Thứ Tư, 25/9/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 7/6/2014 9:25'(GMT+7)

Kinh tế 2014: Cơ hội và thách thức

Dây chuyền sản xuất điện thoại di động tại Nhà máy sản xuất điện thoại di động Samsung Việt Nam. Ảnh: Đức Tám - TTXVN

Dây chuyền sản xuất điện thoại di động tại Nhà máy sản xuất điện thoại di động Samsung Việt Nam. Ảnh: Đức Tám - TTXVN

Kinh tế năm 2013: đã vượt đáy

Theo những số liệu chính thức đã được Tổng cục Thống kê công bố, tăng trưởng GDP năm 2013 đạt 5,42%, tuy không đạt mục tiêu kế hoạch đề ra là 5,5%, song đã cao hơn năm 2012 (5,03%) và như vậy, có thể coi kinh tế Việt Nam đã vượt đáy, bắt đầu quá trình hồi phục khó khăn. Cũng xin nhắc lại rằng mức tăng trưởng này thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng Việt Nam đã từng đạt được trước đây (7-8%) và thấp thua mức tăng trưởng của Lào (7,9% năm 2012) và Campuchia (7,2% năm 2012) và khoảng cách giữa nước ta và các nước ASEAN khác ngày càng doãng ra chứ không xích gần lại. Bản dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (World Bank) ngày 7-4-2014 cho thấy mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thấp hơn Mông Cổ, Myanmar, Lào, Campuchia và dự kiến sẽ tiếp tục thấp hơn trong hai năm 2015 và 2016.

Như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trực tiếp thông báo ngày 5-12, GDP của Việt Nam theo giá hiện hành (tức tính cả lạm phát) đã đạt mức 176 tỷ USD, GDP/người đạt 1960 USD,  tăng 23% so với năm trước theo cách tính mới của Tổng cục Thống kê.

Ổn định kinh tế vĩ mô đã có bước cải thiện nhất định với mức lạm phát dưới 6,6%/năm, tỷ giá so với đồng USD ổn định hơn, chỉ tăng khoảng 2%/năm, thấp hơn nhiều so với chỉ số lạm phát trong nước làm cho đồng tiền Việt Nam lên giá so với đồng USD. Dự trữ ngoại tệ đạt mức 3 tháng nhập khẩu, vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực nhưng là mức cao nhất của Việt Nam từ trước đến nay. Lãi suất ngân hàng đã giảm đáng kể từ mức 21%/năm trước đây xuống còn khoảng 11%/năm cũng là một thành tựu đáng ghi nhận.

Xuất khẩu có thể đạt mức kỷ lục 132,2 tỷ USD, tăng 15,4%, gấp ba lần mức tăng GDP và là mức tăng xuất khẩu cao trong các nước ASEAN và đóng góp đáng kể vào quá trình hồi phục kinh tế. Nhập khẩu ước đạt 131,3 tỷ USD. Cán cân thương mại có thặng dư là một tiến bộ, thu hút đầu tư nước ngoài đạt 21 tỷ USD vốn cam kết, tăng 54% so với năm trước.

Việt Nam tích cực đàm phán để tham gia Hiệp định hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU, v.v.. đem lại những tín hiệu khích lệ cho nhà đầu tư nước ngoài. Những thành tựu và tiến bộ đó là do Chính phủ đã áp dụng chính sách tiền tệ-tín dụng có kiểm soát, song cũng do sức mua của dân đã giảm sút mạnh nên chỉ số giá chỉ tăng chậm. Mặt khác, việc chuẩn bị trong thực tế để thực hiện AEC, Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Hiệp định TPP còn quá chậm cả ở khu vực doanh nghiệp lẫn bộ máy nhà nước. Các chỉ số đánh giá của các tổ chức quốc tế về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh, tham nhũng chậm có tiến bộ.

Nghịch lý và những việc chưa làm được

Trong khi rất trân trọng với những thành tựu và tiến bộ đã đạt được, cũng cần nhận thấy nền kinh tế đang bộc lộ khá nhiều nghịch lý và còn quá nhiều việc được dự kiến nhưng chưa thực hiện được trong năm 2013.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng cao hơn có phần đóng góp quan trọng của xuất khẩu và đầu tư nước ngoài nhưng nhà đầu tư nước ngoài lại chuyển lãi thu được ở Việt Nam về nước họ. Vì vậy, tổng thu nhập quốc gia (GNI), tức thu nhập ròng còn lại ở Việt Nam, thấp hơn nhiều so với GDP được công bố. Theo Ngân hàng Thế giới,  năm 2012 số vốn chuyển theo sở hữu nước ngoài đó là 7,5 tỷ USD, tức 196 USD/người. Mức chuyển vốn này trong năm 2013 chắc chắn còn cao hơn.

Năm 2013, nền kinh tế đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn 2012 khoảng 0,4-05% GDP trong khi tổng đầu tư xã hội của 2013 chỉ đạt 30,1% GDP, thấp hơn mức 33,5% của năm 2012 đến 3,4% GDP. Trong đó đầu tư của khu vực tư nhân đã giảm mạnh từ 15% GDP trong giai đoạn 2007-2010 xuống còn 11,5% năm 2013. Theo điều tra của VCCI về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), năm 2007 có 74,3% doanh nghiệp được hỏi có ý định mở rộng sản xuất kinh doanh thì tỷ lệ này năm 2012 chỉ còn 20,3%.

Tăng trưởng của Việt Nam phụ thuộc đến 55% vào vốn (trong khi đóng góp của yếu tố TFP chỉ còn khoảng 25%, phần còn lại là đóng góp của lao động), giảm đầu tư sẽ hạn chế tốc độ tăng trưởng. Như vậy, dường như kinh tế Việt Nam đã có thể tăng trưởng cao hơn với mức đầu tư ít hơn và chỉ có thể giải thích sự dị thường này là hiệu quả đầu tư xã hội đã được cải thiện, có lẽ do sắp xếp lại đầu tư công. Song, điều này còn phải được chứng minh bằng những nghiên cứu độc lập.

Tăng trưởng của khu vực nông nghiệp giảm sút rõ rệt từ mức tăng trung bình 3,3% của giai đoạn 2006-2010 xuống chỉ còn 2,81% năm 2013 là điều đáng lo ngại vì nông nghiệp vốn là trụ đỡ bảo đảm ổn định của nền kinh tế nước ta. Số hộ nông dân bỏ ruộng lan ra 22/63 tỉnh, thành phô; số mắc nợ, phá sản tăng lên.

Điều đáng lo ngại là trong khi có dấu hiệu hồi phục thì nền kinh tế có triệu chứng lâm vào tình trạng “trầm cảm”, bất chấp các cải thiện về kinh tế vĩ mô và nỗ lực đầu tư của nhà nước. Mặc dù lãi suất tín dụng đã giảm mạnh từ 21% (2011) xuống 9-11% năm 2013, thuận lợi hơn đối với doanh nghiệp, song tổng mức tín dụng trong năm 2013 chỉ tăng 11%, tức chỉ cao hơn mức 7,5% của 2012 một ít, chứng tỏ “cục máu đông” nợ xấu vẫn ngăn cản hoạt động bình thường của nền kinh tế.Vòng quay của đồng vốn chỉ còn khoảng 1 so với mức hơn 2 của những năm trước đây, thể hiện sự trì trệ đáng lo ngại của lưu chuyển vốn trong nền kinh tế.

Tồn kho bất động sản vẫn còn rất lớn, nợ của khối doanh nghiệp nhà nước tiếp tục tăng lên (1,36 triệu tỷ VNĐ), đầu tư công còn rất dàn trải. Nếu không đạt được tiến bộ trên các lĩnh vực này thì các triệu chứng “trầm cảm” của nền kinh tế sẽ không tự động biến mất và khó có thể tăng trưởng bền vững.

Chi tiêu hộ gia đình của Việt Nam chỉ tăng 5,1% đã trong thời kỳ 2009-2012 so với mức 8,9% của 2004-2008. Sức mua của người dân đã xuống mức rất thấp, thể hiện rõ rệt qua sự ế ẩm của nhiều loại hàng hóa và tồn kho hàng công nghiệp vẫn cao hơn năm 2012 khoảng 9,4%.  Như vậy, tăng trưởng GDP chưa thực sự cải thiện đời sống của đông đảo dân cư.

Tiêu dùng cũng không tăng lên mặc dầu có nhiều chiều khuyến mại và chỉ số CPI chỉ tăng rất thấp, đặc biệt chỉ số giá của các  mặt hàng lương thực, thực phẩm không tăng mặc dầu bão lũ đã gây thiệt hại lớn cho miền Trung. Thị trường vào dịp lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch cũng trầm lắng khác thường cho thấy sức mua của người dân đã giảm sút nghiêm trọng. Niềm tin của người dân vào triển vọng ổn định và tăng trưởng mạnh của nền kinh tế vẫn chưa được khôi phục.

Số doanh nghiệp tư nhân tuyên bố phá sản hoặc ngừng hoạt động vẫn tiếp tục tăng 8,4% so với 2012. 65% doanh nghiệp báo cáo không có lãi, trong đó có không ít doanh nghiệp hạng trung đã nỗ lực trụ lại trong những năm vừa qua. Khu vực kinh tế dân doanh năng động, tạo ra nhiều việc làm nhất-một thành tực quan trong của quá trình Đổi mới- đã bị tổn thất nặng nề và chưa biết bao giờ mới phục hồi được. Cũng vì vậy, số lao động mất việc làm từ các ngành xây dựng, ngân hàng tiếp tục tăng lên trong những tháng cuối năm.

Trong khi tăng trưởng GDP có dấu hiệu hồi phục thì ngân sách nhà nước gặp khó khăn nghiêm trọng nhất trong 30 năm gần đây: thu ngân sách giảm sút mạnh và không đạt kế hoạch đề ra. Trong đó đáng chú ý là thu thuế thu nhập doanh nghiệp từ khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 20%, nhiều tổng công ty, tập đoàn báo lỗ. Trong khi xuất khẩu tăng cao thì thu thuế từ xuất khẩu rất khiêm tốn, lý do là 65% xuất khẩu do doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đóng góp và các doanh nghiệp đó đã có nhiều ưu đãi, miễn, giảm nhiều sắc thuế. Điển hình là Samsung xuất khẩu khoảng 23,5 tỷ USD điện thoại thông minh Galaxy nhưng thu thuế chỉ đạt khoảng 49,7 triệu USD, tức khoảng 1000 tỷ đồng. Chính phủ đã phải đề nghị Quốc hội cho phép nâng chỉ tiêu bội chi ngân sách năm 2013 từ 4,8% lên 5,3% tức là thêm 0,5% nữa. Nợ công tiếp tục tăng nhanh.

Một nghịch lý nổi cộm là sự kém hiệu quả của khu vực doanh nghiệp nhà nước. Nếu trừ đi đóng góp của y tế, giáo dục, hành chính, đóng góp của doanh nghiệp nhà nước năm 2011 chỉ còn 32,1% nhưng sử dụng đến 60% tổng tín dụng của nền kinh tế và tổng số nợ không ngừng tăng lên.

Những nghịch lý đó cho thấy, tuy có dấu hiệu hồi phục nhưng nền kinh tế vẫn tiếp tục đối mặt với những yếu kém nan giải, đòi hỏi phải có nỗ lực lớn, kiên trì để khắc phục.

Tái cấu trúc và cải cách chưa có nhiều chuyển biến

Mặc dù đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị nhằm thực hiện Nghị quyết của Hội nghị lần thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (15-10-2011) về tái cơ cấu nền kinh tế, nhưng thực tế cho thấy năm 2013 đã không tạo được chuyển biến đáng kể về tái cấu trúc nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Chính phủ đã làm việc với cường độ rất cao, tổ chức rất nhiều cuộc họp, ban hành rất nhiều văn bản, chỉ thị nhưng kết quả đạt được rõ ràng là quá khiêm tốn. Các nút thắt cổ chai của nền kinh tế về kết cấu hạ tầng, về lao động có trình độ cao và thể chế kinh tế không có cải thiện rõ rệt. Đánh giá quốc tế về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới vẫn ở mức thấp, xếp thứ 99/187 nền kinh tế, thấp hơn 1 bậc so với 2012.

Các biện pháp tái cấu trúc nền kinh tế chưa có tính hệ thống, cơ bản và chưa xác định tường minh mục tiêu cần đạt được sau một khoảng thời gian nhất định. Cách tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước theo phương pháp mỗi tập đoàn, tổng công ty đang có khối lượng nợ rất lớn tự đề ra phương án tái cấu trúc, tự mình "nắm tóc mình" đứng lên, tự khắc phục các yếu kém của mình là rất xa lạ đối với kinh nghiệm của thế giới và khó khả thi. Người bệnh không thể tự chẩn đoán bệnh, càng không thể tự kê đơn chữa bệnh cho mình.Vụ án Dương Chí Dũng của Vinalines cũng cho thấy những yếu kém đáng lo ngại trong quyết định và thực hiện đầu tư. Câu hỏi đề ra là có bao nhiều “ụ nổi” khác ngốn tiền tỷ chưa được phát hiện trong nền kinh tế. Núi nợ của doanh nghiệp nhà nước sẽ được giải quyết thế nào? Tính công khai, minh bạch sẽ được cải thiện ra sao? Chừng nào những vấn đề đó chưa được đề ra, chưa có giải pháp thì đích đạt được chưa rõ và chưa thuyết phục.

Đề án tái cấu trúc ngân hàng cũng chưa bao quát được đầy đủ các vấn đề phải giải quyết.

Trong nước, ta nỗ lực để vận động được thế giới công nhận là nền kinh tế thị trường trước năm 2018, song những can thiệp vào cơ chế thị trường đang tăng lên chứ không giảm đi: hệ thống giá bị bóp méo nghiêm trọng, giá điện, than tiếp tục thiếu minh bạch và được coi là dưới giá thành trong khi không có nỗ lực nào để kiểm soát các doanh nghiệp nhà nước độc quyền. Thị trường vàng nay do Ngân hàng Nhà nước độc quyền điều hành. Tỷ giá bị neo để ổn định kinh tế trong khi lạm phát trong nước cao hơn làm cho đồng tiền Việt Nam trên thực tế cao giá hơn so với đồng USD khoảng 30%, ảnh hưởng đáng kể đến xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước.

Trong khi hội nhập quốc tế tiến nhanh, thì những số liệu về nợ xấu, tiêu chuẩn đánh giá ngân hàng thương mại, đánh giá doanh nghiệp nhà nước và hàng loạt số liệu thống kê khác của nước ta như tỷ lệ thất nghiệp chưa phù hợp với chuẩn mực quốc tế.

Nhìn lại kinh tế năm 2013, trong khi ghi nhận những tiến bộ đã đạt được, chúng ta không thể không lo lắng về những gánh nặng đang chờ đợi giải quyết trong năm 2014 để tạo ra bước ngoặt rất cần thiết cho nền kinh tế.

Kinh tế năm 2014

Các dự báo đều cho thấy kinh tế thế giới sẽ tiếp tục hồi phục trong năm 2014 và tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn, trong đó đầu tàu vẫn là khu vực Đông Á tuy rằng sẽ còn những biến động từ chính sách tiền tệ của Mỹ, sự ổn định của khu vực đồng Euro và hiệu quả của các cải cách của Trung Quốc. Nếu tiếp tục duy trì chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện những đổi mới mạnh mẽ về thể chế, tái cơ cấu kinh tế, kinh tế Việt Nam có thể tiếp hồi phục chậm do những nút thắt của nền kinh tế chậm được giải quyết. Nếu cải cách cơ bản, Việt Nam có thể mở đầu công cuộc Đổi mới lần hai và chuẩn bị cho Đại hội XII của Đảng thành một Đại hội đổi mới mạnh mẽ. Nếu không, các bất ổn kinh tế có thể tiếp tục tác động đến xã hội và tình hình có thể diễn biến phức tạp. Tất cả phụ thuộc vào quyết tâm đổi mới để tiến lên, qua đó đạt được tăng trưởng và ổn định trên một mặt bàng cao hơn chứ không dừng lại ở thực trạng hiện nay.

Chính phủ xác định mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 là: “Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tăng trưởng hợp lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Sử dụng hợp lý và có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng chống tham nhũng, lãng phí; cải thiện môi trường kinh doanh. Bảo đảm quốc phòng và an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế”. Các mục tiêu chủ yếu được đặt ra là khiêm tốn:

Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 5,8%. Giá tiêu dùng tăng khoảng 7%. Kim ngạch xuất khẩu tăng 10%. Tỷ lệ nhập siêu khoảng 6%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bằng khoảng 30% GDP. Bội chi ngân sách 5,3% GDP. Tín dụng dự kiến tăng 12-14%/năm. Các tổ chức quốc tế: tăng trưởng từ 5,25%-5,5%. Lạm phát vẫn còn phức tạp.

Để thực hiện tốt mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu của năm 2014, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành, trọng tâm là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 2-1-2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014

Thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là “Hoàn thiện thể chế, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2014, tạo nền tảng phát triển nhanh và bền vững” đã chỉ ra những định hướng hành động và nhiệm vụ quan trọng cho công cuộc cải cách và tái cấu trúc kinh tế năm 2014 và những năm tiếp theo.

Thủ tướng đã bắt đầu thông điệp bằng nhiệm vụ “đổi mới thể chế và  phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân” đã đề cập đúng trọng tâm, đáp ứng lòng mong mỏi của người dân đang bức xúc với rất nhiều yếu kém của bộ máy và vi phạm quyền dân chủ hiến định của người dân. Thủ tướng đòi hỏi: “Nhà nước phải bảo đảm và phát huy được quyên làm chủ thực sự của ngươi dân, nhất là quyền tham gia xây dựng chính sách, quyền lựa chọn người đại diện cho mình và quyền sở hữu tài sản. Quyền làm chủ phải đi đôi với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân mà trước hết là phải tuân thủ pháp luật”.

Thủ tướng cũng đề ra yêu cầu rất đúng đắn là: “Phải hoàn thiện cơ chế phản biện xã hội, tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng chính sách và lựa chọn cán bộ. Nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan hoạch định chính sách”.

Kinh tế Quý I - 2014: hồi phục chưa vững chắc

Theo Tổng Cục Thống kê, kinh tế Quý I - 2014 đã có những tín hiệu phục hồi nhất định: tăng trưởng GDP đạt 4,96%, chỉ cao hơn 0,20% mức tăng 4,76% của Quý I 2013, song được đánh giá là mức tăng cao nhất của ba năm gần đây. Tăng trưởng chủ yếu dựa vào tăng trưởng công nghiệp (4,69% so với 4,61% của Quý I 2013) và dịch vụ (5,95% so với 5,68%) trong khi nông nghiệp chỉ tăng trưởng 2,37%, cao hơn mức tăng 2,24% của cùng kỳ năm trước.

Chăn nuôi gặp khó do mùa đông khắc nghiệt ở miền Bắc và dịch tai xanh gây thiệt hại đáng kể cho đàn gia súc.

 Sản xuất công nghiệp chỉ tăng 0,08% so với năm trước  là mức tăng rất khiêm tốn, cho thấy các doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn. Đáng chú ý là tuy sản xuất tăng chậm nhưng tồn kho các mặt hàng công nghiệp tiếp tục tăng lên nhanh, chứng tỏ sức mua của dân cư đang ở mức rất thấp. Chỉ số tồn kho công nghiệp đến ngày 1.3.2014 tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều so với mức tăng sản xuất 0,08%, trong đó có một số ngành như cơ khí tỷ lệ tồn kho tăng rất cao.

 Xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, tăng 14,1%, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 13,2%, xuất siêu 1,7 tỷ USD, tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế, đưa Việt Nam lên một trong những nền kinh tế có tỷ lệ tăng xuất khẩu cao nhất Đông Nam Á. Song, vẫn như năm trước, tăng xuất khẩu  chủ yếu do đóng góp của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (đóng góp 67,4% kim ngạch xuất khẩu và đóng góp chủ yếu cho xuất siêu) với các mặt hàng điện thoại di động thông minh, điện tử trong khi xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước tiếp tục gặp khó khăn. Đáng chú ý là tỷ lệ giá trị gia tăng trên nước Việt Nam của điện thoại Galaxy do Samsung Vina xuất khẩu chỉ vào khoảng 8% nên phần hưởng lợi của Việt Nam trong sản phẩm này quá nhỏ bé, chủ yếu là gia công, lắp ráp với lao động giá rẻ. Các mặt hàng xuất khẩu truyền thống của doanh nghiệp trong nước như gạo, sắn, cao su, than đá, dầu thô đều giảm so với năm trước.

Đặc biệt, lạm phát Quý I chỉ tăng 4,83% so với cùng kỳ năm 2013, mức thấp nhất từ 11 năm nay, trong đó tháng 3-2014 đã có mức tăng trưởng âm-0,44%, trong đó mặt hàng ăn uống giảm mạnh nhất -0,96%. Doanh số bán lẻ tăng 10,2%, nếu trừ đi mức tăng giá thì chỉ tăng 5,1%. Điều này cũng phù hợp với tình trạng tồn kho tăng lên đã nêu trên. Thị trường chứng minh rõ ràng cầu yếu, sức mua dân cư giảm sút là một thực tế dù cho một số quan chức không muốn thừa nhận điều này.

Như tấm gương phản chiếu phóng đại của nền kinh tế và chờ đón làn sóng cổ phần hóa, tái cấu trúc doanh nghiệp, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ, VN-Index tăng 19%, HNX-Index tăng 33%.

Theo Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch-Đầu tư, số doanh nghiệp phá sản hoặc đóng cửa trong 3 tháng đầu năm lên đến 17.000 doanh nghiệp, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2013 cho thấy các doanh nghiệp trong nước tiếp tục gặp khó khăn. Số doanh nghiệp không có lãi vẫn tăng lên so với con số 66% của năm 2013. Đáng chú ý là số doanh nghiệp đồng bằng sông Cửu Long ngừng hoạt động tăng 26,1% như ở Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang, cao hơn hẳn mức bình quân cả nước.

Số doanh nghiệp mới đăng ký trong Quý I đạt 18.358 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 35.081 tỷ đồng tăng 16,9% về số doanh nghiệp đăng ký và 23,4% về vốn so với cùng kỳ 2013 là một tín hiệu đáng mừng cho niềm tin được hồi phục.

Do lạm phát giảm, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo giảm lãi suất huy động lần thứ 8 từ tháng 3 - 2012 đến nay xuống 6% và một số ngân hàng thương mại đã hạ lãi suất cho vay xuống còn 7-8% đối với những khách hàng ưu tiên. Mặc dầu mức lãi suất này là một cải thiện đáng kể so với mức lãi suất cắt cổ 21%vài năm trước đây, song vẫn là lãi suất cao nhất ở Đông Nam Á và là yếu tố tăng chi phí cho doanh nghiệp. Đáng chú ý là mức tăng tín dụng 3 tháng đầu năm vẫn âm (-1,05%), riêng ở Hà Nội âm đến 1,7%, trong cả nước âm khá lớn trong hai tháng 1 và 2, song mức tăng tín dụng đã bắt đầu có mức tăng dương khiêm tốn 0,12% trong 2 tuần đầu tháng 3. Rõ ràng tắc nghẽn trong lưu thông vốn đang cản trở nặng nề hoạt động của khối doanh nghiệp trong nước.

Trong khi đó vốn huy động tăng 1,92% và người dân tiếp tục tăng gửi tiết kiệm vào hệ thống ngân hàng, chứng tỏ người dân chưa tìm thấy những kênh đầu tư đáng tin cậy khác. Các ngân hàng đang tìm các giải pháp mới như tăng cường cấp tín dụng tín chấp cho doanh nghiệp hay liên kết bốn nhà tạo ra gói tín dụng 50.000 tỷ với lãi suất thương mại nhằm vào thị trường bất động sản.

Ngay từ đầu năm 2014, Chính phủ đã sớm ban hành Nghị Quyết 01 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành kế hoạch năm 2014 nhưng những tiến bộ đạt được trong Quý I còn rất hạn chế. Tỷ lệ giải ngân của gói 30.000 tỷ hỗ trợ nhà ở xã hội mới đạt 4% cho thấy những thủ tục hành chính phiền hà của gói tín dụng này đang làm tắc nghẽn dòng vốn,làm cho cung-cầu không gặp nhau. Và cho đến nay vẫn chưa có một giải pháp hệ thống, đồng bộ cho cuộc khủng hoảng bất động sản đã kéo dài vài năm nay và có lẽ sẽ còn tiếp tục vài năm nữa, chôn vốn của ngân hàng và nền kinh tế.

Việc cải cách doanh nghiệp nhà nước đã được công bố với những mục tiêu cao và biện pháp quyết liệt, tuy vậy, hết Quý I vẫn chủ yếu là xây dựng và công bố các chính sách, quy định mới song vẫn chưa thấy công bố danh mục những doanh nghiệp nhà nước sẽ được cổ phần hóa trong năm 2014 và giải pháp gì cho số nợ rất lớn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước này.

Cải cách thể chế được xác định là nhiệm vụ đột phá trong năm 2014 và được kỳ vọng sẽ đem lại những cải thiện mang tính đột phá, song hết Quý I người dân và doanh nghiệp vẫn hy vọng về những giải pháp theo cơ chế thị trường nhiều hơn, giảm bớt sự can thiệp của nhà nước và tăng tính công khai minh bạch của các cơ quan nhà nước.

Gần đây đã nổi lên cuộc tranh luận về việc Việt Nam đã rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” hay chưa, một khái niệm chuyên môn để chỉ tình trạng một nước sau khi thoát khỏi tình trạng nghèo và kém phát triển không thể tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao để vượt qua ngưỡng 12.000 USD/người để trở thành một nền kinh tế phát triển. Những nước như vậy không có công nghiệp hiện đại, không phát huy được trí sáng tạo mà tiếp tục khai thác tài nguyên và lao động giá rẻ. Đồ thị sau đây cho thấy chỉ có rất ít nước ở Đông Á đã làm được như vậy nhờ cải cách thể chế.

Tuy có những tín hiệu hồi phục mong manh và khiêm tốn trên một số mặt, nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn vận động trong những điều kiện khó khăn và trông đợi các biện pháp tái cơ cấu thực sự sẽ đem lại những chuyển đổi trong thời gian tới./.

Lê Đăng Doanh              

 


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất