Thứ Sáu, 22/11/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 14/12/2018 17:8'(GMT+7)

Kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt mức tăng cao nhất kể từ 3 năm gần đây

Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)

Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)

Ông Vũ Đức Giang, cho biết, năm 2018 tình hình thế giới diễn biến phức tạp; xung đột xảy ra ở nhiều nơi; cạnh tranh giữa các nước lớn diễn ra gay gắt; chủ nghĩa bảo hộ, chiến tranh thương mại gia tăng ngày càng phức tạp và khó lường; khoa học công nghệ phát triển nhanh và Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động sâu rộng trên nhiều lĩnh vực.

Kinh tế thế giới duy trì đà tăng trưởng tốt trong nửa đầu năm 2018, sau đó có xu hướng chững lại. Kinh tế Việt Nam mặc dù còn nhiều khó khăn, hạn chế nhưng với những giải pháp đúng đắn và phương pháp điều hành phù hợp của Chính phủ, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; trong đó có đóng góp không nhỏ của ngành dệt may.

Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam nhấn mạnh, nhìn lại một số năm gần đây, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu năm nay của ngành dệt may đạt mức tăng cao nhất đạt 16,01% (năm 2015 tăng 12,1%, năm 2016 tăng 4,07%, năm 2017 tăng 10,8%). Cụ thể, năm 2018, kim ngach xuất khẩu hàng may mặc đạt 28,78 tỷ USD, tăng 14,45%; xuất khẩu vải đạt 1,66 tỷ USD, tăng 25,5%; xuất khẩu xơ sợi đạt 3,95 tỷ USD, tăng 9,9%; xuất khẩu vải không dệt đạt 528 triệu USD, tăng 15,54%; xuất khẩu nguyên phụ liệu dệt may đạt 1,23 tỷ USD, tăng 14,59%.

Giá trị thặng dư ngành dệt may năm 2018 ước đạt 17,86 tỷ USD, tăng 14,39 %. Tỷ lệ giá trị tăng thêm đạt 49,4%, giảm 0,7 điểm phần trăm so với năm 2017.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam Vũ Đức Giang cho biết thêm, năm 2018, Hiệp hội đã có nhiều kiến nghị đề xuất với Chính phủ, các Bộ, ngành tháo gỡ những chính sách gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo đó, nhiều chính sách đã được tiếp thu, điều chỉnh trong năm như: điều kiện về người đứng đầu doanh nghiệp nhập khẩu máy in để in trên sản phẩm dệt may xuất khẩu; đề nghị miễn thuế nhập khẩu đối với vải nhập về sản xuất xuất khẩu đưa đi gia công lại, sản phẩm xuất khẩu tại chỗ; bỏ quy định khai báo cộng phí lệnh giao hàng (DO). Hay quy định phí vệ sinh container vào trị giá tính thuế hải quan đã được các cơ quan ghi nhận để nghiên cứu giải quyết....

Với kết quả đạt được trong năm 2018, tín hiệu về tình hình đơn hàng cho năm 2019 cũng rất khả quan. Nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng cho 6 tháng đầu năm và thậm chí cả năm 2019, sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao và dần hoàn chỉnh chuỗi cung ứng dệt may (do dòng vốn đầu tư vào công nghiệp dệt nhuộm và nguyên phụ liệu đang tăng lên) cũng như thời điểm thực thi các Hiệp định Thương mại thế hệ mới sắp đến là những yếu tố hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh của dệt may Việt Nam trong năm 2019.

Tại hội nghị, Hiệp hội Dệt May Việt Nam đề ra mục tiêu phát triển ngành trong năm 2019 với kim ngạch xuất khẩu đạt 40 tỷ USD, tăng trưởng 10,8%; thặng dư thương mại đạt 20 tỷ USD, đảm bảo việc làm và tăng thu nhập cho 2,85 triệu lao động.

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, Hiệp hội đưa ra khuyến nghị, các doanh nghiệp trong ngành phải chung tay thực hiện những giải pháp về đầu tư, thị trường, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, áp dụng khoa học công nghệ, giải quyết những khâu yếu, bất cập của ngành.

Bên cạnh đó, Hiệp hội cần phải làm tốt hơn nữa vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp hội viên với thị trường trong và ngoài nước thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, các hoạt động hợp tác quốc tế…

Trong đó, đặc biệt là làm cầu nối giữa các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước trong việc tiếp nhận phản ánh của doanh nghiệp để nghiên cứu, kiến nghị, đề xuất tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp. Cụ thể là kiến nghị Nhà nước tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp.

Có chính sách hỗ trợ đầu tư xử lý nước thải tại các khu công nghiệp dệt may, hỗ trợ cụ thể đối với các cơ sở đào tạo dệt may như chi phí thuê mặt bằng, xây dựng trường, xưởng thực hành, thiết bị giảng dạy…, hỗ trợ đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành dệt may.

Đồng thời, Nhà nước sớm thông qua luật về Hội và quy định các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài được tham gia là thành viên chính thức của Hiệp hội để phối hợp hoạt động, hình thành chuỗi liên kết, trao đổi, học tập kinh nghiệm của nhau.../.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất