Thứ Sáu, 27/9/2024
Đời sống
Thứ Bảy, 31/3/2012 15:53'(GMT+7)

Kinh nghiệm về xây dựng nông thôn mới ở Hà Mòn - Đắk Hà - Kon Tum

Một cổng làng văn hóa của xã Hà Mòn

Một cổng làng văn hóa của xã Hà Mòn

Được thành lập ngày 1-2-1985, xã Hà Mòn, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum là một xã thuần nông. Trước đây, khi cây cà phê được coi là nguồn thu chủ lực, còn lúa nước, chăn nuôi chỉ là nguồn thu phụ, thì đời sống người dân thăng trầm theo giá của cà phê. Từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X, ngày 5-8-2008 "Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, xã Hà Mòn đã trở thành một điển hình của phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM). Năm 2011, Hà Mòn đã đạt được 18/19 tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trừ chỉ tiêu tỷ lệ lao động trong độ tuổi làm trong lĩnh vực nông nghiệp đang được Hà Mòn phấn đấu đạt chuẩn.

Những kết quả đạt được

Theo Báo cáo “Tổng kết thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới xã Hà Mòn giai đoạn 2009-2011”, cho tới nay, các chỉ tiêu kinh tế, xã hội của Hà Mòn đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó nổi bật nhất là thu nhập bình quân của nhân dân tăng lên rõ rệt qua từng năm (năm 2008 - đạt 20 triệu đồng/ người / năm; đến năm 2009 - đạt 22 triệu đồng/người/năm; năm 2010 - đạt 27,5 triệu đồng /người / năm; năm 2011 - đạt 35 triệu đồng/người/năm), cao gấp 3,2 lần so với thu nhập bình quân ở khu vực nông thôn của Kon Tum. Đến nay, ở Hà Mòn không còn hộ nghèo, cũng không còn hiện tượng nhà tạm, nhà dột nát… Cơ sở hạ tầng của Hà Mòn ngày một khang trang. Đường trục xã, liên xã đã được nhựa hóa đạt 100%, tạo thuận lợi cho việc cơ giới hóa trong sản xuất. Với phương châm “nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, nhân dân của 8/9 thôn đã đóng góp xây dựng đường điện thắp sáng trên tất cả các đường giao thông chính liên thôn. Hệ thống kênh mương chính, thủy lợi của xã được đầu tư nâng cấp. Hiện tại đã có 18/19 km kênh mương được kiên cố hóa, đảm bảo thuận lợi cho nhân dân trong việc tưới tiêu, phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Hà Mòn đã đạt chuẩn quốc gia về các chỉ tiêu văn hóa, xã hội, trong đó có phổ cập giáo dục TH - THCS với tỷ lệ 66,6% trường đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đến trường đạt 100%, trong đó, tỷ lệ tốt nghiệp THCS được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc và học nghề) đạt 92, 7%. Riêng năm 2011, Hà Mòn có 30/50 số học sinh đã tốt nghiệp PTTH, đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp. Đặc biệt tại địa bàn xã không có hiện tượng tái mù chữ… Xã Hà Mòn có 1 câu lạc bộ gia đình văn hóa và 6 câu lạc bộ “Văn hóa - Văn nghệ Người cao tuổi” hoạt động sôi nổi trong các phong trào văn nghệ quần chúng. Mỗi thôn đều có đội bóng chuyền nam, bóng chuyền nữ, đội bóng đá thiếu niên nhi đồng, đội văn nghệ. Nhiều năm liền, đội bóng đá nữ và đội văn nghệ của xã đã đạt “quán quân” trong các giải phong trào do tỉnh Kon Tum tổ chức… Đến năm 2011, có 9/9 thôn của Hà Mòn đạt tiêu chuẩn Làng văn hóa theo quy chế công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Các thiết chế văn hóa được đầu tư đồng bộ từ xã xuống các thôn. Cả 9/9 thôn đều có Nhà văn hóa, trong đó nhân dân tự đóng góp bàn, ghế, hệ thống loa đài. Nơi đây không chỉ là nơi sinh hoạt chung của thôn, mà còn là nơi phát đi những thông tin cập nhật về sự lãnh đạo, chỉ đạo về tình hình sản xuất, thời tiết, nguồn nhân lực trong sản xuất… của nhân dân mỗi thôn. Tại Hà Mòn, quy chế dân chủ cơ sở được phát huy, hương ước được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới. Đặc biệt việc treo cờ Tổ quốc trong những ngày lễ của quốc gia và địa phương đã được cả 9 thôn thực hiện nghiêm túc trên dọc hệ thống đường giao thông chính trong xã…

Chợ Hà Mòn đã được hoàn thành ở giai đoạn 1 và đưa vào hoạt động có hiệu quả. Một chợ nông thôn khang trang, đang tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ trong giai đoạn 2 để phục vụ nhân dân là kết quả của sự đóng góp công sức của nhân dân toàn xã và tinh thần “tự nguyện hiến đất” của doanh nghiệp cà phê Đăk Uy đóng trên địa bàn xã. Tại Hà Mòn, các dịch vụ về y tế và chăm sóc sức khỏe của người dân được coi trọng. Trạm y tế của xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia năm 2009, trong đó có một bác sỹ… 91,8% số hộ dân trong xã sử dụng nước sạch, đảm bảo vệ sinh trong sinh hoạt thường ngày. Công tác quản lý các nghĩa trang trên địa bàn xã theo quy hoạch chung của huyện cũng được thực hiện rất tốt. Vấn đề dọn, quét rác, đảm bảo vệ sinh môi trường, đường làng, ngõ xóm luôn sạch đẹp ban đầu được giao cho Hội Phụ nữ làm thí điểm, sau đó nhân rộng trong toàn xã, với mức đóng góp 3000 đồng/ hộ/tháng. An ninh trật tự được đảm bảo nhờ làm tốt các phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đời sống của người dân được chăm lo, không có tệ nạn nghiện ngập, ma túy, mại dâm… Hệ thống điện dân sinh của xã được đảm bảo an toàn, cung cấp điện sinh hoạt, sản xuất đến 100% hộ dân. Hệ thống tưới nước tự động sử dụng điện để tưới cà phê và hệ thống đèn chiếu sáng “công lộ” toàn hệ thống đường trục của xã, không chỉ góp phần hạn chế dần tệ mất trộm cà phê của người dân trong mùa thu hoạch mà còn làm cho Hà Mòn khang trang, hiện đại giống “phố giữa rừng sâu”.

Một trong những nhân tố quan trọng góp phần tạo nên một Hà Mòn-xã điển hình trong phong trào xây dựng NTM, chính là hệ thống chính trị, các đoàn thể xã hội của xã luôn được kiện toàn về tổ chức bộ máy, đoàn kết, thống nhất trong tư tưởng và hành động. Đảng bộ và chính quyền xã 5 năm liền được đánh giá đạt tiêu chuẩn “Trong sạch, vững mạnh”, không có hiện tượng đơn thư tố cáo trong nội bộ. Các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội của xã đều đạt danh hiệu tiên tiến trở lên, đang tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức, sinh hoạt Đảng; thường xuyên xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân trong nội bộ cán bộ, đảng viên. 100% cán bộ xã là con em của Hà Mòn. Đội ngũ cán bộ này luôn được học tập nâng cao trình độ về mọi mặt. Hiện tại, trong 30 đồng chí cán bộ xã, có 3 người đã tốt nghiệp đại học, còn lại đều tốt nghiệp trung cấp, sơ cấp và đa số họ đều đã được đào tạo về lý luận chính trị (16/30 người đạt trình độ trung cấp)...

Một số kinh nghiệm

Những thành tựu nổi bật nêu trên của Hà Mòn là kết quả sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum và tinh thần đoàn kết, thống nhất trong tư tưởng và hành động của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn xã. Phấn đấu đạt chuẩn trong thời gian nhanh nhất, tiếp tục giữ vững những thành tựu đã đạt được và quyết tâm nâng cao hơn nữa một số tiêu chí trong thời gian tới là mục tiêu phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hà Mòn. Từ những gì đã đạt được tại Hà Mòn, có thể rút ra một số kinh nghiệm chủ yếu trong quá trình triển khai, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới như sau:

Một là, cùng với việc quán triệt nội dung, chương trình xây dựng NTM, xây dựng Nghị quyết, thành lập Ban chỉ đạo, là việc cán bộ lãnh đạo xã thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ ở cơ sở. Sau khi xác định rõ mục đích và ý nghĩa của chủ trương, một mặt, triển khai công tác tư tưởng trong Đảng và trong nhân dân nhằm nâng cao sự nhận thức và đồng thuận, mặt khác công khai, minh bạch những công việc cần thiết phải thực hiện trong quá trình xây dựng NTM. Trong quá trình thực hiện, luôn thảo luận với nhân dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và tranh thủ ý kiến của nhân dân đã trở thành một nguyên tắc nhất quán trong lãnh đạo và tổ chức thực hiện của Đảng bộ và chính quyền xã. Gắn bó với nhân dân, chăm lo cho nhân dân và nhận được sự đồng thuận của nhân dân, nên lộ trình của Hà Mòn trở thành xã NTM đã có những bước đi, cách làm phù hợp, cụ thể đến từng chi tiết, tạo thuận lợi khi thực hiện.

Hai là, chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, huy động sự tham gia góp sức đồng bộ của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể. Đây là khâu đột phá trong nhóm những giải pháp được Hà Mòn thực hiện khá thành công. Thông qua các hình thức thảo luận tại buổi sinh hoạt tập thể, qua công tác tuyên truyền miệng, qua hệ thống loa phóng thanh tại hệ thống trục đường giao thông chính của 9 thôn, Nghị quyết của Đảng ủy, của Hội đồng nhân dân xã và Nghị quyết của chi ủy đều đặn được phổ biến đến mọi người dân trong toàn xã, để lãnh đạo thì “đồng tâm, đồng chí, đồng lòng” và nhân dân toàn xã thì “chung tay, chung sức” xây dựng NTM giàu đẹp. Trong quá trình triển khai xây dựng NTM, thường xuyên có các buổi họp thôn, sinh hoạt của các tổ chức chính trị - xã hội để tuyên truyền công tác xây dựng NTM đến từng hội viên mình phụ trách, cùng đó là những buổi họp toàn dân để vừa bàn bạc, thống nhất về những công việc cụ thể phải thực hiện, vừa tranh thủ ý kiến của nhân dân về từng nội dung trong việc thực hiện đồ án, đề án xây dựng NTM của xã... Linh hoạt và hiệu quả trong cách làm, Ủy ban nhân dân xã đã quảng bá về mục đích, nội dung, ý nghĩa chương trình xây dựng NTM trong 1.200 cuốn sổ giám sát đóng góp của công dân cho các hộ gia đình, và dùng panô, áp phích, các tờ rơi… để cập nhật và thông tin cho nhân dân trên toàn địa bàn xã.

Ba là, các cấp lãnh đạo Hà Mòn đã biết phát huy thế mạnh của hơn 300 cựu chiến binh về sinh sống, xây dựng kinh tế tại địa bàn. Tinh thần, nghị lực, ý chí của “anh bộ đội Cụ Hồ” không chỉ được phát huy trên trận tuyến đánh quân thù mà đã tiếp tục được kế thừa và phát huy trên mặt trận xây dựng kinh tế. Không chỉ có trình độ chuyên môn tốt và năng lực tổ chức thực hiện, sự nhiệt thành, năng nổ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và uy tín của những cựu chiến binh đó, trong đó có cả Bí thư Đảng ủy xã đã tạo thuận lợi để nhân dân tin và sẵn sàng làm theo.

Bốn là, đội ngũ cán bộ đảng viên lãnh đạo của xã được chú trọng đào tạo cả về chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị đã luôn đoàn kết, thân ái trong công việc và trong cuộc sống, đặc biệt là sự thống nhất về tư tưởng và ý chí xây dựng quê hương của đồng chí Bí thư và Chủ tịch xã. Họ dù khác nhau về tuổi tác: một nữ Bí thư Đảng ủy xã trẻ chưa đến 30 tuổi (năm 2008, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Thị Thắm vừa tròn 28 tuổi) hay một cựu chiến binh, nhưng cùng chung sự thống nhất - đó là khát vọng, là tâm huyết xây dựng Hà Mòn trở thành một xã NTM đạt chuẩn, là thực hiện tốt Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” với phương châm “lấy của dân, sức dân để lo cho dân”, nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Năm là, Hà Mòn đã biết hợp tác, tranh thủ lợi thế của một số doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã, theo đó những thành tựu khoa học kỹ thuật được các doanh nghiệp áp dụng trong quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch cà phê cũng được nhân dân học hỏi, áp dụng, góp phần nâng cao sản lượng và chất lượng cà phê mỗi mùa thu hoạch. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng tạo điều kiện cho bà con mua phân bón với giá vay lãi không cao quá và thời gian trả nợ muộn, để bà con yên tâm đầu tư cho quá trình sản xuất ./.

Thanh Mai

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất