(TG)- Trong lễ hội còn có nhiều hoạt động khác, như: bố trí tái hiện 2 lò làm bánh tráng phơi sương để du khách có thể trải nghiệm thực tế nghề truyền thống này; có nghệ nhân trình diễn nghề làm bánh tráng phơi sương; trưng bày, quảng bá các sản phẩm làng nghề truyền thống, hàng thủ công mỹ nghệ.
Dành 32 gian hàng miễn phí để trưng bày, kinh doanh các loại bánh tráng, muối ớt
Theo Ban tổ chức sự kiện “Tuần lễ văn hóa, du lịch nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng” lần II năm 2018, lễ hội có 200 gian hàng trưng bày; trong đó, sẽ có 32 gian hàng, bố trí ở vị trí đẹp nhất và hoàn toàn miễn phí dành cho người dân Tây Ninh trưng bày, kinh doanh các loại bánh tráng, muối ớt để mỗi huyện, thành phố có thể tham gian để trưng bày, kinh doanh những đặc sản của địa phương mình.
Hằng đêm có tổ chức chương trình biểu diễn sân khấu nghệ thuật, liên hoan ẩm thực bánh canh, bánh tráng phơi sương Trảng Bàng. Hàng đêm sẽ diễn ra lễ hội hoa anh đào với 50 cây anh đào nhập từ nước ngoài, nở đầy hoa, có người mẫu mặc áo kimono- trang phục truyền thống của Nhật Bản, để du khách tham quan miễn phí. Đặc biệt, vào đêm Noel 24/12, Ban Tổ chức sẽ bố trí nhiều máy phun tuyết nhân tạo phục vụ du khách.
Đồng thời, sắp tới Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) sẽ chỉ đạo các Công ty thiết kế, tổ chức các tour du lịch trải nghiệm hái rau rừng trên sông Vàm Cỏ Đông; làm nghề bánh tráng, kết hợp với thưởng thức bánh canh Trảng Bàng.
Ông Nguyễn Hồng Thanh, Giám đốc Sở VHTT&DL Tây Ninh giới thiệu sơ đồ 32 gian hàng miễn phí dành cho doanh nghiệp Tây Ninh
Hỗ trợ mỗi doanh nghiệp Tây Ninh 10 triệu đồng khi tham gia gian hàng
Theo báo cáo của lãnh đạo Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh, đến ngày 6/12, đã có 156 gian hàng đăng ký tham gia lễ hội từ các huyện, thành phố, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Trong đó, đại diện các huyện, thành phố, hiệp hội tham gia lễ hội thông tin về một số sản phẩm sẽ đem đến lễ hội như: báng tráng các loại, mãng cầu, nước ép trái cây, sữa, kẹo đậu phộng, hạt điều, khóm, dừa sáp, lạp xưởng, yến sào…; đồng thời cũng nêu một số khó khăn trong công tác tham gia lễ hội và đề xuất giải pháp tháo gỡ.
Ông Nguyễn Hồng Thanh, Giám đốc Sở VHTT&DL cho biết, lãnh đạo UBND tỉnh đã đồng ý hỗ trợ mỗi doanh nghiệp Tây Ninh tối đa 10 triệu đồng khi tham gia gian hàng tại lễ hội theo chính sách xúc tiến thương mại; đồng thời đề nghị, khi gặp khó khăn vướng mắc, các địa phương phải nhanh chóng liên hệ với Ban Tổ chức để kịp thời giải quyết, góp phần cho lễ hội đạt kết quả cao nhất.
Lễ hội là dịp để các doanh nghiệp quảng bá những đặc sản của các vùng miền, đồng thời tạo động lực thúc đẩy ngành chế biến, sản xuất bánh tráng phơi sương từng bước trở thành thương hiệu quốc gia.
Ngoài các mặt hàng đã đăng ký, bên cạnh mặt hàng chủ lực là các loại bánh tráng, món ăn được chế biến từ bánh tráng, các huyện, thành phố trong tỉnh cần lựa chọn thêm đặc sản của địa phương mình đem đến lễ hội để làm phong phú thêm các sản phẩm, nhất là các loại bánh dân gian.
|
Linh Lung