Thứ Sáu, 22/11/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 12/12/2018 16:1'(GMT+7)

Chủ tịch UBND tỉnh: Kinh tế Tây Ninh tiếp tục tăng trưởng

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân phát biểu tại kỳ họ

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân phát biểu tại kỳ họ

Về các nội dung chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch UBND tỉnh nhận định, các vấn đề đại biểu đặt ra qua thảo luận đã được thành viên UBND tỉnh giải trình và thông tin thêm những nội dung quan trọng mà dư luận, cử tri, nhân dân quan tâm.

Chủ tịch tỉnh cho biết, tiếp thu những kiến nghị xác đáng, UBND tỉnh sẽ đưa vào chương trình kế hoạch trong quá trình chỉ đạo điều hành để tiếp tục giải quyết có hiệu quả các nội dung được đại biểu chất vấn, thảo luận tại kỳ họp và sẽ có báo cáo kết quả thực hiện với HĐND tỉnh tại những kỳ họp tới.

Cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018

Ngay từ đầu năm 2018, UBND tỉnh đã tập trung triển khai, chỉ đạo, điều hành quyết liệt thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, trong đó xác định có 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Nhìn chung đã hoàn thành các nhiệm vụ của năm 2018 đề ra.

Có thể khẳng định kinh tế tiếp tục tăng trưởng và cao hơn bình quân chung của cả nước. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Thu hút đầu tư tiếp tục khởi sắc theo hướng chọn lọc các dự án lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao, thân thiện môi trường, đặc biệt đã thu hút 10 dự án điện mặt trời với tổng vốn đăng ký hơn 21.000 tỷ đồng.

Tỉnh đã kêu gọi và khởi công 2 bệnh viện tư nhân với tổng mức đầu tư 2.108 tỷ đồng. Nhiều dự án trong các khu công nghiệp được mở rộng quy mô với số vốn hàng trăm triệu USD v.v...

Thu ngân sách địa phương đạt và vượt kế hoạch, lần đầu tiên trong 3 năm gần đây 100% huyện, thành phố thu ngân sách vượt dự toán, đó là điều đáng mừng, thể hiện sự nỗ lực rất cao của các ngành, của địa phương.

Sản xuất nông nghiệp chuyển dịch tích cực theo hướng khai thác lợi thế so sánh của tỉnh và sản xuất gắn thị trường tiêu thụ. Đã ban hành đề án tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó đưa ra nhóm khuyến khích phát triển, nhóm giữ mức và nhóm giảm dần; quy hoạch các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để đầu tư hệ thống thủy lợi, giao thông, điện,… phục vụ sản xuất.

Chủ tịch UBND tỉnh cho biết thêm, hiện tỉnh đang sắp xếp lại đất của các công ty nông nghiệp giao về địa phương quản lý (Công ty cao su 1-5, Mía đường Tây Ninh) để dành một phần quỹ đất kêu gọi đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo ra những cánh đồng lớn nhằm chuyển đổi cơ cấu và phát triển vùng trồng cây ăn trái và định hướng phát triển một số loại nông sản chủ lực của tỉnh.

Tỉnh cũng đã ký hợp tác với Công ty cổ phần Nafoods đầu tư phát triển vùng nguyên liệu trái cây và tiến tới xây dựng tổ hợp nhà máy sản xuất, chế biến trái cây xuất khẩu. Hiện tỉnh đang xúc tiến chương trình vay vốn của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) theo chương trình của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn để đầu tư hạ tầng cho các vùng chuyên canh cây ăn quả, xây dựng chợ đầu mối nông sản; chuẩn bị khánh thành nhà máy chế biến rau, củ, quả Tanifood… Những kết quả đó cho thấy chuỗi giá trị trong nông nghiệp của tỉnh đang dần được hình thành và phát triển đúng định hướng của tỉnh.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã tổ chức tiếp xúc, đối thoại với nông dân nhằm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị về các kế hoạch, đề án, chủ trương, chính sách liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông thôn trong tỉnh.

Xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai với các giải pháp có trọng tâm, bộ mặt nông thôn thay đổi khang trang, hiện đại; đời sống vật chất tinh thần, thu nhập của nông dân có bước cải thiện. Vai trò, vị thế của người nông dân càng được khẳng định, ngày càng thể hiện rõ nét là chủ thể chính trong xây dựng nông thôn mới.

Công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường tiếp tục được tập trung chỉ đạo quyết liệt, nhất là chấn chỉnh công tác khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng và trên sông Vàm Cỏ Đông, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật về môi trường.

Dịch vụ - du lịch tăng trưởng khá; hệ thống siêu thị Co.opmart được mở rộng đến các huyện. Đặc biệt trong năm 2018, tỉnh đã lập và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để đưa du lịch Tây Ninh phát triển trong thời gian tới.

Công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm đảm bảo an sinh xã hội được quan tâm. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách cho các đối tượng. Cơ bản giải quyết xong chính sách nhà ở cho gia đình chính sách và hộ nghèo. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao diễn ra thường xuyên, phong phú, đặc biệt tập trung vào các ngày lễ, Tết, các ngày kỷ niệm của đất nước, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân. Ngành Y tế, Ngành Giáo dục tiếp tục được quan tâm, có nhiều chuyển biến.

Về công tác đối ngoại, tỉnh đã ký kết hợp tác với 3 tỉnh của Campuchia; sơ kết chương trình hợp tác với tỉnh Long An; ký hợp tác với Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh; chuẩn bị ký hợp tác với tỉnh Lâm Đồng về du lịch, nông nghiệp; tiếp tục duy trì mối quan hệ tốt với tỉnh Ehime, thành phố Tosa của tỉnh Kochi (Nhật Bản) để bàn về hợp tác lĩnh vực nông nghiệp v.v…

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong nội địa và trên tuyến biên giới giữ vững ổn định, không để xảy ra điểm nóng. Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo được tập trung thực hiện. Thực hiện tốt chế độ tiếp công dân; tập trung chỉ đạo giải quyết xong một số vụ việc phức tạp, kéo dài. UBND tỉnh đã công khai trên phương tiện thông tin đại chúng (Báo Tây Ninh, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, Đài truyền thanh các huyện, thành phố) các vụ việc đã được Trung ương và tỉnh giải quyết. Tình hình khiếu nại, tố cáo giảm nhiều so với năm 2017, kể cả số vụ việc và số đoàn đông người.

Cải cách hành chính có nhiều điểm mới, đã thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Hành chính công tỉnh; ứng dụng mạng xã hội Zalo trong việc tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính công mức độ 3 và tra cứu tình trạng giải quyết thủ tục hành chính, tiếp nhận phản ánh của người dân. Đây là một trong những hình thức đột phá mới trong khâu giải quyết thủ tục hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Quan tâm phối hợp tạo điều kiện cho UB.MTTQVN tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện đối với những vấn đề quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tham gia xây dựng chính quyền, quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh công tác dân vận chính quyền; hướng dẫn tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động đúng pháp luật.

Về xây dựng cơ bản được tập trung chỉ đạo quyết liệt, bảo đảm việc chuẩn bị đầu tư chặt chẽ, đúng quy định pháp luật; đã khởi công nhiều công trình trọng điểm; kịp thời chỉ đạo một số giải pháp nâng cao chất lượng công trình, rà soát để trình điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn, phục vụ tốt nhất cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh...

UBND tỉnh cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém mà trong báo cáo đã nêu, cũng như ý kiến thẩm tra của HĐND tỉnh và các vị đại biểu đã chỉ ra tại kỳ họp.

10 nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2019

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân, sau kỳ họp HĐND tỉnh, UBND tỉnh sẽ tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ và khẩn trương thực hiện ngay từ đầu năm với những định hướng như sau:

Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cơ cấu lại nền kinh tế của tỉnh, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, trong đó tập trung thực hiện quyết liệt, nhất quán và hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn. Thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhóm giải pháp mang tính đột phá để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2017-2021 về phát triển du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hạ tầng giao thông, thể chế và phát triển nguồn nhân lực, xây dựng chính quyền điện tử... Đề cao tinh thần đoàn kết, sáng tạo, động viên, khuyến khích để có nhiều đề xuất về chủ trương, giải pháp mới tạo động lực cho sự phát triển tốt hơn.

Tập trung nguồn lực xây dựng các công trình trọng điểm, thiết yếu, nhất là các công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, mang tính chiến lược. Rà soát đánh giá và đề ra các giải pháp phát triển mạnh các khu kinh tế, khu-cụm công nghiệp.

Điều hành ngân sách một cách hợp lý, theo hướng tăng dần tỷ trọng thu nội địa, đảm bảo tỷ trọng chi đầu tư phát triển và gắn với việc huy động tối đa các nguồn lực theo quy định để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; triệt để thực hiện tiết kiệm chi.

Tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, thực hiện các chính sách ưu đãi để kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; tổ chức sản xuất theo mô hình trang trại, liên doanh, liên kết (hợp tác xã, tổ hợp tác) gắn với chuỗi giá trị nông nghiệp và thị trường. Tiếp tục xây dựng nông thôn mới theo chuẩn mới và thực chất hơn, không nặng về hình thức.

Tiếp tục phát triển và khuyến khích xã hội hóa trên lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế và giáo dục. Tập trung giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc như tội phạm, các tệ nạn xã hội nhất là tệ nạn ma túy và đảm bảo an toàn giao thông.

Quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên, khoáng sản hiệu quả tiết kiệm. Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ môi trường. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, khai thác tài nguyên, khoáng sản.

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương nhà nước. Tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế tinh gọn và hiệu quả. Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh tình trạng trì trệ, không tích cực thực hiện chức trách nhiệm vụ, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm... của một bộ phận cán bộ công chức. Phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử. Phát huy dân chủ cơ sở, tăng cường trao đổi, đối thoại, tương tác giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực. Tiếp tục rà soát, chỉ đạo xử lý dứt điểm các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có hiệu lực theo thẩm quyền, nhất là các vụ việc phức tạp, kéo dài.

Tiếp tục xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, thế trận biên phòng toàn dân kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế - xã hội và ngược lại. Nâng cao hiệu quả và mở rộng quan hệ hợp tác, đối ngoại nhằm huy động các nguồn lực cho sự phát triển.

Từ nay đến cuối năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành và địa phương thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của năm 2018; triển khai ngay nhiệm vụ năm 2019 từ những ngày đầu năm, nhất là quan tâm triển khai thực hiện tốt kế hoạch đón mừng năm mới bảo đảm vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; đặc biệt chăm lo thật tốt cho các đối tượng chính sách, người có công, hộ nghèo.

Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, vệ sinh an toàn thực phẩm, bình ổn giá cả và an toàn giao thông, đảm bảo mọi người, mọi nhà đều được vui xuân, đón Tết nguyên đán Kỷ Hợi 2019.

 

Video Clip: Toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân.

BTNO (lược ghi)

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất