hay vàng miếng, ngoại tệ, mỹ
phẩm,... được ngụy trang trong các công-ten-nơ, hành lý ký gửi, xách tay
đang có chiều hướng gia tăng.
Trong thị trường nội địa, tình trạng vi phạm quy định xuất xứ, nhãn
mác, sản xuất, buôn bán hàng giả, kém chất lượng, xâm phạm sở hữu trí
tuệ diễn ra tràn lan, có chiều hướng gia tăng ở khắp các vùng miền, nhất
là khu vực đô thị, với nhiều mặt hàng như xăng dầu, phân bón, thuốc bảo
vệ thực vật, hàng bách hóa tiêu dùng, đồ điện tử, dược phẩm, thực phẩm,
thực phẩm chức năng,... Những mặt hàng này được tổ chức tinh vi, chặt
chẽ từ khâu sản xuất đến phân phối, không chỉ sản xuất trong nước mà còn
làm ở nước ngoài, sau đó dán tem, nhãn xuất xứ hàng Việt Nam để tuồn
vào trong nước tiêu thụ.
Ngoài ra, tình hình vận chuyển, buôn bán hàng
hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn còn tiềm ẩn, chủ yếu xảy ra ở
các cơ sở sản xuất thủ công, doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, các điểm
giáp ranh giữa các quận, huyện, các địa phương, gây khó khăn trong kiểm
tra, kiểm soát…
Theo đánh giá của Tổng Cục trưởng Quản lý thị trường Trần Hữu
Linh, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, việc
phối hợp trao đổi thông tin giữa các đơn vị đôi lúc chưa đồng bộ, kịp
thời; một số văn bản quy phạm pháp luật không rõ ràng,… tạo kẽ hở để các
đối tượng lợi dụng.
Gần đây, các đối tượng còn móc nối với cá nhân và
tổ chức nước ngoài, sản xuất hàng giả mạo xuất xứ "Made in Vietnam" để
gian lận thương mại, gây thất thu ngân sách, ảnh hưởng uy tín các doanh nghiệp Việt
Nam. Các thủ đoạn này có thể không mới, nhưng mức độ tinh vi, phức tạp
hơn trước rất nhiều, khiến lực lượng chức năng mất nhiều thời gian bóc
tách từng vụ việc để xử lý.
Vì vậy, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa
các lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm.
Nếu không tích cực và có những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn, thị
trường sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tạo cơ hội cho tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả lộng hành.
Ðể công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thật sự đạt hiệu quả cao
trong thời gian tới, các lực lượng chức năng cần thiết lập cơ chế chia
sẻ thông tin nhanh, chính xác; tăng cường phối hợp đồng bộ, từ đó đưa ra
các giải pháp quyết liệt, toàn diện và thực chất hơn. Trong đó, lực
lượng hải quan cần phối hợp tốt với lực lượng Biên phòng, tập trung tiến
công các đường dây, ổ nhóm để phòng ngừa, triệt phá nạn buôn lậu, vận
chuyển hàng cấm ngay tại các điểm nóng ở khu vực cửa khẩu, biên giới.
Các lực lượng như quản lý thị trường, công an, thuế cần phối hợp chặt chẽ để làm tốt
công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; theo dõi, xác lập đối tượng,
chuyên án cụ thể để đấu tranh xử lý theo quy định của pháp luật, hoặc
chuyển cơ quan chức năng khởi tố những vụ việc về hàng giả, buôn lậu,
nhất là hàng cấm, gian lận có giá trị, thuế suất lớn.
Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Ðàm Thanh Thế
cho biết, từ nay đến cuối năm, dự báo tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ còn diễn
biến phức tạp, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục nắm chắc
tình hình cả chiều rộng lẫn chiều sâu.
Chống buôn lậu hiệu quả, ngoài
tập trung thanh tra, kiểm tra công vụ theo định kỳ, cần xác định rõ
trách nhiệm người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách. Trên
cơ sở đó, dự báo sát tình hình, kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Thủ
tướng Chính phủ các giải pháp nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành chống
buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Cần kiên quyết không cho phép có "vùng cấm" và phải quyết
liệt điều chuyển, thay thế người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chức năng
không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Ðây là nhiệm vụ quan trọng nhằm lấy lại niềm tin của cộng
đồng doanh nghiệp và người dân, góp phần khôi phục môi trường kinh doanh
lành mạnh, hiệu quả./.
Minh Khôi (nhandan.com.vn)