(TG) - Phần thi thuyết trình đã diễn ra sôi nổi, thật sự là đợt sinh hoạt chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giảng viên; là điều kiện để các giảng viên trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, góp phần nâng cao trình độ, kỹ năng và phương pháp giảng dạy lý luận chính trị.
Hội thi Giảng viên lý luận chính trị giỏi tỉnh Bình Dương năm 2018 đã diễn ra vào ngày 14 và 15 tháng 6 năm 2018 với có 27 giảng viên tham gia dự thi. Về độ tuổi, tuổi trung bình của các giảng viên dự thi là 55 tuổi; trẻ tuổi nhất 31 tuổi, lớn tuổi nhất 60 tuổi.
Các giảng viên dự thi đã trải qua các phần thi như soạn giáo án, thuyết trình và trả lời câu hỏi. Trước khi tham dự Hội thi, từng giảng viên đã chuẩn bị giáo án dự thi gửi về Ban Tổ chức Hội thi đảm bảo thời gian quy định. Nhiều giáo án chuẩn bị rất công phu, nội dung đầy đủ, đảm bảo yêu cầu về nội dung; hình thức trình bày rõ, đẹp, đảm bảo số trang quy định; bố cục chặt chẽ, cân đối, phân bổ thời gian giảng tương đối hợp lý. Đa số giáo án tham gia dự thi có sự đầu tư; xác định được mục đích, yêu cầu của bài giảng; đảm bảo tính khoa học, phù hợp với đối tượng, mục đích yêu cầu đề ra. Kết quả phần thi giáo án có giáo án đạt điểm cao nhất 9,25 điểm.
Tuy nhiên, một vài giáo án xác định mục đích, yêu cầu và nội dung trọng tâm của bài giảng chưa rõ, còn dàn trải; phân bổ thời gian chưa phù hợp; sử dụng tài liệu cũ, thiếu tóm tắt từng phần. Nội dung chuẩn bị chưa tương xứng, cân đối với từng mục; lý luận chung chung; ít liên hệ thực tế; còn nhiều lỗi chính tả. Do đó có giáo án chỉ đạt 5,0 điểm.
Đối với phần thi thuyết trình, đây là phần thi quan trọng và khó nhất trong 3 phần thi nên đa số giảng viên có sự đầu tư. Phần thi thuyết trình đã diễn ra sôi nổi, thật sự là đợt sinh hoạt chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giảng viên; là điều kiện để các giảng viên trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, góp phần nâng cao trình độ, kỹ năng và phương pháp giảng dạy lý luận chính trị. Nội dung thuyết trình của các thí sinh đúng chủ đề đăng ký, đảm bảo thời gian quy định. Phong cách thuyết trình đảm bảo tính sư phạm, bình tĩnh, dẫn nhập nội dung lôgích, ngắn gọn, sử dụng ngôn ngữ chính xác, rõ ràng, dễ nghe, cử chỉ thu hút, sinh động.
Nhiều giảng viên có phong cách thuyết trình đỉnh đạt, tự tin (giảng viên Phạm Quốc Hoàng – đơn vị huyện Bàu Bàng, Ngô Phương Thanh – đơn vị huyện Bắc Tân Uyên, Chung Phi Long – đơn vị Thành phố Thủ Dầu Một), đã chuyển tải nội dung sinh động, súc tích, lôgíc, chặt chẽ, dễ hiểu, phù hợp đối tượng, gắn lý luận với thực tiễn, rút ra được ý nghĩa sâu sắc, liên hệ thực tiễn cụ thể, sát đúng theo hướng vận dụng kiến thức lý luận vào thực tiễn lãnh đạo, quản lý ở cơ sở, hướng dẫn nghiệp vụ công tác ...; một số giảng viên sử dụng nhuần nhuyễn giáo án điện tử, kết hợp viết bảng, trình bày mô hình minh họa nội dung bài giảng khá phong phú, hấp dẫn. Tuy có một số giảng viên chọn đề tài trùng nhau, nhưng mỗi người đã có cách khai thác, đưa những dẫn chứng, minh hoạ riêng rất phong phú, không trùng lấp, không gây nhàm chán.
Qua phần thi thuyết trình cho thấy trình độ, khả năng của các thí sinh dự thi lần này khá đồng đều, hầu hết đều đạt kết quả khá trở lên. Điều đó cũng đã chứng tỏ các giảng viên đã có sự nghiên cứu sâu đề tài mình lựa chọn, thực sự tâm huyết với nghề và nhiệm vụ được cấp ủy phân công.
Song, trong phần thi thuyết trình vẫn còn một số tồn tại nhất định, đó là: Một vài giảng viên kinh nghiệm chưa nhiều nên tâm lý lo lắng, thiếu bình tĩnh; phát âm và kỹ năng khi thuyết trình thiếu tự tin, chưa thật sự lôi cuốn, hấp dẫn. Kiến thức thực tế, gắn lý luận với thực tiễn trong thuyết trình ở một số giảng viên chưa nhiều. Thỉnh thoảng có đồng chí dùng từ chưa thật chuẩn xác; một số nội dung và trích kinh điển chưa chuẩn; trang trí giáo án điện tử chưa thật chuẩn cả nội dung và hình thức, đưa một số hình ảnh để minh họa nội dung của bài giảng chưa thật phù hợp.
Với phần thi trả lời câu hỏi do Ban Giám khảo đặt ra, đây là phần thi mà các giảng viên dự thi lo lắng nhất. Nhiều giảng viên nghiên cứu tài liệu khá kỹ, nắm vững các nguyên tắc và nghiệp vụ giảng dạy lý luận chính trị, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, bình tĩnh, tự tin nên trả lời câu hỏi khá thành công; trả lời đúng, đủ nội dung câu hỏi đặt ra; linh hoạt, phân tích diễn giải chính xác. Tuy nhiên, trong phần thi trả lời câu hỏi, số ít giảng viên nghiên cứu tài liệu chưa kỹ nên lúng túng, trả lời không chính xác hoặc chưa đầy đủ.
Có thể khẳng định, Hội thi đã đạt được mục đích, yêu cầu của kế hoạch đề ra. Kết quả cuối cùng, căn cứ vào tổng điểm bình quân các nội dung thi: giáo án, thuyết trình và trả lời câu hỏi, Ban Tổ chức, Ban Giám khảo quyết định công nhận và sẽ trao giải trong buổi sơ kết công tác Tuyên giáo 6 tháng đầu năm, qua đó làm cơ sở để tuyển chọn 02 giảng viên xuất sắc tham dự Hội thi giảng viên giỏi vòng khu vực vào tháng 8 năm 2018.
Ngô Hoàng Khanh - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương