Thứ Ba, 26/11/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 6/8/2019 14:9'(GMT+7)

Doanh nghiệp dệt may Việt Nam nỗ lực thích ứng với hội nhập

May hàng xuất khẩu tại Công ty may Hồ Gươm, chi nhánh Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

May hàng xuất khẩu tại Công ty may Hồ Gươm, chi nhánh Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Việt Nam hội nhập ngày càng sâu vào kinh tế thế giới, điều này mang lại cơ hội mở rộng thị trường cho hàng dệt may Việt Nam nhưng cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải nhanh chóng thay đổi để thích ứng với những yêu cầu mới.

GIA TĂNG CƠ HỘI THỊ TRƯỜNG

Năm 2019 được xem là năm có nhiều đột phá trong hội nhập của Việt Nam, khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được thực thi và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) được ký kết.

Đây được xem là những cánh cửa lớn giúp doanh nghiệp dệt may Việt Nam gia tăng cơ hội tiếp cận và đẩy mạnh xuất khẩu vào những khu vực, thị trường có sức mua cao.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam cho biết, CPTPP được thực thi và EVFTA mới được ký kết là hai động lực lớn cho ngành dệt may Việt Nam để có thể tăng trưởng trong năm 2019 cùng nhiều năm tiếp theo.

Bởi dệt may Việt Nam chủ yếu phục vụ xuất khẩu. Song những năm gần đây lại đang chịu sức ép cạnh tranh trực tiếp từ nhiều quốc gia, vốn có chi phí lao động thấp như Campuchia, Bangladesh…

Do đó việc dỡ bỏ thuế quan trên những khu vực, thị trường quy mô lớn thông qua CPTPP và EVFTA sẽ giúp hàng dệt may Việt Nam giảm được giá thành và tăng khả năng cạnh tranh.

Hơn nữa, các hiệp định thương mại nói trên cũng chính là bản cam kết mở cửa thị trường với các tiêu chuẩn rõ ràng.

Các doanh nghiệp chỉ cần tập trung đáp ứng những tiêu chuẩn thay vì phải tìm kiếm, nghiên cứu tiêu chuẩn của đối tác như trước đây.

Bên cạnh đó, hiệu ứng từ các hiệp định thương mại có mức cam kết cao và toàn diện cũng giúp doanh nghiệp trong và ngoài nước mạnh dạn đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu để bù đắp phần thiếu hụt.

Minh chứng cụ thể là trong 2 năm trở lại đây, số doanh nghiệp may mặc Việt Nam đầu tư các khâu dệt, nhuộm và số dự án đầu tư nước ngoài vào dệt may đều tăng, đưa tỷ lệ cung ứng nguyên phụ liệu dệt may nội địa lên mức 45% và sẽ tiếp tục nâng cao hơn nữa trong những năm tới, dự kiến sẽ đạt 60 - 65% vào năm 2025..

Ông Trần Như Tùng, đại diện Công ty Dệt may Thành Công cho biết, CPTPP mặc dù chỉ có 3 thị trường mới là Canada, Mexico và Peru nhưng vẫn là những thị trường có dư địa khá cho sản phẩm dệt may Viêt Nam.

Từ trước đến nay doanh nghiệp dệt may Việt Nam có ít thông tin thị trường ở khu vực Nam Mỹ, nhưng khi CPTPP đi vào thực thi với những ưu đãi cao về thuế sẽ tạo động lực cho các doanh nghiệp xúc tiến xuất khẩu vào khu vực này; trong đó, Canada có nhu cầu lớn về hàng may mặc phân khúc cao cấp.

Đó là cơ hội tốt cho doanh nghiệp nắm bắt nhu cầu của thị trường và có sản phẩm chất lượng.

“Với các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), từ trước đến nay hàng dệt may Việt Nam chưa tiến sâu được vì các nhà nhập khẩu ưu tiên các đối tác đã có hiệp định thương mại.

Thêm vào đó, dù là một khu vực thị trường chung nhưng phong cách thời trang ở mỗi quốc gia thành viên trong EU lại khác nhau, thường xuyên thay đổi theo mùa, trong khi doanh nghiệp Việt Nam chưa đủ năng lực thay đổi sản xuất thường xuyên.

Tuy nhiên, với EVFTA, việc cắt giảm thuế sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam được củng cố lợi thế về giá thành, mạnh dạn thúc đẩy xuất khẩu để tạo ra bước tiến mới trong tăng trưởng chung” - ông Trần Như Tùng phân tích.

CẢI THIỆN KHẢ NĂNG TẬN DỤNG ƯU ĐÃI

Song song với cơ hội tiếp cận những thị trường mới, quá trình hội nhập cũng mang lại không ít thách thức cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam bởi năng lực tận dụng ưu đãi còn hạn chế.

Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Việt Thắng Jean, cho rằng các hiệp định thương mại mang đến cơ hội tiếp cận thị trường chung cho tất cả các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, doanh nghiệp nào có sự chuẩn bị tốt hơn sẽ tận dụng cơ hội tốt hơn và giành được nhiều thị phần hơn. Muốn chinh phục được khách hàng, ngoài việc đáp ứng các tiêu chuẩn chung phải có một số lợi thế cạnh tranh đặc biệt.

Khi đó, doanh nghiệp nào chủ động được nguồn nguyên liệu, công nghệ mới đảm bảo được chất lượng và thời gian giao hàng.

Theo ông Phạm Văn Việt, trong giai đoạn Việt Nam ký kết được các hiệp định thương mại lớn thì làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài vào các sản phẩm xuất khẩu chủ lực; trong đó, có dệt may cũng tăng theo.

Điều này tạo áp lực lớn cho doanh nghiệp trong nước cả về nguồn cung nguyên liệu, nhân công lẫn thị trường.

Do đó, ngoài việc đầu tư vào sản xuất, tìm kiếm nguồn cung nguyên phụ liệu đáp ứng yêu cầu, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải thay đổi nhận thức về việc ứng dụng công nghệ, không chỉ công nghệ sản xuất và cả công nghệ quản trị doanh nghiệp nhằm tăng hiệu quả và năng suất lao động mới tạo được sự tăng trưởng bền vững.

Tuy nhiên, số doanh nghiệp Việt Nam ý thức được vấn đề này chưa nhiều, một số khác còn gặp khó khăn nên chỉ ứng dụng được từng phần.

Ông Trần Như Tùng chia sẻ, hiện nay số doanh nghiệp dệt may Việt Nam đầu tư vào chuỗi sản xuất từ nguyên liệu đến thiết kế và tạo thành phẩm không nhiều.

Phần lớn doanh nghiệp đều gia công và phải nhập khẩu nguyên liệu, rất khó đáp ứng quy tắc xuất xứ mà các hiệp định thương mại mới đề ra.

Tuy nhiên, một lợi thế cho dệt may Việt Nam là trong các cam kết của EVFTA cho phép cộng dồn nguyên phụ liệu từ Hàn Quốc, cũng như cộng gộp phí vận chuyển vào giá trị nguyên liệu có xuất xứ.

Vì vậy, các doanh nghiệp cần phải nhanh chóng liên kết chuỗi cung ứng-sản xuất với doanh nghiệp Hàn Quốc đang sản xuất nguyên phụ liệu tại Việt Nam.

Một yếu tố khác quyết định khả năng tận dụng ưu đãi của doanh nghiệp chính là sự chủ động tìm kiếm khách hàng và tổ chức các hoạt động xúc tiến xuất khẩu.

Theo đó, để chốt một đơn hàng cả bên mua và bên bán đều mất một khoảng thời gian khá dài để tìm hiểu đối tác, tham quan thực tế và thương thảo hợp đồng, chưa kể khi đơn hàng được đặt thì thời gian giao hàng cũng thường kéo dài từ 3-6 tháng.

“Nếu doanh nghiệp chỉ ngồi chờ cho đến khi hiệp định chính thức thực thi và có văn bản hướng dẫn của cơ quan chức năng thì đã bỏ lỡ cơ hội trở thành nhà cung cấp tiên phong. Chính vì vậy, để tận dụng tốt ưu đãi từ các hiệp định thương mại và thâm nhập tốt các thị trường mới, doanh nghiệp cần có chiến lược tiếp cận càng sớm càng tốt và giải pháp hiệu quả nhất là thuyết phục đối tác đến tham quan nhà máy để chứng minh năng lực sản xuất của mình” - ông Trần Như Tùng nhấn mạnh.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia khuyến nghị, những thị trường mới trong CPTPP và khối EVFTA là những thị trường có nhu cầu về sản phẩm chất lượng cao, thường xuyên thay đổi về xu hướng, phong cách nên doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư vào nghiên cứu thị trường và phát triển khâu thiết kế, thường xuyên tạo ra sản phẩm mới nhằm nâng cao giá trị gia tăng và từng bước xây dựng thương hiệu cho dệt may Việt Nam./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất